Trước khi
hai cuốn Việt sử tiêu án và Đại Việt sử kí Tiền biên
cùa Hoàng giáp Ngô Thì Sỹ ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, lịch sử Việt Nam là một
dòng êm xuôi nhất quán, từ Kỷ Hồng Bàng tới Nam Việt và những triều đại sau
này. Nhưng chỉ với những dòng sau của hai cuốn sách trên, lịch sử Việt Nam lâm
vào khủng hoảng, đảo lộn:
“Nay xét phần Ngoại kỉ chép: Năm Nhâm Tuất thì
bắt đầu Giáp Tí là năm nào? Ghi chép tên húy Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân
sao riêng lược bỏ Hùng Vương? Thời Ngũ Đế trở về trước thì chưa từng gọi là
vương. Xích Quỷ là tên nào, mà lại để làm tên nước. Một loạt hoang đường càn rỡ
đều là đáng bỏ đi. Cái lỗi ấy lại tại kẻ hiếu sự thấy trong Liễu Nghị truyền
thư. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên
Vương, tưởng càn Kinh Xuyên là Kinh Dương. Đã có vợ chồng thì có cha con, vua
tôi, nhân đó mà thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua, nhà làm sử theo đó
mà chọn dùng, và cho đó là sự thực. Phàm những chuyện lấy từ Lĩnh Nam chích
quái, Việt điện u linh, cũng như Bắc sử lấy ở Kinh Nam Hoa và thiên Hồng Liệt đấy.”
Đến hôm nay, PGS
Chu Mộng Long trong bài Tinh thần “Dĩ Bắc vi trung” trong huyền thoại Lạc
Long Quân – Âu Cơ dẫn Ngô Thì Sỹ để giết tiếp Hồng Bàng thị truyện:
“Chỉ có Đại
Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sỹ (thời Tây Sơn) mới hoài nghi và cho là
“thuyết vớ vẩn”, “quái đản”, “cần loại bỏ đi”. Một là, lấy gốc từ Nhân Hoàng đến
Thần Nông là 10 kỉ, khi đó “cõi Nam dằng dặc, có núi sông tất có loài người”, lẽ
nào phải chờ “mãi đến cháu bốn đời của vua Thần Nông là kỉ Sơ thất, bắt đầu của
10 kỉ, rồi sau mới có vị đế vương hay sao? Huống hồ sử thời Thần Nông chép rằng:
“Phía Nam vỗ về đất Giao Chỉ”, thì vốn đã tự thành một nước, không lẽ không thống
thuộc vào đâu?
Điều đó có
nghĩa là:
Thứ nhất,
trước khi con cháu Thần Nông đến đất phương Nam như huyền thoại kia bịa ra, nước
Nam đã có người và có chủ chứ không thể là đất hoang;
Hai là,
chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra trăm quả trứng nở ra trăm đứa toàn con
trai thì duy trì nòi giống kiểu gì nếu không phải lấy đàn bà sở tại, hay thậm
chí lấy lại mẹ mình khi chưa có cấm loạn luân của thổ dân đất Bắc?
Ba là, “nếu
nói nước Văn Lang phía Bắc đến Động Đình, tức là thời Hùng Vương đã có đất bảy
quận của nhà Hán. Xét ra Nam Hải, Quế Lâm và nửa Tượng Quận, từ thời Tần chưa đặt
ra, trở về trước đều là nòi giống bộ lạc mọi rợ, như Đông Giao, Linh Bật đều
xưng vương trưởng với nhau. Hùng Vương làm sao mà có được?”. Ý của Ngô Thì Sỹ
là các địa danh trên hoàn toàn nằm ngoài địa phận Giao Châu mà sử sách người
Hán đã ghi, do bịa đặt nên mới cái này chồng lấn lên cái kia.
Bốn là, “lại
làm một con tính, từ Kinh Dương Vương đến Hùng Vương gồm 20 đời, cộng 2622 năm,
nhiều ít chia đều mỗi đời vua là 130 năm. Người chứ đâu phải vàng đá mà sống
lâu được như Tiền Khanh?” [tr.46–53].
