Nếu gia đình là tế bào của
xã hội thì những dòng họ lớn là rường cột của quốc gia. Hai trăm dòng họ lớn
làm nên vóc dáng nước Mỹ. Bốn họ Khổng, Tưởng, Tống, Trần là cột trụ của Trung
Hoa. Việt Nam cũng có những dòng họ như Ngô gia, Nguyễn Tiên Điền, Phan Huy,
Cao Xuân… làm nên văn hiến dân tộc. Nghiên cứu lịch sử dòng họ có ý nghĩa lớn trong
việc phát huy truyền thống để xây dựng đất nước. Lịch sử dòng họ nằm trong lịch
sử dân tộc. Vì vậy, muốn tìm hiểu lịch sử dòng họ, phải hiểu lịch sử dân tộc. Đáng
tiếc, cho tới nay chúng ta chưa có một cuốn quốc sử chuẩn mực, nhiều sự kiện lịch
sử chưa được đánh giá đúng nên việc nghiên cứu lịch sử dòng họ còn nhiều hạn chế.
Tham luận này xin được trình bày những khám phá mới nhất về lịch sử dân tộc đề
từ đó góp phần định hướng việc nghiên cứu lịch sử dòng họ Việt.
I.
SỰ HÌNH THÀNH DÂN TỘC VIỆT
Khác với quan niệm của thế kỷ
XX cho rằng, con người từ Tây Tạng thâm nhập Trung Quốc sau đó lan tỏa xuống Việt
Nam. Những nghiên cứu di truyền học của thế kỷ XXI khẳng định, người Khôn ngoan Homo sapiens xuất hiện ở
châu Phi rồi theo bờ biền Ấn Độ Dương di cư tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tại
Việt Nam, nói chính xác hơn, là tại thềm Biển Đông, khi đó là đồng bằng, những
nhóm người di cư gồm nhiều sắc tộc khác nhau hòa huyết đồng thời hòa hợp tiếng
nói sinh ra hai chủng người Indonesian và Melanesian đều thuộc loại hình
Australoid. Trong đó người Indonesian chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội
và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, từ thềm Biển Đông, tổ tiên chúng ta lên
cư trú tại miền Trung và trung du Bắc Bộ. Khoảng 40000 năm trước, nhiều nhóm
người từ miền Trung và Bắc Việt Nam di cư lên Quảng Đông, Phúc Kiến rồi từ đây
chiếm lĩnh toàn bộ Hoa lục. Khoảng 5000 năm TCN, tại Nam Hoàng Hà, người Lạc Việt
Indonesian hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sinh ra chủng
người Việt mới là Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Do ưu thế lai và kinh
tế nông nghiệp trồng kê, lúa phát triển, thức ăn dồi dào, người Mongoloid
phương Nam tăng nhanh số lượng, trở thành chủ thể của văn hóa Ngưỡng Thiều. Khoảng
4000 năm TCN, trên địa bàn Đông Á, người Việt xây dựng nền văn minh nông nghiệp
rực rỡ. Khoảng 3000 năm TCN, quốc gia đầu tiên của người Việt được thành lập
trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, kinh đô là Lương Chử. Khoảng 2879 năm TCN,
nước Xích Quỷ ra đời, do Kinh Dương Vương lãnh đạo. Thời gian này người Mông Cổ
du mục ở Bắc Hoàng Hà luôn xâm phạm đất Việt bờ Nam. Năm 2698 TCN, liên quân
Mông Cổ do thị tộc Hiên Viên thống lĩnh, tấn công vào Trác Lộc bờ Nam Hoàng Hà.
Liên quân Việt bại trận, Lạc Long Quân dẫn đoàn thuyền đưa quân dân vùng Núi
Thái - Trong Nguồn xuôi Hoàng Hà ra biển, xuống phương Nam, đổ bộ vào Rào
Rum-Ngàn Hống xứ Nghệ. Là người đi xa trở về quê cũ, cùng văn hóa và tiếng nói,
đoàn người của Lạc Long Quân được người bản địa đón tiếp rồi tôn Hùng Vương làm
vua nước Văn Lang. Do sự bành trướng của quân xâm lược, người Việt vùng Núi
Thái-Trong Nguồn tiếp tục di cư về phương Nam. Người di cư mang nguồn gen
Mongoloid hòa huyết với dân bản địa Việt Nam và Đông Nam Á, thực hiện sự kiện
mà sau này nhân chủng học gọi là quá
trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Cho tới 2000 năm TCN, người
Mongoloid phương Nam thay thế người Australoid, trở thành chủ thể của dân cư
Đông Nam Á.
