I.Điểm
một vài thông tin
Vào mạng tra mục từ “mộ Kinh
Dương Vương” dễ dàng gặp những thông tin sau:
-“Rất
nhiều người không biết rằng, ngôi mộ Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Việt nằm ngay
bên bờ sông Đuống, thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành, Bắc
Ninh. Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây
cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng mà chỉ xây cao lên bằng
gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian.
…Điều
quan trọng là ngôi mộ nằm ở trung tâm thời dựng nước, từng là một thánh địa do
chính Kinh Dương Vương chọn. Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ
Ninh (nay là), nhận ra thế đất quý, có tứ linh long, ly, quy, phượng, có sông
núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập
nên xóm làng đầu tiên.”
-
“Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản
văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu
đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia
đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên”
(1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu
được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành
phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ
như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)…
Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh
Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9
(1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6
(1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887),
1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).
-Thật
là tự hào, chúng ta có nhà nước Cực Lạc, Hồng Bàng, Xích Quỷ (sao Quỷ Đỏ ở
phương Nam), Văn Lang, Nam Việt, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Ngu, Việt nam với Văn
minh lúa nước và thuần phục trâu cấy cầy....từ thời Vua Phục Hy và Thần Nông của
nhà nước Cực Lạc. Đóng đô ở Thạch Thất Hà nội
Kinh
Dương Vương được Vua Cha Đế Minh giao cai quản nước Xích Quỷ, từ phía Nam sông
Dương Tử. Xích là đỏ, Quỷ là sao Quỷ (nằm trong nhị thập Bát Tú). Thời kỳ này
là khoảng 2879 năm trước công nguyên (cách 2013 là 4892 năm) Lạc Long Quân lấy
Mẫu Thoải Âu Cơ, Đệ Tam Thánh Mẫu, đẻ ra 100 trứng ở Đền Lăng Xương, Thanh Thuỷ,
Phú Thọ. Nơi đây có suối nước nóng của đứt gẫy vỏ trái đất, nhận Địa khí, gần với
Ba vì, nơi nhận được Thiên khí. Các con theo Cha xuống biển ở Hà Đông, theo Mẹ
lên núi ở Việt trì, Phú Thọ. Người con cả được phong là Vua Hùng. Chúng ta có
108 Vua Hùng (18 Vua Hùng ghi trong sử sách là những người có công mở cõi). Đền
Thờ các Vua Hùng, mộ các Vua Hùng, các Mẫu....đều nằm ở Kinh đô cổ Phong Châu,
Vân nội, Hà Đông.
-Kinh
đô cổ của các nhà nước Cực Lạc, Hồng Bàng, Lạc Việt, Văn Lang, còn nằm ở các
Huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Hà Đông...Phố Xốm, Vân Nội, Hà
Đông chính là Phong Châu cổ, Kinh đô của Vua Hùng
Tinh
hoa văn hóa Việt với tư duy minh triết .GS-TSKH-VS Nguyễn Xuân Trường Tiến; Chủ tịch Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ
thuật Công Trình Việt nam, VSSMGE. http://nguyenngocson.vn/?module=news_detail&cat_id=12&id=453
-Kinh
Dương Vương húy Nguyễn Lộc Tục tự Phúc Lộc (đổi họ Thần Nông thành họ Hồng
Bàng) là con trai trưởng của Thái Khương Công- Nguyễn Minh Khiết và bà Đỗ Quý
Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát. Chồng lấy vợ
hai, mẹ con bị bạc đãi. Bà Đỗ Quý Thị giận, đem Lộc Tục vào núi Hòa Bình tu.
Nhiều năm cụ tu ở Động Tiên, huyện Lạc Thủy- Hòa Bình. Cụ cùng tám người em
trai nuôi dạy con trai là Nguyễn Lộc Tục. Lớn lên Lộc Tục đánh thắng giặc Gạc
Ma được cha Nguyễn Minh Khiết phong Thánh Tổ làm vua hiệu Kinh Dương Vương.
