Trong khi tìm lại cội nguồn, chúng tôi gặp vấn đề khó khăn
nhất, bí ẩn nhất là nhà nước Văn Lang. Thư tịch Trung Hoa, kho
tàng vô giá giúp tìm lại quá khứ không ghi chép dù chỉ một lần. Chúng ta chỉ gặp
ở truyền thuyết rồi từ truyền thuyết được ghi thành văn bản muộn mằn về sau
trong các sách đậm màu huyền thoại: Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh…
Đã có thời theo chủ thuyết duy vật lịch sử, chúng ta không tin vào truyền thuyết.
Nhưng rồi sự thật cho thấy, có những việc của truyền thuyết lại thật hơn nhiều
trang sử. Truyền thuyết nói với ta rằng, “Hùng Vương lên ngôi, đặt tên nước là Văn
Lang…” Ta hiểu đó là nhà nước xuất hiện trước khi dân tộc bước vào thời có sử,
một giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc. Nếu không hiểu thấu
đáo về thời kỳ này, mọi cuốn sử trở nên thiếu cơ sở. Để chứng minh Văn Lang có
thật, các nhà chép sử Việt Nam hiện đại đã dựa vào sách Đại Việt sử lược của
tác giả khuyết danh, dựng lên nhà nước Văn Lang được thành lập 700 năm TCN tại
đồng bằng Bắc Bộ. Một Văn Lang như thế đã vào chính sử, hiện lên sách giáo khoa
và trong tin tưởng của nhiều thế hệ người Việt. Nhưng rồi khi tình cờ khảo sát
địa chất thủy văn đồng bằng sông Hồng, chúng tôi bỗng phát hiện chuyện động trời:
700 năm TCN, đồng bằng sông Hồng còn chìm trong nước biển của vịnh Hà Nội. Chỉ
tới 300 năm TCN, khi nước biển rút, phần quan trọng nhất của đồng bằng mới hiện
ra để người dân tới khai thác (1). Những
địa danh như Văn Lang, Giao Chỉ… mới
hình thành từ đầu Công nguyên. Làm sao mà có một nhà nước ở nơi như vậy? Nhưng
truyền thuyết, tâm linh dân tộc luôn hướng về nhà nước buổi ban đầu…
Chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết về nhà nước Văn Lang.
40.000 năm trước, đang trong Kỷ Băng Hà, nhưng lúc này khí hậu
ấm lên đáng kể, phía Bắc bớt lạnh. Người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông. Tiếp tục
săn bắn hái lượm trên băng giá nhưng người Việt cũng trồng nhiều loại rau, củ,
quả theo phương thức bán thuần hóa. Nhờ đó nguồn thức ăn được cung cấp nhiều
thêm, đời sống được cải thiện và nhân số gia tăng. Người Việt lan tỏa ra khắp
Hoa lục. Khoảng 20.000 năm trước, tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, cách biên
giới Việt Nam hôm nay hơn trăm cây số, người Việt chế ra đồ gốm đầu tiên, bước
vào giai đoạn ăn chín uống sôi. Trong số thực vật hoang dại được dùng làm thức
ăn, ngày càng nhiều thêm hạt của loài lúa hoang Oryza nivara. Cùng với thu hoạch
hạt lúa tự nhiên, con người tiến hành thuần hóa lúa. 12.400 năm trước, cũng tại
đây, cây lúa trồng Oryza sativa ra đời. Có được cây lúa trồng với năng suất cao
và chất lượng tốt hơn là bước tiến quan trọng của canh tác nông nghiệp. Cùng với
cây kê và giống gà, giống chó được thuần hóa từ trước, người Việt đưa nông nghiệp
lên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà. 9000 năm trước văn hóa nông nghiệp Giả Hồ, Hà
Nam được xây dựng. Cùng với dụng cụ đá mài bóng tinh xảo, người Việt chế tác đồ
gốm đen trình độ nghệ thuật cao, mỏng như vỏ trứng. Lượng lúa dư thừa, rượu gạo
được nấu, đem ngâm với táo gai và mật ong thành rượu vang. Nghề nuôi tằm xuất
hiện. Khai quật ngôi mộ 8500 năm trước, các nhà khảo cổ tìm được protein tơ tằm
cho thấy lụa được dùng cho may mặc. Phát hiện những chiếc sáo bốn lỗ, sáu lỗ và
tám lỗ làm bằng xương chim hạc, có chiếc đến nay còn thổi được, cho thấy hoạt động
âm nhạc của người xưa. Cũng lần đầu tiên tại đây tìm thấy những chữ tượng hình
như chữ Nhật, chữ Mục, chữ Bát, số 20… khắc trên xương thú hay yếm rùa. Văn hóa
Giả Hồ là văn hóa tiêu biểu sớm nhất của người Việt. 7000 năm trước xuất hiện
di chỉ văn hóa nông nghiệp lớn Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Dương Tử. Cũng 7000 năm
trước ra đời văn hóa nông nghiệp trồng kê Ngưỡng Thiều ở miền Trung Hoàng Hà.