Chiếm vùng Nam Hoàng Hà, người
Mông Cổ lập nhà nước Hoàng Đế. Tuy thắng trận nhưng do số người ít và văn hóa
chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề
nông cùng văn hóa của người Việt, thực hiện cuộc chung sống tương đối hòa bình.
Theo thời gian, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ,
nói tiếng Việt, học văn hóa Việt và ngày càng đậm thêm dòng máu Việt. Sau Hoàng
Đế, vị vua đời thứ tư của vương quốc đã là người Việt với tên Đế Khốc và nước
da đen của dân phương Nam. Sử còn ghi, bà Khương Nguyên, một người con gái thị
tộc Thái làm vợ của Đế Khốc. Thái là một thị tộc người Lạc Việt định cư tại Nam
Hoàng Hà. Tại Tứ Xuyên, khoảng 3000 năm TCN, người Thái thành lập vương quốc Ba
Thục, sáng tạo văn minh Tam Tinh Đôi nổi tiếng. (1)
Những bộ lạc người Việt trên
đất Nam Hoàng Hà chưa bị người Mông Cổ chiếm, tiến hành cuộc trường kỳ kháng
chiến và thành lập những quốc gia riêng. Cuối đời Thương, người Dương Việt liên
minh với nhà Chu chống lại nhà Thương. Vào thời Chu, nhiều tiểu quốc của người
Việt hoặc độc lập hoặc làm chư hầu nhà Chu. Sau khi nhà Tần diệt lục quốc, đã
đưa 1.100.000 người từ Trung Nguyên xuống đánh Lĩnh Nam, tạo ra cuộc di cư lớn
của người Việt về phương Nam. Từ sau đời Hán, do loạn Ngũ Hồ (năm tộc người
phương Bắc xâm chiếm Trung Quốc) và sự xâm lược của quân Mông Cổ, Mãn Thanh,
nhiều triệu người Việt di cư tiếp về Nam. Trong những cuộc di cư này, có hàng
ngàn người tới Việt Nam, hoặc ở lại hoặc di cư tiếp sang các hải đảo Đông Nam
Á. Thời kỳ này, người Việt Nam cũng như người Việt ở Trung Quốc cùng một mã di
truyền của chủng Mongoloid phương Nam.
Như
vậy, có hai giai đoạn hình thành dân tộc Việt: giai đoạn đầu, người Lạc Việt chủng
Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Giai đoạn sau, người
Mongoloid phương Nam từ Núi Thái – Trong Nguồn trở về góp phần làm nên dân cư
Việt Nam hiện đại. Do
người Lạc Việt (Indonesian) có tỷ lệ máu Mongoloid cao nên khi hòa huyết với
người di cư, cho ra người Mongoloid phương Nam. Còn người thiểu số Melanesian,
do tỷ lệ máu Mongoloid thấp hơn nên khi hòa huyết với người Mongoloid phương
Nam cho ra dạng Indonesian hiện đại của
chủng Mongoloid phương Nam. Đó là người Chăm và các sắc dân Tây Nguyên. Như
vậy, từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam thuộc chủng duy nhất Mongoloid
phương Nam.
Trước đây, do chưa có khảo cứu về di truyền
học nên chúng ta tưởng lầm rằng, những nhóm người từ Trung Quốc di cư xuống nước
ta như người Thái, H’mông, người Hẹ…là “dị chủng”! Nay nhờ khảo sát nguồn gen và quá trình hình thành
thì đó là hậu duệ của lớp người từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa trước
đây, sau này do biến động của thời cuộc mà trở về đất cũ của tổ tiên. Thực tế
cho thấy, trên đất nước Việt Nam chỉ có duy nhất dân tộc Việt gồm nhiều sắc tộc
khác nhau.