Ngài lập kinh đô ở bến Ong, làng Vân Lôi (Kẻ Xốm) đặt tên nước là Xích Quỷ.
Ngài sinh ngày 17- 8. Mất ngày 25- 12. Mộ táng tại chỗ giáp ranh hai làng Quang
Lâm và Vân Nội- Thanh Oai- Hà Nội ngày nay. Đền thờ ngài 24 tòa xây tại 24
làng.
Những thông tin trên cho thấy,
ít nhất trên đất nước ta có hai nơi được cho là có mộ của Kinh Dương Vương. Cố
nhiên, một câu hỏi nảy sinh: một người
sao lại có tới hai ngôi mộ? Từ đó dẫn tới sự hoài nghi về tính xác thực của những
ngôi mộ này. Đành rằng, mộ thủy tổ là thiêng liêng nhưng khi sự hoài nghi xuất
hiện sẽ gây hậu quả khó lường! Vì vậy cần được làm rõ: thực sự đó có phải là mộ
của Ngài không?
II.
Những lý do cho thấy không
thể có mộ của Kinh Dương Vương trên đất Việt Nam
Từ khảo cứu nhiều nguồn tài
liệu, chúng tôi xin trình ra những lý do khẳng định không thể có mộ Kinh Dương
Vương trên đất Việt Nam
Lý
do thứ nhất: dựa vào thư tịch.
- Cuốn sách sớm nhất nói tới
Phục Hy, Thần Nông là Kinh Dịch, do Khổng Tử san định vào cuối thời Xuân Thu,
cách nay gần 2500 năm. Kinh Dịch viết: “Họ Bào Hy mất, họ Thần Nông xuất hiện,
dạy dân lấy gỗ đẽo cày, họp chợ. Tất cả đều lấy hứng tứ quẻ Ích.”
-Theo Từ Hải thì Phục Hy còn
có tên là Bào Hy, Thái Hạo v.v. . . là một trong ba ông vua thời Thái cổ, hai
ông kia là Toại Nhân, Thần Nông. Phục Hy dạy dân săn bắn, đánh cá, nuôi súc vật,
tạo ra Bát quái và thư khế (văn tự, khế ước). Có sách nói Phục Hy sống ở thế kỷ
43 TCN.
-Trong tài liệu Về Thiên-đài nơi tế cáo của vua Minh,
bác sĩ Trần Đại Sĩ ghi cuộc điều tra điền dã của ông như sau: “Thiên-đài là ngọn
đồi nhỏ, cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi
chùa nhỏ, nay để hoang… Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ,
giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Đầu đề ghi:
“Thiên-đài di sự lục. Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.” Trinh-quán là niên
hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng
không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào ? Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường
như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh
Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn soạn, phần chép tiếp
theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ. Phần
thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy
(1662-1772). Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc vua Minh đi tuần thú
phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế
cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài núi cũng mang tên Thiên-đài
sơn. Minh-Văn còn kể thêm : « Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế
Minh, vua Kinh-Dương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu
được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương ông cùng nghìn quân lên
Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử
chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi. Về đời Đường để
xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới
cho xây chùa tại đây ».[1]
Tài liệu này là chứng cứ cho thấy truyền thuyết
Đế Minh tuần thú phương Nam, tới núi Thiên Đài lập đàn tế cáo trời đất xuất hiện
từ xa xưa và phổ biến ở vùng Giang Nam. Đó cũng là thêm bằng chứng về việc ra đời
nước Xích Quỷ.
Trong khi đó, những người chủ trương Châu
Phong Hà Đông là kinh đô và nơi an nghỉ của Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương
Vương chỉ dựa vào cuốn Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, xuất hiện quá mới, khoảng giữa
thế kỷ XIX, lại đầy mâu thuẫn mà nhiều người chỉ ra là ngụy thư, có đáng tin
không?