Đây là di chỉ văn hóa lớn, đồ đá, đồ gốm tinh xảo. Ở phía Đông Nam trồng lúa,
phía Tây Bắc do khí hậu khô của vùng cận sa mạc nên kê là cây trồng chủ lực với
những nhà kho chứa hạt kê trong những chum vại lớn. Đặc biệt tại di chỉ Bán Pha
(Bonfo) tỉnh Sơn Tây, tìm thấy nghĩa trang với di cốt người Mongoloid phương
Nam (South Mongoloid) rất gần với người Trung Quốc hiện đại. Các nhà khoa học
cho rằng đây chính là tổ tiên của người Hán.
Một câu hỏi: người ngưỡng Thiều từ đâu ra? Học giả Zhou Jixu,
sau khi khảo cứu dân cư gần gũi quanh vùng, cho rằng đó chỉ có thể là người từ
phương Nam lên. (2) Nhưng trong sách Nhân chủng học Đông Nam Á, nhà nhân học
hàng đầu của Việt Nam Nguyễn Đình Khoa khẳng định: suốt trong thời kỳ đồ đá,
Nam Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ duy nhất chủng Australoid mà không có người
Mongoloid. (3) Do vậy không thể có người Mongoloid từ phương Nam lên. Từ khảo cứu
của mình, chúng tôi nhận định: người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều chỉ
có thể là sản phẩm lai giữa người Việt chủng Australoid sống ở bờ Nam và người
Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống trên bờ Bắc Hoàng Hà. Do người
mẹ Việt sinh ra tại Nam Hoàng Hà, bú sữa mẹ Việt, nói tiếng Việt và sống trong
văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam là người Việt, sau này được nhân học đặt
tên là người Việt hiện đại. Người Việt trên lưu vực Hoàng Hà
nhanh chóng chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam.
Thời kỳ này người Việt đã trưởng thành về văn hóa: chế tác đồ
đá, đồ gốm tinh xảo, nông nghiệp trình độ cao. Khai quật khu mộ 6500 năm trước tại
dốc Tây Thủy trấn Bộc Dương Hà Nam mà nhiều khả năng là mộ Phục Hy, cho thấy những dấu hiệu trưởng thành của dịch
lý. Dựa theo truyền thuyết, ta có thể tin, vị tổ đầu tiên của tộc Việt ra đời cùng với tổ mẫu Nữ Oa.
Trong những văn hóa khảo cổ trên đất Trung Quốc, văn hóa
Lương Chử có ý nghĩa đặc biệt. Đây là vùng đất thấp cửa sông Dương Tử, rất thuận lợi
cho việc đánh cá, chăn nuôi gia súc và trồng lúa nên nhiều nhân tài vật lực khắp
nơi dồn về, trở thành trung tâm kinh tế văn hóa phát triển cao nhất của phương
Đông thời cổ.