Về
nhà Triệu
Ngô Thì Sỹ
viết trong Việt sử Tiêu án:
“Đất Việt
Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà
khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước
ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước
ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có
Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là
Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu,
cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo
Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế,
thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.” Và ông kết luận:
“Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả
Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ
biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham
của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng
Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo
cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê
Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc
thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà
tôi phải biện bạch kỹ càng.”(hết trích)
Khoảng
100 năm sau những điều “biện bạch” của sử gia Ngô Thì Sỹ, sách Khâm định Việt sử
thông giám cương mục (1856 - 1883) triều Nguyễn viết: “Vâng tra sử cũ, danh
xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong ‘Kỉ họ Hồng Bàng, vốn từ thời Thượng
cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng
không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết
đời Đường, lấy đó làm chứng cứ”. Chuẩn tâu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã
nhận định đây là những “câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường
không có chuẩn tắc” và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử
bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với cái nghĩa
lấy nghi truyền nghi”.
Nghiêm
trọng hơn, sử gia đương đại, theo quan điểm duy vật lịch sử, cho rằng những tác
giả của Đại Việt sử ký toàn thư là phản dân tộc nên bỏ luôn thời kỳ Hồng Bàng
trong chính sử đồng thời xác nhận Việt Nam chỉ có sử từ 700 năm TCN với việc lập
nước Văn Lang ở miền Bắc Việt Nam. Không những thế, cho rằng Triệu Đà xâm lược,
lập nước Nam Việt để cát cứ nên xóa bỏ nhà Triệu và nước Nam Việt khỏi lịch sử
dân tộc.
Đó
là hai cú đòn thảm khốc vùi dập dân tộc Việt ngay ở giai đoạn quan trọng nhất
là thời kỳ mở nước. Trước hết là quan niệm truyền thống “Việt Nam có 4000 năm lịch
sử” mà ông cha vun đắp từ xa xưa bị vứt bỏ khi nhà nước Xích Quỷ tan như mây
khói. Thời gian lập nước chỉ còn 2700 năm với nước Văn Lang càng diệu vợi hơn.
Không những thế, nhà nước Nam Việt từng được coi là thời kỳ khai sáng rực rỡ bị
đuổi khỏi quốc sử. Mất cương thổ, mất độ dài thời gian trong quá khứ, khiến cho
lịch sử dân tộc bị hủy hoại, trên thực tế, còn lớn hơn sự phá hoại trong 20 năm
thống trị của giặc Minh!
Cho
đến cuối thế kỷ XX, hầu như không có ai bình luận về những ý kiến cùng việc làm
trên mà do uy tín của vị đại nho mở đầu dòng họ văn học danh giá Tả Thanh Oai khiến
cho cả dân tộc Việt mặc nhiên chấp nhận.
Nay,
nhờ khoa học thế giới phát hiên những tri thức mới về cội nguồn dân tộc Việt,
tôi xin trình bày khảo cứu của mình.
I. Từ
truyền thuyết đi tìm nguồn gốc.