Ngay với ngôi mộ ở Thuận
Thành Bắc Ninh, dù có thần tích, bia ký rồi sắc phong thì tất cả cũng đều quá mới,
không có giá trị sử liệu xác nhận đó thực sự là mộ của Kinh Dương Vương.
Lý
do thứ hai: Cho rằng các vị Phục Hy, Thần Nông, Kinh
Dương vương sống ở Phong Châu Hà Nội, Thuận Thành Bắc Ninh.
Từ khảo sát hơn trăm cốt sọ
thời Đồ Đá tới thời Kim khí được phát hiện ở Đông Nam Á (Việt Nam chiếm 70 mẫu),
Giáo sư Nguyễn Đình Khoa trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á (NXB DH&THCN.
H,1983) xác nhận: “Suốt thời Đồ đá, dân cư ở Việt Nam và Đông Nam Á gồm hai chủng
Indonesian và Melanesian, đều thuộc loại hình Australoid”
Do 4879 năm trước trên đất
nước ta thuộc Thời Đồ đá, chỉ có người Australoid nên mặc nhiên, Kinh Dương
Vương nếu sống ở nước ta thời đó cũng là người Australoid. Hệ quả là, một người
mang gen Australoid không thể sinh ra người mang gen Mongoloid phương Nam. Điều
này có nghĩa, các vị không thể là tổ tiên người Việt!
Lý
do thứ ba: không có di tích kinh đô.
Nói tới kinh đô cổ mặc nhiên
phải nói tới di tích của thành trì, khu dân cư. Ở Phong Châu không hề thấy dấu
vết nào như vậy. Tài liệu khảo cổ của vùng chỉ phát hiện những ngôi mộ dân thường,
kèm theo tiền Ngũ thù thời Hán của những thế kỷ đầu Công Nguyên.
Trong khi đó, ở vùng Thái Hồ
Nam Dương Tử, từ năm 1936 phát hiện văn hóa Lương Chử có địa giới tương đương với
nước Xích Quỷ. Kinh đô Lương Chử hình chữ nhật gần tròn, rộng 3.000.000 m2, vẫn
còn di tích hai bức thành dài 1700 m và 1500 m, có đáy rộng 60 m, cao 40 m và mặt
thành 40 m.
Một quốc gia rộng lớn như
Văn Lang mà kinh đô Phong Châu không có thành lũy thì vua quan, quân đội đóng ở
chỗ nào?
Lý
do thứ tư: vào thời của Kinh Dương Vương, vùng Bắc Ninh, Hà Nội còn chìm trong biển nước.
Sách cổ ghi Phục Hy sống khoảng
4000 năm TCN, Thần Nông khoảng 3080 năm TCN và Kinh Dương Vương 2879 năm TCN.
Trong khi đó, khảo cổ học đồng bằng sông Hồng cho thấy:
“Vào thời kỳ đồ đồng (2000-700
năm TCN) đang trong giai đoạn biển thoái Radrian, lúc này các thùy châu thổ của
đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được hình thành và được mở rộng dần về phía biển
đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cư dân cổ chuyển dần xuống định cư tại các
vùng đất thấp hơn. Từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đồng Đậu và Gò Mun, chúng ta
có thể thấy rõ sự phân bố của các di tích có sự dịch chuyển dần xuống các vùng
đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Thời đại đồ sắt- văn hóa
Đông Sơn 2700-1800 cách nay
Trong giai đoạn này, mực nước
biển cũng có sự dao động, đầu tiên là mực nước biển dâng lên và đến giai đoạn
khoảng 2000 năm, mực nước biển lại rút dần. Diện phát triển và phân bố của văn
hoá Đông Sơn lớn rộng hơn, đông đặc hơn các di tích tiền Đông Sơn, trong giai
đoạn sớm các di tích phân bố chủ yếu ở vùng rìa cao của đồng bằng châu thổ.