Khoảng 3300
năm TCN, nơi đây trở thành kinh đô của nhà nước rộng lớn: phía Bắc giáp sông
Dương Tử, phía Đông giáp biển Đông, phía
Tây giáp Ba Thục, phía Nam vươn đến miền Trung Việt Nam. Nhà nước này do Thần
Nông, vị vua thần và cũng là
tổ của người Việt xây dựng. Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu của Thần Nông
truyền ngôi cho Đế Nghi. Đế Nghi sinh ra hai con là Đế Lai và Lộc Tục. Đế Nghi
cho con cả là Đế Lai cai quản vùng đất thuộc lưu vực Hoàng Hà, từ Sơn Đông đến
Thiểm Tây. Năm 2879 TCN Lộc Tục cai quản giang sơn phía Nam, lấy hiệu là Kinh
Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là
Lạc Long Quân. Lạc Long quân truyền ngôi cho con là Hùng Vương. Hùng Vương lên
ngôi, đặt tên nước là Văn Lang. Thời
gian này lục địa Đông Á có ba trung tâm kinh tế văn hóa là vương quốc của Đế
Lai ở lưu vực Hoàng Hà, nhà nước của Kinh Dương Vương thuộc lưu vực Dương Tử và
nhà nước của Tàm Tùng ở vùng Ba Thục. (4)
Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu đánh vào
Trác Lộc, chiếm miền Trung Hoàng Hà của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Đế
Du Võng (con Đế Lai) tử trận, nhà
nước của Đế Lai tan rã. Một
phần bị Hoàng đế chiếm, phần còn lại chia thành các tiểu quốc hay bộ tộc tiếp tục
kháng chiến lâu dài. Do chiến tranh, một bộ phận người Việt di cư xuống Nam
Dương Tử. Thời gian này, lo củng cố và mở rộng lãnh thổ chiếm được trên lưu vực
Hoàng Hà nên Hoàng Đế chưa
dám ngòm ngó phương Nam. Nhà nước Xích Quỷ chi viện cho đồng bào phía Bắc kháng
chiến.
Khảo cổ học phát hiện, năm 2300 TCN do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử và phần đất phía biển bị
nhấn chìm. Các nhà khảo cổ cho rằng nhà nước Lương Chử tan rã. Nhưng đó là nhận
định không thực tế. Bởi lẽ, một nhà nước có trình độ phát triển cao, với diện
tích rộng, dân đông, giầu có không lẽ gì chỉ vì mất kinh đô mà sụp đổ? Trong thực
tế lịch sử, việc dời đô là điều bình thường của các quốc gia. Sự việc có thể xảy
ra như sau. Nước biển dâng lên từ từ, có thể trải nhiều năm trời. Vì vậy vương
triều cùng người dân tất bàn chuyện dời đô. Khảo cổ chỉ phát hiện vật quý trong
các mộ táng chứng tỏ đã có một cuộc di tản thành công. Trong vương quốc Xích Quỷ
cố nhiên không chỉ có duy nhất đô thị Lương Chử mà phải có nhiều thành phố
khác. Hùng Vương (Không ai biết là thứ bao nhiêu) và triều đình phải chọn một địa
điểm thích hợp nhất.
Lúc này nhà nước Hoàng
Đế ở phía Bắc chuyển sang thời Đào Đường dưới sự cai trị của Đế Nghiêu. Qua năm
đời vua từ Hoàng Đế, Chuyên
Húc, Thiếu Hạo, Đế Khốc đến Đế Nghiêu, phía Bắc theo phong tục Mông Cổ đã khác phía Nam. Người phía Bắc
xem dân phía Nam là ngoại nhân, ngoại tộc, là Nam Man với ý coi thường. Thấy
dân phía Nam mặc váy nên gọi là người Việt Thường (越裳)hay Việt Thường thị.
Văn Lang cử sứ giả tới thăm Đào Đường và biếu rùa thần. Việc này được ghi trong
sử nhưng do quen với danh xưng Việt Thường nên sách ghi Việt Thường thị mà
không ghi quốc danh Văn Lang. Sách Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống
(1127-1279) viết: “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ
dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba
thước, trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về
sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.” Cuốn Thượng Thư đại truyện được
viết đầu thời Hán chép: “Năm Tân Mão đời Chu Thành Vương (1063 – 1026 TCN) có
Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ đến kinh đô nhà Chu giao hảo, tặng chim bạch Trĩ.”
Đó là hai đoạn văn hiếm hoi xác nhận là có họ (hay nước) Việt
Thường xuất hiện từ thời vua Nghiêu (2300 năm TCN) tới thời Chu (1063 năm TCN).
