Ngay khi đưa ra chủ trương
“tích hợp” môn Sử, ý tưởng của Bộ Giáo dục bị xã hội phản ứng mãnh liệt. Tuy
nhiên, những ý kiến phản biện, dù nhiều, dù kiên quyết dường như cũng chưa đủ
thuyết phục. Sở dĩ có chuyện này là do cả Bộ Giáo dục cũng như người phản biện
chưa hiểu chức năng của môn sử.
Ngày trước, các cụ quen gọi
việc đi học của học trò là học chữ.
Nhưng từ năm 1954, khi chính quyền về tay công nông thì việc học được gọi là học văn hóa. Cùng với nó là mục khai trình độ văn hóa trong lý lịch.
Tuy nhiên, nhìn vào nội dung
chương trình với những môn chính Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, ta hiểu thực
chất việc học của học trò phổ thông là học
những môn khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản là những môn học gốc, không chỉ
cung cấp tri thức cơ bản mà còn thông
qua đó giúp người học có phương pháp tư
duy khoa học. Nhờ vốn kiến thức cơ bản cùng phương pháp tư duy, khi ra đời,
người thanh niên có khả năng vận dụng kiến thức cơ bản vào cuốc sống.
Nền giáo dục Việt Nam dạy
khoa học cơ bản ở bậc phổ thông là được thừa hưởng từ văn minh phương Tây. Nền
giáo dục do người Pháp sáng lập cũng để lại cho chúng ta Trường Đại học Tổng hợp
Hà Nội, một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản. Từ giữa thế kỷ XX,
nhờ nền khoa học cơ bản mạnh của Liên Xô, Hà Nội trở thành trung tâm khoa học
cơ bản hàng đầu của Đông Nam Á. Đại học Tổng hợp Hà Nội có hai chức năng: đào tạo
cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản và người dạy khoa học cơ bản có trình độ cao
cho bậc đại học. Thực tế cho thấy, hầu hết sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã
thực hiện xuất sắc hai chức năng này.
Sử là môn khoa học cơ bản
thuộc khoa học nhân văn. Nhiệm vụ của môn Sử bậc phổ thông là cung cấp cho học
trò những tri thức lịch sử cơ bản của Việt Nam và thế giới. Từ đó giúp thế hệ
trẻ hiểu dân tộc và nhân loại, một điều kiện cần có để làm người. Khi ra đời,
có vốn liếng tối thiểu để giao tiếp với đồng bào cũng như người nước ngoài. Cố
nhiên có một số người sẽ từ kiến thức này đi sâu vào chuyên môn, thành những sử
gia.
Do là môn khoa học cơ bản
nên nó có chương trình riêng, xuyên suốt bậc phổ thông theo một hệ thống khoa học
để giúp người học nắm được lịch sử dân tộc cũng như nhân loại. Vì vậy, cũng như
Toán, Lý… môn Sử không thể dạy “tích hợp.” Nếu dạy sử theo kiểu “tích hợp,” học
sinh do không nắm được quy luật phát triển của lịch sử nên thụ động tiếp nhận từng
mảnh kiến thức vụn một cách chắp vá. Từ đó không thể có cái nhìn sâu và toàn diện
khi đánh giá những sự kiện lịch sử. Những con người như thế sẽ trở nên tiên
thiên bất túc trước cuộc đời.
Đó là nói chung, nói về
nguyên lý. Riêng về môn sử Việt Nam, sự việc lại nghiêm trọng hơn. Thế kỷ XX,
các sử gia người Pháp dạy chúng ta rằng: “Con người xuất hiện tại Nam Thiên Sơn,
du nhập Trung Quốc rồi từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, người Việt do người
Hán đồng hóa mà thành. Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước văn hóa Trung Hoa. Tiếng
Việt vay mượn tới 70% từ ngôn ngữ Hán…” Chúng ta đã học, tin và dạy nhau như vậy.
Nhưng sang thế kỷ này, do đọc cuốn “thiên thư” ADN ghi trong máu huyết dân cư
châu Á, di truyền học khám phá: “70000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển
Nam Á đặt chân tới Việt Nam, rồi người từ Việt Nam di cư ra khắp các đảo Đông
Nam Á, sang Ấn Độ, chiếm lĩnh đất Trung Hoa và chinh phục châu Mỹ. Từ 40000 năm
trước lên khai phá đất Trung Hoa, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông
nghiệp rực rỡ. Tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng nói Trung Hoa. Chữ tượng
hình của người Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa…” Do vậy, cuốn sử Việt
Nam cũng như phương Đông phải viết lại. Trước thực tế mới mẻ này, môn Sử với
dân tộc Việt càng có vai trò quan trọng.
Là một môn khoa học cơ bản nên Sử luôn là môn học độc
lập. Bằng việc “tích hợp” môn Sử một cách phản giáo dục, phải chăng người ta muốn
biến cái bộ của ông Phạm Vũ Luận thành bộ-vô-giáo-dục?!
Sài Gòn, 26 tháng 11. 2015