NGUỒN GỐC CỦA TRUYỆN TẤM CÁM

   

Tấm Cám được coi là câu chuyện hay nhất trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Nó thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của người Việt. Cô Tấm, nhân vật trung tâm của truyện là mẫu hình của người phụ nữ Việt. Truyện được người già tiếp nối kể cho con cháu hết đời này sang đời khác và được đưa vào sách giáo khoa.

Nhưng rồi bỗng có người đưa ra ý kiến: trong các nhân vật của Tấm Cám thì Tấm chính là người tàn ác nhất. Nếu mẹ con Cám chỉ giết Tấm dù hết lần này đến lần khác thì hành động giết con làm mắm cho mẹ ăn lại là điều kinh tởm nhất, tàn bạo nhất. Từ đó ông khái quát: Văn hóa Việt Nam là văn hóa Tấm Cám, văn hóa tàn bạo với cách trả thù man rợ.

Quả thật, do thấm nhuần câu chuyện từ thơ trẻ nên tôi quen đi, không để ý tới chi tiết đáng sợ cuối truyện. Do vậy, khi người bạn phát hiện, tôi giật mình, nhận ra sự thật cay đắng. Tuy thâm tâm không thể đồng tình với cách khái quát của anh nhưng cũng không thể phản bác.

Nhưng rồi mới đây, khi đọc Huyền thoại Gliu và Glah*, tôi phát hiện sự thật đáng suy ngẫm. Câu chuyện như sau:

“Gliu và Glah chăn dê. Hai cô nhìn thấy một con quạ cắp nơi mỏ một đôi giày. Chính hoàng tử Chàm đã giao đôi giày này cho quạ để quạ mang món quà đi tìm cho hoàng tử một người vợ. Quạ bay đến xứ sở của Gliu và Glah. Người chủ làng tập hợp tất cả phụ nữ lại. Đôi giày chỉ đi vừa chân của Gliu. Ngày hôm sau hoàng tử đến, chàng lấy Gliu làm vợ và cùng nàng đi về. Glah có hơi ghen, đi theo cô em gái.

Sau đó hoàng tử phải đi phục vụ một vị quan trên, để vợ ở nhà cùng Glah. Glah muốn làm vợ hoàng từ, giết chết Gliu và chôn ở gần nhà. Hoàng tử về, chàng rất buồn vì cái chết của Gliu. Glah muốn thay Gliu, hoàng tử không muốn lấy gliu làm vợ. Một lùm tre đẹp mọc lên ở nơi chôn Gliu. Hoàng tử nằm mơ biết rằng chính hồn của vợ mình hiện lên trong những cây tre ấy, nên chàng cho rào lùm tre lại để không ai quấy phá sự yên nghỉ của linh hồn ấy, không ai được đến chặt tre. Rồi hoàng tử lại ra đi xử kiện.

Trong khi chàng đi vắng, Glah chặt lùm tre đi. Hồn Gliu thoát ra và trở thành một con chim. Khi hoàng tử trở về, con chim thả rơi xuống từ mỏ của nó một cái hộp mà hoàng tử nhận ra là cái hộp trầu của Gliu. Chàng tử biết rằng hồn của vợ chàng ở trong con chim đó. Chàng bắt con chim để nuôi. Mấy ngày sau, lợi dụng lúc chàng đi vắng, Glah giết chết con chim. Hoàng tử trở về thì chỉ còn thấy lông, chàng đem chôn. Ở chỗ đó mọc lên cây đu đủ lớn lên rất cao và ra quả. Hồn của Gliu ở trong các quả ấy.

Một bà già đi qua. Từ trên cây đu đủ, hồn Gliu gọi bà và nhờ bà trao lại cho hoàng tử chiếc hộp xưa mà nàng thả rơi xuống gốc cây. Những người thủ lĩnh già thấy hoàng tử nói chuyện với bà già, họ tưởng bà đến vì một vụ án và mừng trước rằng sẽ được lãi. Họ hỏi bà già, bà không trả lời. Họ rất muốn có một vụ án để mà xử. Hoàng tử nghe bà già. Bà hẹn sẽ gặp chàng ngày mai. Đến ngày hẹn, bà dặn chàng trốn trong bụi rồi bà biến mất. Một lúc sau, bà từ trong cây đu đủ đi ra. Đến lượt gồn Gliu từ trong thân thể bà già đi ra và nói chuyện với bà. Bà già bảo cô: “Ở đây chẳng có ai cả, đừng sợ gì hết!” Hồn Gliu bền trở về trong thân thể nàng được chôn. Gliu sống lại như trước. Hoàng tử từ trong chổ trốn bước ra, nắm lấy Gliu. Họ cùng nhau trở về.