Hậu Hán thư cho biết: “Sau khi triều Chu suy yếu, nước Việt Thường đã dần dần
đoạn tuyệt việc qua lại,” ta hiểu vì sao Việt Thường không còn được ghi trong
sách sử. Công việc bây giờ là phải giải mã những thông tin này.
Để hiểu được Việt Thường thị thì trước hết phải xác định được
vị trí của nhà nước này. Dựa theo sách Thượng thư đại truyện: “Ở phía Nam Giao
có nước Việt Thường,” sách Cựu
Ðường thư thời Hậu Tấn (thế kỷ thứ X) cho rằng Việt Thường là ở miền quận Cửu Ðức,
tức là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào. Sách Văn hiến thông khảo thời Nguyên (thế
kỷ thứ XIV) lại chú rõ thêm rằng nước Việt Thường xưa, tức là nước Lâm Ấp, sau
là Chiêm Thành. Chính những sách này dẫn hậu thế lạc đường.
Thừa nhận việc Việt Thường thị cống rùa và chim trĩ cho triều
đình Trung Quốc là có thể tin được nhưng chúng tôi cho rằng, Việt Thường thị
không thể ở miền Trung Việt Nam vì những lẽ sau:
Các tài liệu nói tới địa danh Giao Chỉ thời Đào Đường (2300
năm TCN) rồi thời Chu (1063 năm TCN) cho thấy, địa
danh Giao Chỉ lúc đó đã có rồi. Trong khi địa danh Giao Chỉ ở Việt Nam chỉ xuất hiện,
vào đời Hán Vũ Đế, năm 111 TCN, sau hơn 2000 năm. Điều này cho thấy:
Giao Chỉ thời Đào Đường và thời Chu hoàn toàn không phải là Giao Chỉ ở Việt
Nam! Vì không có Giao Chỉ trên đất Việt thời Nghiêu, thời Chu nên cũng
không thể có Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ.
“Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm nói về vùng đất phía
nam vương quốc của Đường Nghiêu – Ngu Thuấn. Giao Chỉ đầu thời Chu chính là đất
Sở (Hồ Bắc, Trung Quốc). Giao Chỉ cũng còn gọi là Cơ Chỉ hoặc Cơ Sở, nó hàm
nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Giao Chỉ nửa cuối thời Chiến
Quốc ở phía nam nước Sở. Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, thời Tây Hán là Bắc Bộ
Việt Nam. Chỉ đến thời Đông Hán, Giao Chỉ mới biến thành địa danh cố định và
xác thực trên địa đồ, đóng khung bởi kiến thức thiên văn Tần – Hán.” (5)
Vậy là, ban đầu, Nam Giao chẳng phải địa danh cụ thể mà chỉ
là “cái cột mốc di dộng” đánh dấu biên địa phương Nam của nhà nước Hoàng Đế, được
chuyển dịch ngày càng xa theo đà bành trướng. Chỉ tới thời Đông Hán, khi không
còn khả năng bành trướng nữa, “cột mốc”mới được đóng xuống Bắc Bộ Việt Nam
thành địa danh cố định Giao Chỉ. Học giả thời Tấn, thời Nguyên sinh sau đẻ muộn, không thể tìm
được Việt Thường, Giao Chỉ trên đất Tàu, mà cũng chẳng biết lai lịch cái tên
Giao Chỉ, bèn đoán mò, viết đại rằng “Việt Thường là Lâm Ấp”! Phân tích trên xác nhận Việt Thường thị chỉ có ở Nam Dương Tử. Câu hỏi
tại sao miền Trung Việt Nam vào thời Hán lại có huyện Việt Thường, có thể giải
thích như sau. Sau khi Văn Lang bị diệt, dân cư văn Lang cũ di cư về Việt Nam,
có những nhóm người đến miền Trung. Những người này lấy tên Việt Thường đặt cho
nơi cư trú mới. Sau đó dân cư đông lên thành xã rồi thành huyện. Nhà Hán lấy
tên đất Việt Thường làm tên huyện. Cũng do có huyện Việt Thường ở miền Trung mà
nhiều người, trong đó có các học giả Trung Quốc cho rằng có Việt Thường thị ở
miền Trung Việt Nam. Họ càng tin hơn vì có địa danh Giao Chỉ ở đồng bằng Bắc Bộ.