Trong quá trình phát triển, nó tràn đến cả những vùng thấp, trũng. Những nơi cư
trú của thời này có quy mô to lớn hơn trước, nhiều di tích lại tập trung thành
từng nhóm, cụm xung quanh một khối cư trú tạo thành các trung tâm như trung tâm
Vinh Quang, Cổ Loa, Phú Lương, Việt Khê...”[2]
Như vậy, phải tới thời kỳ
văn hóa Đông Sơn muộn, khoảng 200 năm TCN, con người mới tụ cư tại Kẻ Ốc (Cổ
Loa) mà Vân Nội gần đó không phải là một di chỉ khảo cổ.
Điều này có nghĩa là, vào
năm 2879 TCN, cả vùng Hà Đông, Bắc Ninh còn chìm trong nước sâu của vịnh Hà Nội. Làm
cách nào Kinh Dương Vương dựng được kinh đô trên biển nước mênh mông?
Vào thời điểm sớm nhất con
người đến sống trên vùng đất này, khoảng 200 năm TCN thì Kinh Dương Vương đã chết
được hơn 2600 năm. Vậy tìm đâu xương cốt Ngài đem về đây cải táng?
III.
Lý giải về những ngôi mộ được cho là của Kinh Dương Vương.
Khi châu thổ sông Hồng được
bồi tụ, người từ Thanh Nghệ kéo ra, từ Đồng Đậu Phú Thọ xuống rồi người Việt từ
nam Trung Quốc trở về. Người trở về mang theo những kỷ niệm từ đất tổ Núi Thái
- Trong Nguồn phía Nam Hoàng Hà Công cha
như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra cùng những câu
chuyện về Thần Nông, Kinh Dương Vương, nước Xích Quỷ, cha rồng mẹ tiên và một bọc
trăm trứng… Những câu chuyện xa xưa đã thành truyền thuyết lưu truyền trong ký ức
nhân dân một cách bền bỉ. Từ thời Trần, những câu chuyện như vậy được ghi lại
trong sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện
u linh… càng hun dúc tâm trí người dân nhớ tới cội nguồn.
Có thể những kịch bản như
sau đã xảy ra:
Tại vùng Vân Nội Hà Đông, một
lúc nào đó, do lòng kính ngưỡng tổ tiên thôi thúc, các già làng bàn nhau, chọn
cuộc đất đẹp đắp ngôi mộ gió của Thủy tổ Kinh Dương Vương để bái vọng. Truy từ
sách vở ngày mất của Tổ rồi hàng năm theo lệ tế lễ. Một phần do việc làm này,
văn hóa cùng phong tục tập quán của làng trở nên tốt đẹp hơn. Tiếng lành đồn xa,
người trong vùng quy tụ tới nơi thờ Tổ. Cũng do vậy, việc làm ăn của người dân phát
đạt hơn. Do kinh tế khá lên, các vị già làng huy động công đức của bá tánh chỉnh
trang mộ và xây đền thờ… Khoảng năm 1840, một số vị có chữ trong làng, dựa vào
truyền ngôn và sách vở tạo ra sách Cổ Lôi ngọc phả truyền lại.
Còn ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng
Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sự việc có thể như sau:
Do vị trí của mình, từ trước
Công nguyên, Liên Lâu sớm trở thành nơi đô hội sầm uất với những chùa chiền được
xây dựng rồi là nơi đóng trị sở của chính quyền đô hộ. Do vậy kinh tế và văn
hóa ngày càng thịnh vượng. Còn ở vùng Á Lữ thì do bên sông Đuống hung hãn nên
được khai thác muộn hơn.