Hoàng tử ra lênh cho người của mình giết chết Glah, chặt ra thành khúc, giữ trong cái ché cùng với muối. Chàng gửi cái ché ấy về cho bố mẹ Glah. Họ tưởng là xác của Gliu mà người con gái lanh lợi của họ là Glah đã giết chết. Họ ăn thịt trong ché. Ở chỗ hoàng tử, người ta làm lễ lớn tôn phúc cho Gliu. Lúc đó bố mẹ Glah đến, họ muốn gặp thăm con gái. Hoàng tử không cho vào, bảo nói cho họ biết trong ché là cái gì và cho người đuổi họ đi.”

Trước hết phải thấy rằng, nó quá gần gũi với Tấm Cám. Có thể nói, đó là một dị bản của Tấm Cám. Cũng có thể nói, gần như bản tóm tắt nội dung của Tấm Cám. Một câu hỏi được đặt ra: tại sao giữa hai cộng đồng xa cách nhau về địa lý và văn hóa lại có một truyền thuyết gần gũi nhau đến như vậy? Một sự ngẫu nhiên chăng?

Ở thế kỷ trước không thể giải thích. Nhưng sang thế kỷ mới, với những tri thức nhân học và lịch sử mới, cho thấy, người Việt Nam là một chủng tộc mà tổ tiên ra đời từ 70.000 năm trước, do người từ châu Phi di cư đến sinh ra. Ban đầu tập trung ở khu vực Hòa Bình và miền Trung Việt Nam. Sau đó, trong quá trình lịch sử, đã chia nhau khai phá đất Việt. Từ đó, có thể suy luận: câu chuyện về Gliu và Glah xuất hiện từ rất lâu trong cộng đồng tộc Việt, khi còn quần tụ ở miền Trung Việt Nam. Cụ thể hơn, có thể trước 300 năm TCN, theo tài liệu địa chất, khi nước biển rút, phần chủ thể của đồng bằng sông Hồng hình thành. Người Việt từ xung quanh đi xuống khai thác vùng đất mới. Một bộ phận từ miền Trung Việt Nam đi xuống đã mang theo hành trang văn hóa của mình, trong đó có câu chuyện gốc, gần với Tuyền thuyết về Gliu-Glah. Từ truyện gốc đó, những người sống ở đồng bằng sông Hồng cải biến thành Truyện Tấm Cám. Trong khi đó, có những bộ tộc từ miền Trung đi theo ven biển vào Nam Trung Bộ rồi chiếm lĩnh Tây Nguyên. Trong cảnh quan sống của mình, đồng bào Tây Nguyên cải biên thành Truyền thuyết Gliu-Glah. Chi tiết hoàng tử người Chàm cho thấy, có thể câu chuyện ra đời sau sự kiện người Chàm đô hộ các bộ tộc Tây Nguyên. Nhưng cũng có khả năng là, câu chuyện ra đời từ trước rồi khi người Chàm tác động đến đời sống của mình, người Tây Nguyên chuyển một thủ lĩnh thành hoàng tử người Chăm.

Một chi tiết đáng chú ý: “Hoàng tử ra lênh cho người của mình giết chết Glah, chặt ra thành khúc, giữ trong cái ché cùng với muối. Chàng gửi cái ché ấy về cho bố mẹ Glah. Họ tưởng là xác của Gliu mà người con gái lanh lợi của họ là Glah đã giết chết. Họ ăn thịt trong ché.” Việc mẹ Glah ăn thịt người muối trong ché một cách tự nhiên đưa ra thông điệp quan trọng: tới lúc đó chuyện ăn thịt người vẫn xảy ra! Điều này phản ánh một sự thực trong lịch sử: con người từng trải qua giai đoạn ăn thịt lẫn nhau. Chi tiết này càng chứng thực tính cổ xưa của câu chuyện. Một câu chuyện xuất hiện hàng nghìn, có thể hàng vạn năm trước nhưng khi thành truyền thuyết thì vẫn đến với hôm nay trong dạng cổ xưa của nó. Hôm nay, chỉ dựa vào một chi tiết trong đó mà cho văn hóa Việt là văn hóa Tấm Cám - văn hóa ăn thịt người, là nhận định vội vàng, thiếu cơ sở do chưa hiểu chiều sâu lịch sử của câu chuyện.

So sánh hai phiên bản câu chuyện, ta thấy dường như phiên bản Tây Nguyên có phần minh triết hơn, khi để cho hoàng tử - người đàn ông, đưa ra hành động quyết liệt: giết người đàn bà tàn ác. Như đại diện của công lý, chàng nhận lấy phần việc của mình, giữ cho người phụ nữ yêu thương nguyên vẹn tấm lòng nhân hậu.

                                                                                                                          Sài Gòn, 9 năm 2021

* Dam Bo- Jacquese Duornet. Miền đất huyền ảo (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương).  Tạp chí Pháp Á số 49-59 năm 1950. Nguyên Ngọc dịch. NXB Hội Nhà văn, 2003.