Từ đó ta
có thể suy đoán (vâng,
suy đoán) rằng, kế tục Xích Quỷ, nhà nước Văn Lang vẫn hiện diện ở phía Nam
Dương Tử. Từ năm 2300 TCN, kinh Đô Lương Chử bị
chìm, Vua Hùng dời đô tới nơi nào đó trong nước. Chúng tôi đoán nhiều khả năng
về vùng Hồ Động Đình. Sở dĩ chúng tôi có ý tưởng này vì trong truyền thuyết Lạc
Long Quân-Âu Cơ có nhắc tới Cánh Đồng Tương, sông Tiền Đường, hồ Động Đình (Lạc
Long Quân gặp tiên ở Hồ Động Đình và câu hát ru: Gió Động Đình mẹ ru con ngủ/
Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh/ Bổng bồng bông, bổng bồng bông/ Võng điều mẹ
ẵm con rồng cháu tiên.) Nhưng xác định cụ thể nơi nào là điều không đơn giản.
Tìm trên “Bản đồ di chỉ đá mới ở Nam Trung Quốc,” chúng tôi thấy có tới 48 vị
trí được ghi số từ 1 tới 48. Chúng tôi chú ý tới năm vị trí, từ 16 tới 20, ở
phía Tây và Nam Hồ. Nhưng cụ thể là đâu? Do tìm lại kinh đô cũ của Tổ tiên là
việc thuộc về tâm linh, chúng tôi bèn hỏi con lắc cảm cảm xạ. Con lắc chỉ vị
trí số 19 là di chỉ Thành Đầu Sơn (6). Đó là di chỉ khảo cổ thuộc huyện Lý tỉnh
Hồ Nam, vùng đất cao bên sông Dương Tử. Một thành phố lớn, có người ở từ 6500 năm
trước và phát triển rực rỡ nhất khoảng 4300 năm cách nay, dân cư khoảng từ 30 đến
50.000 người, được học giả Trung Quốc nhận định là kinh đô của quốc gia. Kiểm
tra tất cả địa điểm còn lại, con lắc không cho thấy vị trí nào khác, chúng tôi
cho rằng, nhiều khả năng các Vua Hùng đóng đô ở đây khoảng 1500 năm từ thời vua
Nghiêu (2300 TCN) qua thời Thành Vương nhà Chu (1063 TCN) tới lúc thành phố bị
bỏ hoang vào khoảng 800 năm TCN. Để chắc chắn hơn, chúng tôi in một bản đồ, gửi đến nhà ngoại cảm
bậc thầy. Ông dùng máy đo năng lượng cảm xạ dò tìm rồi trả lời: “Số 19 anh ạ!”
Một điều kỳ diệu nữa là khi tôi dò tìm kinh đô cũ của nhà nước Xích Quỷ quanh
vùng Thái Hồ thì tới vị trí số 10, con lắc quay thuận. Đối chiếu vào danh sách
thì đó chính là Lương Chử! Phải chăng chính Tổ tiên linh thiêng đưa đường dẫn lối
cho tôi?
Thành Đầu Sơn kinh đô
Văn Lang cổ
Kinh đô Thành Đầu Sơn
suy tàn vào khoảng 800 năm TCN, nguyên nhân có thể do biến động từ phía Bắc,
Vua Hùng dời kinh đô về Việt Nam?