II.
SỰ HÌNH THÀNH CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM
Có thực tế lịch sử là, tuy
Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á, công cụ đá mới, kinh tế nông
nghiệp được hình thành sớm từ đây. Nhưng cho tới 4000 năm trước, đồng bằng sông
Hồng chưa hình thành, Việt Nam chỉ có dải Trường Sơn như cột xương sống. Địa
hình rừng núi chia cắt, không có điều kiện phát triển nông nghiệp lớn do đó
không thể tập trung nhân tài vật lực sáng tạo nền văn minh lớn. Chỉ ở lưu vực
Dương Tử, Hoàng Hà với đất đai rộng, trù phú, con người mới có điều kiện tập
trung phát triển kinh tế, văn hóa. Từ đó đồ gốm, đồ ngọc được sản xuất nhiều và
tinh xảo. Cũng nhờ kinh tế sung túc mà chữ viết hình thành. Khi chiếm vùng Nam
Hoàng Hà, ban đầu là người Mông Cổ sau là người Hoa Hạ đã áp dụng chính sách dân
tộc mềm dẻo, đưa tới thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông với các vương triều
Nghiêu, Thuấn, Vũ. Vào đời Ân, chữ tượng hình do người Việt sáng tạo từ xa xưa,
nhưng chủ yếu sử dụng trong cúng tế, bùa chú được dùng trong hành chính, ghi
chép sử và được nâng cấp. Tới đời Chu, văn hóa phương Bắc phát triển vượt bậc với
những kinh, thư được san định, chữ viết được chuẩn hóa… Công bằng phải thừa nhận
rằng, văn hóa phương Đông như một cây đại thụ mà gốc được trồng trên đất Việt
nhưng hoa trái lại nảy nở ở phương Bắc. Chính sự phát triển của phương Bắc đã ảnh
hưởng tới phương Nam.
Cũng trong hoàn cảnh như vậy,
ở phương Bắc dòng họ được hình thành sớm. Sách cổ như kinh Dịch, kinh Thư nói tới
Hiên Viên thị, Bào Hy thị, Thần Nông thị, Hồng Bàng thị… Điều
này cho thấy, từ bầy đàn nguyên thủy, khoảng 6000 năm trước, người Việt tiến tới
chế độ mẫu hệ, với dòng họ thuộc về phía mẹ. Chắc chắn là, trên đất Việt, họ
theo dòng mẹ cũng đã ra đời. Từ cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN, lối sống
của người du mục Mông Cổ thống trị vùng Nam Hoàng Hà. Lối sống du mục đề cao
vai trò thủ lĩnh trong bộ lạc và vai trò người cha trong gia đình. Dần dần gia đình
dòng mẹ chuyển sang gia đình dòng cha, chế độ phụ hệ với quyền người bố ra đời.
Vào thời Chu, với hàng trăm tiểu quốc chư hầu, họ dòng cha đặc biệt phát triển.
Lãnh chúa lấy tên đất làm họ. Quan chức lấy chức tước làm họ. Người bình dân lấy
nghề nghiệp làm họ…Vào thời Xuân Thu, một nhánh của họ Nguyễn (với nghĩa là mềm,
nhuyễn mà biểu trưng là con rắn) của bộ lạc Tần người Việt chuyển tới nước Tấn,
hình thành họ Triệu và sau đó là nước Triệu. Người Việt ở Trong Nguồn (lúc này
đổi thành Trung Nguyên) chuyển sang mang họ cha. Họ về đàng cha cũng lan tới
các nước Việt, Ngô, Sở vùng Nam Dương Tử. Sau khi nhà Tần diệt lục quốc, đã đưa
hơn triệu người Việt từ Trung Nguyên xuống Lĩnh Nam, trở thành dân Quảng Đông,
Phúc Kiến, Vân Nam. Những di dân này cũng mang họ đằng cha tới Việt Nam. Thục
Phán thuộc bộ lạc Thái, dòng họ Khai Minh nước Thục nhưng khi xuống Việt Nam,
người Việt lấy tên đất Thục làm họ của ông, sau này thành Thục An Dương Vương.