Mỹ
học cho rằng, truyền thuyết không phải là lịch sử mà là ánh xạ của những sự kiện
từng xảy ra trong quá khứ. Trong mỗi truyền thuyết dù được bọc bằng chiếc vỏ kỳ
dị, huyền ảo thì bên trong vẫn chứa hạt nhân sự thực. Trong các truyền thuyết
thì truyền thuyết về nguồn cội là mang nhiều ý nghĩa nhất, nếu biết nghe, nó sẽ
nói với ta những điều vô cùng giá trị về thời ấu thơ của một dân tộc. Trong vai
trò như vậy, Truyện họ Hồng Bàng càng quan trọng không chỉ với lịch sử mà với
tâm hồn, tình cảm người Việt. Hãy tưởng tượng về nghìn năm trước, trong đêm trường
nô lệ, người dân Việt trông vào đâu để hy vọng? Đấy là trông vào tổ tiên, vào
nguồn cội. Trước hết, khẳng định là mình có tổ tiên và tổ tiên ấy lại là Rồng
Tiên cao đẹp, thiêng liêng. Tổ tiên không ở trên trời mà có đất phát tích Thái
Sơn, Trong Nguồn. Có tiếng ru bên Hồ Động Đình, có nơi anh em, cha con gặp gỡ
trên cánh đồng Tương. Cùng sinh ra từ bào thai của Mẹ Âu Cơ. Tất cả chúng ta là
con một nhà… Những hình ảnh đó như ánh sao Bắc đẩu hiện lên đêm đêm sưởi ấm,
soi đường dẫn lối người Việt tìm về nguồn cội. Thử hỏi nếu không có truyền thuyết
đó thì chúng ta còn gì để hy vọng? Lấy gì để gắn kết người Việt với nhau? Vì vậy,
dù có là huyền ảo, dù có viển vông đi nữa thì với người dân vong quốc nô, nó vẫn
vô cùng quý giá! Nó tiếp cho ta vô vàn sức mạnh để tới lúc quật khởi giành lại
đất nước.
Nhân
danh bất cứ lý do nào mà phủ định tình cảm, tâm linh, hy vọng của bao thế hệ
người Việt thì cũng là hành động nhẫn tâm, độc ác.
II. Từ
khoa học giải mã truyền thuyết.
1.
Về
Truyện Họ Hồng Bàng
Sang
thế kỷ XXI khoa học khám phá rằng, 70.000 trước, người từ châu Phi theo ven biển
Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Tại đây, người Việt cổ mã di truyền Australoid được
sinh ra. Rồi từ Việt Nam, tổ tiên ta đi lên khai phá Hoa lục. 9000 năm trước,
đem rìu đá mài, giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó và chữ Giáp cốt… đi lên
xây dựng văn hóa Giả Hồ lưu vực Hoàng Hà. 7000 năm trước xây dựng văn hóa trồng
kê Ngưỡng Thiều trên cao nguyên Hoàng Thổ. Tại đây, người Việt cổ gặp gỡ, hòa
huyết với người Mông Cổ (cũng từ Việt Nam lên nhưng đi theo con đường riêng)
sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam, nước da nhạt hơn. Tại
trấn Vũ Dương tỉnh Hà Nam phát hiện ngôi mộ 6500 tuổi mà học giả Trung Quốc cho
là mộ của Phục Hy, ông vua huyền thoại đầu tiên của người Việt. Sau 80 năm khai
quật và khảo cứu văn hóa Lương Chử vùng cửa sông Chiết Giang, học giả Trung Quốc
xác nhận, đây là kinh đô của vương quốc Lương Chử thành lập năm 3200 TCN… Khảo
cổ học cho thấy đây là quốc gia đầu tiên ở phương Đông, với văn hóa tiến bộ vượt
trội, là cội nguồn của văn minh Trung Quốc. Chủ nhân nền văn hóa này là người Lạc
Việt, mang mã di truyền O3M122. Cụ thể hơn, qua những hình khắc trên ngọc Tông
và hình “thao thiết” cho thấy, người Lương Chử là Vũ
nhân (羽
人) hay
Vũ dân (羽民),thờ
vật tổ chim và thú.Trước những hiện vật rời rạc ấy, người phương Tây hay người Trung Quốc
hiện đại khó mà thấy được ý nghĩa của chúng. Nhưng với chúng ta lại thật rõ
ràng, khi liên kết với truyền thuyết,
thì đúng vào thời của Thần Nông, có nghĩa là vị vua thứ hai của tộc Việt lập đô
dựng nước ở đây. Sau
đó chuyển sang nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương. Vũ nhân (羽 人) hay Vũ dân (羽民)
có nghĩa, “người chim” được phản ánh trong tuyền thuyết là Hồng Bàng thị, thờ vật
tổ chim và thú mà hình mặt con thú trên ngọc rồng là hình con rồng, nói lên tổ
tiên ta là nòi giống Tiên Rồng.