Khảo cổ học cho thấy, khoảng năm 2100 TCN, nước biển rút,
vùng Lương Chử khô ráo trở lại, dân các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp, làm nên
văn hóa Mã Kiều. Theo sử thì vào thời gian này, ông Thiếu Khang hậu duệ của vua
Vũ tới đây, cắt tóc vẽ mình theo tục người Việt, sống chan hòa với dân Việt, được
tôn làm thủ lĩnh, lập ra tiểu quốc Việt. Vì ở xa Trung Nguyên, lại nhỏ bé nên
không có tiếng tăm gì. Vào thời vua Câu Tiễn, đánh thắng nước Ngô, làm bá chủ
Trung Nguyên, nước Việt tranh chấp ngày càng tăng với Văn Lang của Vua Hùng. Tiếp
đó, nước Sở mạnh lên, uy hiếp không chỉ nước Việt mà cả Văn Lang. Trước tình thế
nguy cấp, vua Hùng buộc phải di tản. Nhưng ngài đi về đâu? Khảo khắp các di chỉ
đá mới ở Nam Trung Hoa, không thấy nơi nào, chúng tôi dựa theo Ngọc phả Hùng
Vương viết “Đoàn người từ biển đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống (Sông Lam – Núi Hồng)
lập kinh đô…” hỏi con lắc “Có đúng vậy không?” Con lắc quay thuận. Như vậy, khoảng
800 năm TCN, đoàn thuyền của Vua Hùng tới đóng đô ở vùng Núi Hồng Sông Lam. Từ
đây, vua Hùng tiếp tục lãnh đạo nước Văn Lang gồm Việt Nam và Quảng Đông, Quảng
Tây ngày nay. Rồi nước Sở diệt nước Việt, thôn tính cả đất của Văn Lang vùng
Lĩnh Nam. Tiếp đó là cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng. Vua Hùng Duệ vương lãnh
đạo dân Lạc Việt liên kết với Thục Phán đánh quân Tần. Sau chiến thắng, Thục
Phán chiếm ngôi của vua Hùng, lập nước Âu Lạc rồi dời đô về Cổ Loa. Là người gốc
Việt thuộc bộ tộc Tần, tổ tiên di cư lên Trung Nguyên lập nước Triệu. Khi Triệu
bị diệt, ở tuổi 20, Triệu Đà bị xung lính xuống đánh Lĩnh Nam, làm huyện lệnh
Long Xuyên. Trên đất Văn Lang cũ ở Lĩnh Nam, Triệu Đà nhân nhà Tần sụp đổ, lập
nước Nam Việt rồi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Cai trị Nam Việt, Triệu Đà vẫn
theo tục cũ của người Việt nên được dân ủng hộ. Gần trăm năm Nam Việt, nhà Triệu
đã củng cố quan hệ quốc gia vốn có từ lâu của dân cư Văn Lang dưới thời các vua
Hùng. Khi bị người Hán xâm lăng, dân Văn Lang vẫn hướng về nước cũ.
Năm 39, Hai Bà Trưng là hậu duệ của vua Hùng, có uy tín với
dân Văn Lang cũ, đã liên lạc với những lạc hầu lạc tướng vùng Lĩnh Nam, phất cờ
khởi nghĩa và được hưởng ứng tích cực. Trong 65 thành trì đi theo nghĩa quân
thì phần nhiều trên đất Lĩnh Nam. Xin dẫn một tài liệu quý của Giáo sư Trần Đại
Sỹ, “Về Thiên Đài nơi tế cáo của Đế Minh”(7):
“Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy
hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Đầu đề ghi : Thiên-đài di sự lục.Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.
Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến
Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào ? Tuy sách do Chu Minh-Văn
soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép
lại vào đời Thanh Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn soạn,
phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào
bao giờ. Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời
Khang-Hy (1662-1772). Chu Minh-Văn là tiến sĩ đời Đường, nên văn của ông thuộc
loại văn cổ rất súc tích, đầy những điển cố cùng thành ngữ lấy trong Tứ-thư,
Ngũ-kinh cùng kinh Phật. Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng, chỉ
lướt qua là hiểu ngay, ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng. Nhưng nếu ông ấy biết
rằng, tôi chỉ được học loại văn đó vào hồi sáu, bảy tuổi thì ông sẽ hết phục.
Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc Đế Minh đi tuần thú phương Nam, kết
hôn với nàng tiên sinh ra Lộc-Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất,
vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài, núi cũng mang tên Thiên-đài sơn, Minh-Văn
còn kể thêm: « Cổ thời trên đỉnh núi chỉ
có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Đương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của
vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương
ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông
cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm
được núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai
sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây ».
Tôi biết vua Bà là vua Trưng, còn tướng Đào Hiển-Hiệu là em
con chú của Bắc-bình vương Đào Kỳ. Ngài Đào Kỳ lĩnh chức Đại Tư-mã thời vua
Trưng. Tướng Đào Hiển-Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ-nha đại tướng
quân. Nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường-sa, hồ Động-Đình,
đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên-đài, đợi quân Lĩnh-Nam rút hết,
sẽ rút sau. Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc-tổ, Quốc-mẫu,
đã không chịu lui quân, tử chiến, khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể
tại đây. Ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối :
Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,
Thọ pháp Tây-thiên diễn Phật- kinh.
Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái-tử Tất-Đạt-Đa đang đêm ra khỏi
thành đi tìm lẽ giải thoát sau đó đắc pháp ở Tây-thiên, đi giảng kinh.
Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,
Phật công hiển hách quốc thái dân an.
Hai câu này là ngụ ý nói: Tam bảo linh thiêng, khiến cho mưa
thuận, gió hòa đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an.
Nơi có dấu vết Thiên-đài còn đôi câu đối khắc vào đá :
Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.
Nghĩa là : Từ sau vụ vua Minh tế cáo ở đây, đài thành
Thiên-đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc. Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với
giòng giống Việt-Thường. Chỗ miếu thờ của Đào Hiển-Hiệu có đôi câu đối :
Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế,
Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long.
Nghĩa là :
Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Động-đình làm kinh tâm vua
Quang-Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật-Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam hồ Động-đình.
Một nghìn tay đao do Hiển-Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.
Kết luận :
« Như vậy việc vua Minh tế cáo trời đất là có thật. Vì có
Thiên-đài nên thời Lĩnh-Nam mới có trận hồ Động-đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ
lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn-Lang xưa quả tới Ngũ-lĩnh, hồ Động-Đình ».
Lời kể trong chuyến đi điền dã của học giả Trần Đại Sỹ cho
ta thấy, tại tàn tích của Thiên Đài còn dòng chữ khắc trên đá: Lĩnh địa niên
niên dữ Việt-Thường. Đài đá được xây thời Đế Minh. Nhưng dòng chữ phải được khắc sau này vì là chữ có sau thời
Xích Quỷ. Có thể đoán rằng vào thời Đường, người dân Việt vùng Lĩnh Nam đã khắc
câu đối để tưởng nhớ Quốc Tổ và hướng về nước cũ. Điều này khẳng định người Việt
Thường từ xa xưa là chủ của đất Lĩnh Nam. Dòng chữ cũng gián tiếp nói rằng, đất
Lĩnh Nam thuộc về nước Văn Lang của các Vua Hùng. Tác giả Trần Đại Sỹ còn cho
biết, tại Nam Trung Quốc có tới 200 ngôi đền thờ Vua Bà. Những chứng cứ vững chắc
cho thấy Lĩnh Nam là đất xưa của nước Văn Lang.
Vào đời Đường, Lý Triều Uy sáng tác tiểu thuyết Liễu Nghị
truyện (柳毅傳).
Tóm tắt như sau: “Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một
thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng
mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh
Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến
cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai
Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về,
rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều
vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái
Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con
gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.” Liễu
Nghị truyện được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời
Đường, truyện đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Dựa vào lời Ngô Sĩ Liên
trong sách Toàn thư: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn
dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ,
viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình
đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi,” một số học giả cho rằng, Lĩnh
Nam chích quái liệt truyện đã chép lại từ tiểu thuyết thời Đường rồi sau đó Ngô
Sỹ Liên đưa vào sử.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó là sự suy diễn theo cách
nhìn thiếu chiều sâu lịch sử. Trong khi thực tế là, câu chuyện về Lạc Long
Quân-Âu Cơ đã được tiến sĩ Chu Minh-Văn ghi lại trong Thiên-đài di sự lục
vào năm Trinh Quán thời Đường Thái-Tông (627-647). Cũng theo thời gian, câu
chuyện đã thành truyền thuyết trong dân gian người Việt, từ Nam Dương Tử tới Việt
Nam. Từ câu chuyện dân gian, khi dành lại quyền tự chủ, người tại Việt Nam ghi
thành truyện Hồng Bàng thị trong Lĩnh Nam chích quái rồi vào sử. Trong khi đó,
vùng Hoa Nam đã thuộc về Trung Quốc, người dân dù nhớ nguồn cội cũng không thể
ghi vào sử. Dựa vào câu chuyện tình, nhà nghệ sỹ viết thành tiểu thuyết. Do điều
kiện lịch sử cụ thể, tiểu thuyết ra đời trước. Nhưng cho rằng người Việt chép lại
tiểu thuyết Trung Hoa để tạo dựng nên nguồn cội của mình là cái nhìn chưa thấu
đáo. Ngày nay với khám phá mới về tiền sử người Việt cùng với đoạn ghi chép của
Chu Minh Văn, điều này càng trở nên rõ ràng.