Sách vở rất ít ghi chép về sự
hình thành họ ở Việt Nam nhưng từ những tài liệu hiếm hoi, ta biết tới Lý Ông
Trọng thời Tần, Lữ Gia thời Triệu Đà, Lý Cầm, Lý Tiến thời Hán Vũ Đế rồi họ
Trưng của hai bà Trưng... Chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này nhưng có thể chắc
rằng, cho tới đầu Công lịch, xã hội Việt Nam chủ yếu vẫn là mẫu hệ. Cuộc khởi
nghĩa của hai Bà Trưng cùng với việc lên ngôi của hai vua bà minh chứng cho điều
này. Không chỉ vậy, hai trăm năm sau, một phụ nữ khác là Triệu Thị Trinh dẫn đầu
một cuộc khởi nghĩa, trong khi người anh là Triệu Quốc Đạt chỉ có vai trò tòng
thuộc. Dưới ách thống trị của triều đình phương Bắc, do yêu cầu ghi sổ bộ hành
chính, thuế má, bắt lính, tạp dịch, học hành thi cử… xu hướng lấy họ dòng cha
được áp đặt cho toàn xã hội, nhất là ở châu thổ sông Hồng.
III.
KẾT LUẬN
Trong quá trình lịch sử đã
diễn ra hai giai đoạn hình thành tộc Việt. Ban đầu người Lạc Việt chủng
Indonesian từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Tại Nam Hoàng Hà, do tiếp xúc với
người Mông Cổ, người Việt chuyển hóa di truyền thành chủng Mongoloid phương
Nam. Tiếp đó, do biến động lịch sử, người Việt Mongoloid phương Nam trở về,
chuyển hóa di truyền của người Việt từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Do
tiếp xúc với văn minh du mục, vùng nam Hoàng Hà chuyển từ thị tộc mẫu hệ sang
phụ hệ với cơ chế phụ quyền và họ theo dòng cha ra đời. Qua hàng nghìn năm lịch
sử, người Việt từ phía Bắc liên tiếp di cư trở về đất Việt quê cũ. Người trở về
mang theo những yếu tố tiến bộ của phương Bắc, trong đó có họ theo dòng cha.
Người di cư mang theo họ cha trở thành những dòng họ sớm nhất trên đất Việt.
Trong quá trình chung sống, cơ chế phụ quyền do người nhập cư mang tới từng bước
làm chuyển hóa xã hội Việt từ mẫu quyền sang phụ quyền. Dưới sự cai trị của
chính quyền phương Bắc, quá trình phụ quyền ở nước ta được đẩy mạnh cùng với họ
dòng cha ngày càng chiếm ưu thế. Có thể lấy họ Ma thuộc sắc tộc Tày ở Phú Thọ
làm ví dụ. Theo tài liệu được công bố (2), họ Ma xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê xuất
hiện vào khoảng năm 259 TCN. Rất có thể là dòng họ này từ Tứ Xuyên trôi dạt xuống
Việt Nam vào thời nhà Tần tiêu diệt quốc gia Ba Thục (khoảng 316 TCN).
Cho rằng, nhiều dòng họ “Tàu”
du nhập làm nên các dòng họ Việt Nam là quan niệm sai lầm. Khi hiểu cặn kẽ lịch
sử hình thành tộc Việt, ta thấy, đó đều là hậu duệ của người Việt đi lên khai
phá đất Trung Hoa rồi theo từng thời kỳ lịch sử trở về đất cũ của tổ tiên. Với
hiểu biết như vậy, ta mạnh dạn dũ bỏ mặc cảm từng đè nặng tâm khảm để tự hào về
tổ tiên khai sáng văn minh Đông Á.
Sài Gòn, 20. 8. 2015
Tài liệu tham khảo
1.
Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt
http://www.amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Vietnamese-Edition/dp/1502407043/ref=pd_sim_b_1?ie=UTF8&refRID=0166EHCRB7JE84435N41
2.
Bí ẩn dòng họ có từ thời Vua Hùng.
http://vtc.vn/bi-an-dong-ho-co-tu-thoi-vua-hung.394.327891.htm