Cũng
cần giải mã chi tiết một bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Ta biết, dân Lương Chử là
người Lạc Việt từ Hòa Bình đi lên. Truyền thuyết nguồn gốc xưa nhất của người
Việt là quả bầu sinh ra loài người. Rồi sau đó là chim sinh ra người trong truyện
Chim Ây cái Ưa. Khi lên phương Bắc, người Việt mang theo truyền thuyết cội nguồn
đó. Nhưng lúc này đã khác, con người “khôn” hơn, không còn ngây thơ để tin rằng
chim đẻ ra ngươi mà chỉ có thể người đẻ ra người. Mặt khác, đúng lúc Lạc Long
Quân, Âu Cơ xuất hiện thì ở Nam Dương Tử, nòi giống Việt hiện đại Mongoloid
phương Nam con cháu của Thần Nông với nước da sáng đã sinh sôi đông đảo, làm chủ
thể dân cư. Với vai trò hậu duệ của Thần Nông nên dân chúng tôn Lạc Long Quân
và Âu Cơ làm tổ phụ, tổ mẩu. Và người nghệ sỹ dân gian đã chuyển cái tổ của
chim Ây cái Ưa thành bào thai trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Như vây truyền thống đồng
bào, con một nhà được lưu truyền.
Nhưng
tại sao lại là trăm con trai? Trong Chim Ây Cái Ưa không nói rõ là trăm con
trai hay gái. Tiếp tục truyền thống xưa là sinh ra trứng nhưng bào thai của Mẹ
Âu Cơ sinh ra trăm con trai! Ta có thể hiểu thế này, vào thời điểm câu chuyện
ra đời, cùng với việc người Việt hiện đại con cháu Thần Nông truyền giống xuống
phương Nam thì thể chế phụ hệ cũng hình thành. Lần đầu tiên người
đàn ông được đánh giá cao trong cộng đồng không chỉ với sứ mênh truyền giống mà
còn những chức năng xã hội khác. Và trăm con trai này tiếp tục chức năng truyền
giống, chuyển hóa dân Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam…
Trình
bày trên cho thấy, khi giải mã truyền thuyết Họ Hồng Bàng, ta đọc được cuốn
sách mở đầu lịch sử tộc Việt với những sự kiện sau:
-
Nơi
phát tích của tộc Việt là Núi Thái-Trong Nguồn.
-
Thủy
tổ của tộc Việt là Phục Hy-Nữ Oa. Tổ thứ hai là Thần Nông lập nước đầu tiên ở
phương Đông với kinh đô Lương Chử 3200 năm TCN.
-
Vào
thời điểm 2879 TCN hình thành nhà nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ở lưu vực
Dương Tử và nhà nước của Đế Lai trên lưu vực Hoàng Hà.
-
Vào
thời điểm Lạc Long Quân-Âu Cơ xuất hiện, người Việt ở Nam Dương Tử chuyển hóa
sang chủng Mongoloid phương Nam, hình thành một nòi giống mới, nước da sáng
hơn. Từ đây, toàn bộ dân Việt là một chủng tộc, sinh ra từ bọc trứng của Mẹ Âu
Cơ nên tất cả là đồng bào.
-
Cũng
từ đây, thể chế phụ hệ xuất hiện, mang vai trò lãnh đạo xã hội cho đàn ông.
-
Xác
nhận dân cư Lạc Việt vùng Lương Chử là thị tộc Hồng Bàng, thờ vật tổ là Rồng và
Tiên. Người Việt là con Rồng cháu Tiên.