Tài liệu lịch sử còn ghi: “Dưới triều Lê sơ những con đê lớn hơn được
đắp mới và tôn tạo trên hai bờ sông Nhị Hà được xem là sự can thiệp vào tự
nhiên quá giới hạn cho phép, kết quả là sông Hồng trở nên hung dữ, đã vỡ và gây
ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, và lúc đó đã có nhiều ý kiến đề nghị
xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải
pháp nắn chỉnh, khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống (tức sông Thiên Đức thời bấy
giờ), chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng dịch về phía thượng nguồn, giúp cho việc
phân lũ sông Hồng được thuận lợi. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được
thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông
Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng.” [3]
Có thể là tới cuối thời Lê,
cũng do thôi thúc của tâm linh, các già làng Á Lữ bàn nhau chọn đất đắp ngôi mộ
của Thủy tổ Kinh Dương Vương. Sau đó, do kinh tế trù phú lên, các cụ xây lăng,
dựng đền thành nơi thờ tự sầm uất. Nằm trong cảnh quan vùng Liên Lâu, theo thời
gian, khu lăng mộ và đền Á Lữ trở nên thắng tích nổi tiếng. Năm Gia Long thứ
10, nhận được sắc phong của triều đình. Từ đó tới nay, việc thờ tự được người
dân duy trì. Năm tháng qua đi, người đời sau vì không biết nguyên do xuất hiện
của ngôi mộ mà chỉ thấy lăng mộ, đền thờ cổ linh thiêng nên lầm tưởng đó chính
là nơi an nghỉ của Thủy tổ. Cũng có sự thực là, từ gần 5000 năm trước, Tổ Kinh
Dương Vương đã yên nghỉ ở kinh đô Lương Chử với lăng tẩm rồi đền đài uy nghiêm.
Nhưng thời gian trôi, vật đổi sao dời, đất bao lần thay chủ. Lăng mộ, đền đài
hoang phế, mất dấu. Hồn thiêng của tổ tiên dù ở nơi cực lạc nhưng khi muốn cũng
không có nơi tìm về. Từ khi những ngôi mộ gió thành tạo, lòng kính ngưỡng của
con cháu thấu tới cõi linh thiêng. Theo phong tục người Việt, con cháu đâu, ông
bà ở đấy, tổ tiên vui lòng nên cũng về với con cháu trong những ngày lễ trọng.
Có thể, một vài nhà ngoại cảm, với khả năng đặc biệt, giao tiếp được với tổ
tiên đã củng cố thêm lòng tin cho dân…
Chúng tôi cho rằng, dù chỉ
là những ngôi mộ gió được đắp để bái vọng tổ tiên thì việc hiện diện của những
ngôi mộ và lăng rồi đền thờ là điều vô cùng quý giá. Nó thể hiện bản thể tốt đẹp
của văn hóa Việt tộc biết uống nước nhớ nguồn, thờ kính tổ tiên. Đó cũng là di
sản vật chất giúp cho ổn cố tâm linh, gắn kết cộng đồng dân tộc. Vì vậy nhiệm vụ
của chúng ta cùng con cháu là phải nối tiếp công việc của tiền nhân giữ gìn,
tôn tạo những cố tích thiêng liêng quý giá này.
Mặt khác, cũng cần
công khai với con cháu và du khách: đấy là những ngôi mộ, ngôi đền mà tiền nhân
chúng tôi đựng lên để từ xa bái vọng tổ tiên, những người từ Việt Nam đi lên
khai phá đất Trung Hoa, sau đó trở về sinh thành dân tộc chúng tôi. Cần minh bạch
như vậy để một mặt tránh sự u mê ngu tín của những người vô minh. Mặt khác cũng
giải tỏa sự hoài nghi của những người chưa hiểu biết tường tận. Danh có chính
ngôn mới thuận là vậy!
Sài Gòn, 2 tháng 11 năm 2015
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đại Sĩ. Về Thiên-đài
nơi tế cáo của vua Minh.
http://www.vietnamvanhien.net/NuiNguLinh.pdf
2. Viện Hàn lâm khoa học Việt
Nam. Khảo cổ đồng bằng sông Hồng
http://caf.vass.gov.vn/noidung/nghiencuukhoahoc/Lists/NghienCuuKhoaHoc/view_detail.aspx?iDCapCoQuan=47&ItemID=1714
3. Wikipedia: Việc đắp đê
sông Hồng