Đấy
là những sự kiện quan trọng mà nhờ truyền thuyết, ký ức dân tộc ghi lại được cội
nguồn khoảng 5000 tới 7000 năm trước, từ khi tộc Việt hiện đại Mongoloid phương
Nam ra đời tại Núi Thái-Trong Nguồn. Đấy chính là giai đoạn thứ hai trong quá
trình hình thành dân tộc Việt. Nhờ khảo cổ và di truyền học, ta xác định được tổ
tiên xa hơn, ra đời 70.000 năm trước trên đất Việt Nam. Như vậy, khoảng 2800
năm TCN, người Việt từ Nam Hoàng Hà di cư xuống Nam Dương Tử bắt đầu cuộc chuyển
hóa dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam.
Câu
chuyện Họ Hồng Bàng diễn ra tại Nam Dương Tử. Theo thời gian, cả nhà nước Xích
Quỷ và Văn Lang cùng tiêu trầm nhưng dân Việt họ Hồng Bàng, con cháu Lạc Long
Quân, Âu Cơ vẫn sinh sôi trên dất của tổ tiên xưa. Người Việt ở Nam Dương Tử trở
thành người nhà Hán, nhà Đường, lấy tích chuyện tổ tiên chế thành tiêu thuyết
Liễu Nghị. Người từ vùng Hồ Động Đình trở về Việt Nam thì ghi nhớ sự tích tổ
tiên thành truyện dân gian kể cho con cháu. Đến thời có chữ, được ghi lại thành
văn trong Lĩnh Nam chích quái. Sử gia thấy hợp lý nên chép vào chính sử. Đấy là
quá trình diễn biến tự nhiên. Cho rằng chép tiểu thuyết của người Đường làm
chính sử thể hiện cái lệch lạc của tầm nhìn hạn hẹp cùng tâm thức nộ lệ.
Như
vậy là bằng tri thức khoa học hiện đại, chúng ta chứng minh được rằng, Truyện họ
Hồng Bàng phản ánh sự thực về nguồn gốc dân tộc Việt. Điều này chứng tỏ các vị
Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên … đã đúng khi đưa truyện Họ Hồng Bàng từ dân gian vào
chính sử.
2.Về nước
Nam Việt.
Như
dẫn trên, Ngô Thì Sỹ phê phán các sử gia trước ông đề cao nhà Triệu ở ba điểm
là: làm cho nước ta nội thuộc vào nước Tàu, chia nước ta thành quận huyện, vơ
vét thuế dân làm đầy túi tham của Lục Giả. Những lý lẽ như vậy hoàn toàn không
thuyết phục.
Trước
hết cần phải biết về nhân thân Triệu Đà. Kết hợp cổ thư với tài liệu nhân học mới
nhất, ta biết, tổ tiên Triệu Đà thuộc bộ tộc Tần, là người Lạc Việt nhánh Tày
Thái sống ở Tứ Xuyên, Thanh Hải. Được phong ấp Tần nên có họ Tần. Sau đó một
nhánh được phong ấp Doanh nên chuyển sang họ Doanh. Cuối thời Xuân Thu, một
nhánh họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, phụ giúp các công tử nước Tấn. Được tin
dùng sau đó bành trướng thế lực, cùng với họ Hàn họ Ngụy chia nước Tấn làm ba,
lâp nước Triệu, nên lấy họ Triệu. Khi nhà Tần diệt Triệu, Triệu Đà 20 tuổi, bị
xung lính xuống phía nam, làm tới Huyện lệnh Long Xuyên. Vốn là người Việt nên
khi về nam, cũng có nghĩa là trở về quê cũ của dòng tộc, gặp lại tiếng nói,
phong tục tập quán quen thuộc nên ông cùng quân lính mau hòa đồng với đồng bào
địa phương. Do vậy, khi điều kiện cho phép, ông giành chính quyền. Là người Việt,
ông lãnh đạo dân Việt lập nước và chống lại nhà Hán. Việc dùng mưu thôn tính Âu
Lạc cũng là bình thường để tạo nên nước Việt mạnh hơn đủ sức chống lại kẻ thù
phương Bắc. Trên thực tế, nếu không có Triệu Đà dựng Nam Việt 100 năm như cái bờ
đê vững chắc thì không chỉ Nam Việt vào tay nhà Hán ngay từ đầu mà Âu Lạc cũng
chẳng thể toàn vẹn. Trong lịch sử Việt Nam, Nam Việt có vai trò quan trọng vì
tiếp nối với Xích Quỷ-Văn Lang trong quá khứ. Nếu Văn Lang còn là một quốc gia
lỏng lẻo thì Nam Việt giúp dân Việt kết tụ trong quốc gia thống nhất. Chính đó
là cơ sở để khi hai Bà Trưng khởi nghĩa thì dân Lưỡng Quảng nhất tề hưởng ứng.
Buộc
Triệu Đà tội “chia đất nước ta thành quận huyện” là điều vô lý. Bởi lẽ từ những
bộ lạc tản mạn, được chia thành quận huyện là sự tiến bộ trong quản trị xã hội
sao lại chê trách? Còn nói “vét đầy túi tham của Lục Giả” càng vô lý hơn. Bởi lẽ
khi đó ở buổi đầu lập quốc, vua Hán rất nể Triệu Đà, chỉ mong điều duy nhất là
Triệu thần phục mình, đừng xưng đế ảnh hưởng uy tín của “thiên tử.” Do vậy, Lục
Giả là sứ giả hòa bình, Triệu Đà không việc gì phải đút lót. Măt khác, Lục sinh
là kẻ sỹ nổi danh cũng không phải hạng người tham lam. Hiểu sự việc theo chiều
như vậy, thể hiện cách nhìn dung tục.
Điều
quan trọng hơn là họ Triệu tồn tại một trăm năm, đem lại phồn vinh cho đất nước,
hạnh phúc cho dân. Có lẽ tiêu chuẩn chính xác nhất để đánh giá một nhà nước là nhìn
xem thái độ của dân. Lòng dân với nhà Triệu ở đây tiêu biểu là Tể tướng Lữ Gia
và hàng nghìn người Việt hy sinh để bảo vệ vương quốc. Cũng không phải ngẫu
nhiên mà ngày nay ở Việt Nam có rất nhiều đền thờ Triệu Đà. Dân gian có câu
“Thương dân dân lập đền thờ/ hại dân dân đái trôi mồ thối xương.” Xin
hãy nhìn vào dân và tự hỏi vì sao hiện nay người Việt kính ngưỡng Triệu Vũ Đế
như vậy?
Có
câu chuyện xin kể để cùng suy ngẫm. Nhiều năm trước, ông Nguyễn Gia Thắng, Đại
tá, cựu chiến binh, người Đồng Xâm Thái Bình tìm đến thăm tôi để hỏi thêm về
Triệu Đà do đọc bài Triệu Đà Ông là ai của tôi đăng trên tạp chí Xưa&Nay.
Ông sinh năm 1947, gọi tôi bằng anh. Trong câu chuyện, tôi kể với ông rằng, trục
xuất nhà Triệu là do ông Đào Duy Anh đề nghị. Nghe vậy, ông vội lên tiếng: “Thật
hả anh? Thế thì em hiểu ra rồi.” Sau đó ông kể rằng có lần ông dự cầu siêu ở
hang Cắc Cớ chùa Thầy. Tương truyền hang này nhiều người dân và binh lính nhà
Triệu vào để trốn quân Hán. Bọn giặc hun khói giết chết hàng nghìn người, đến
nay trong hang vẫn còn xương. Khi thanh đồng đang hầu đồng thì bên ngoài có người
đàn ông khoảng 45 tuổi bỗng nhiên khóc tru lên rất thảm thiết. Thanh đồng hỏi:
“Người là ai?” Trả lời: “Tôi là Đào Duy Anh.” “Vì sao người khóc?” “Vì tôi đã
viết Triệu Đà là giặc xâm lược.” “Sao lại viết thế?” Trả lời: “Cũng vì miếng
cơm manh áo cả thôi.” Kể xong, ông Thắng nói: “Em nghe lâu rồi mà không hiểu tại
sao. Nay anh nói mới biết!”
Có
thể thấy rằng, những chứng lý mà Ngô Thì Sỹ đưa ra để phản bác Truyện Họ Hồng
Bàng cũng như nhà Triệu đều tầm thường vụn vặt mà mọi người đều thấy. Nhưng sở
dĩ các sử gia trước ông không ai đề cập vì họ nghĩ đến điều sâu xa hơn là do
trong cuộc sống có nhiều điều
huyền nhiệm mà người trần mắt thịt chưa hiểu thấu nên khi tiền nhân viết vậy thì hãy thận trọng
biết vậy rồi mong sau này có thể làm sáng tỏ. Cái gì mà tiền nhân đã làm ra tất có dụng ý, nếu ta
chưa hiểu thì không vội lên án hay bác bỏ. Đây là sự thận trọng cần có trong phẩm
chất sử gia lớn của những vị Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Lê Tung, Đặng Minh Khiêm…
Sở dĩ Ngô Thì Sỹ dám bạo gan làm vậy, có lẽ là do tính cách của ông. Ta biết,
ông rất thông minh, văn tài xuất sắc nhưng phong cách viết văn có gì đó
mang tính vu khoát, bất tường, khiến cho nhiều khảo quan cảm thấy
mối nguy trong văn cách của ông nên cố đánh rớt ông dù cho có người
bị tội! Cái tính cách ấy
bám theo ông đến lúc phát tác thành hoang tưởng vĩ cuồng, đem cái kiến văn nông
cạn hẹp hòi ra khinh trời ngạo vật mục hạ vô nhân gây đại họa.
III. Hậu
quả việc làm của sử gia Ngô Thì Sỹ
Tuy
không phải là người trực tiếp xuống bút trục xuất kỷ Hồng Bàng và Kỷ Nhà Triệu
khỏi sử Việt nhưng trong việc này trách nhiệm của Ngô Thì Sỹ rất lớn. Do uy
tín của mình, ông trở thành người khởi đầu cho vụ phá hoại lớn nhất trong lịch
sử Việt Nam. Từ đề xuất của ông, hai thời kỳ quan trọng bậc nhất trong lịch sử
dân tộc bi hủy bỏ. Từ
đó, về thời gian lịch sử Việt Nam bị giảm đi hơn 2000 năm. Về không gian, dân tộc
mất đi gần như toàn bộ đất của
Văn Lang xưa “Bắc tới Động Đình Hồ, Tây tới Ba Thục, Đông chạm Biển Đông...” Một giai đoạn mở đầu huy hoàng
của lịch sử dân tộc bị vứt bỏ không thương tiếc. Người ta nói nhiều về việc nhà
Minh đốt sách đập bia hủy diệt sử Việt. Nhưng tôi cho rằng không bằng tội ác hủy
hoại sử Việt mà Ngô Thì Sỹ là người khởi xướng. Vì vậy, dù tới tận cùng của sự
thận trọng, tôi buộc phải gọi đúng tên sự thật: Ngô Thì Sỹ là tội đồ của
sử Việt. Tôi không muốn gieo tiếng ác với tiền nhân nhưng sự thật cần được tôn trọng.
Và tôi cũng muốn cảnh bảo những ai cầm bút viết sử đừng để trở thành tội đồ của
lịch sử! Tôi rất cảm ơn ai chứng
minh là tôi sai, khiến tôi tâm phục khẩu phục, rút lại lời của
mình. Tôi cũng muốn
nói với những người viết sử Việt sau này: bằng mọi cách, trả lại vai trò xứng
đáng của Kỷ Hồng Bàng và Nhà Triệu cùng nước Nam Việt trong lịch sử. Đấy cũng
là những điều tôi đã trình bày kỹ trong sách Nhà nước Xích Quỷ từ huyền
thoại đến hiện thực và Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử, cùng
in ở nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Sài Gòn, 20.5.2021