Trước đây đọc sử, không ít người thắc mắc là vì sao dân Vân
Nam rất gần Việt Nam mà không tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong khi dân Lưỡng
Quảng đi theo đông đảo? Nay có thể trả lời: dân Lưỡng Quảng cùng trong nước Văn
Lang với Việt Nam còn Vân Nam thuộc về nhà nước Ba Thục vốn có sự phân cách từ
xưa.
Có một câu hỏi cần được trả lời: Việt Thường thị quan
hệ thế nào với nhà nước Văn Lang? Ta biết, nhà nước đầu tiên của phương
Đông là nhà nước của bộ lạc nên được gọi theo tộc danh mà chưa có quốc danh.
Khi thấy sách cổ viết Bào Hy thị, Thần Nông thị thì mọi người hiểu là nhà nước
của bộ lạc Phục Hy, Thần Nông. Chỉ tới Kinh Dương Vương, lúc này quốc gia đã lớn,
bao gồm nhiều bộ lạc vì vậy lấy tên một bộ lạc làm tên quốc gia tỏ ra không ổn nên
dùng tên Xích Quỷ làm tên nước chung cho mọi bộ lạc thành viên. Khi dời đô tới
vùng hồ Động Đình, trong nội bộ, dân vẫn gọi nhà nước Văn Lang và Hồng Bàng thị.
Nhưng chính trị phương Bắc vào thời Đào Đường đã ổn định, người Hoa Hạ nhìn xuống
phía Nam, thấy sắc dân Việt chuyên mặc váy nên dùng tên Việt Thường để gọi. Rồi
tộc danh này trở thành tên nước, ghi trong sách sử. Sau khi Văn Lang bị thôn
tính, người dân Việt Thường cũ không nhớ được tên Văn Lang và Hồng Bàng thị mà
chỉ biết tới Việt Thường được ghi trong sách sử nên nhận mình là người Việt Thường
để rồi làm thành câu đối khắc lên Thiên Đài. Người khắc cũng biết rằng, tên Việt
Thường (người Việt mặc váy) là tục danh mang tính kỳ thị, phải do ngoại nhân gọi,
không thể do tổ tiên tự đặt. Tuy nhiên đó là tên duy nhất có trong sách sử nên
không thể không dùng. Trong khi đó, tại Việt Nam, dân vẫn quen gọi quốc danh
Văn Lang và Hồng Bàng thị. Chính vì hai danh xưng khác nhau nên phần đông dân Văn
Lang không biết mình còn có tộc danh Việt Thường. Trong khi người Việt ở Nam
Dương Tử không nhớ tổ tiên mình là Hồng Bàng thị với quốc hiệu Văn Lang. Tuy
nhiên, do cùng sống trên một đất nước của các vua Hùng nên khi nhà tan, nước mất,
những “dân ấp dân lân” đã cùng nổi dậy cứu nước. Rõ ràng, người xưa biết việc
này và Ngô Sỹ Liên ghi vào sử “Nước Việt ta lần đầu tới thăm nhà Chu và tặng
chim trĩ trắng” là chính xác. Việc Hoàng Đế Quang Trung đòi nhà Thanh trả hai tỉnh
Quảng Đông, Quảng Tây cũng cho thấy sự thật lịch sử này. Nhưng tác giả Đại Việt
sử lược do không đủ thông tin nên chỉ công nhận Văn Lang theo ranh giới hiện có
vì vậy cho rằng “700 năm TCN, lập nước Văn Lang với 15 bộ trên đất Bắc Việt Nam.”
Đáng tiếc là các cán bộ chép sử ngày nay đã chép sai theo.
Trên đây là suy đoán của chúng tôi về nước Văn Lang dựa trên
tất cả thông tin có được cho đến hôm nay. Một con rồng bay trên mây đang mất
hút về phía chân trời. Thợ vẽ bất tài là tôi ráng hết sức chỉ vẽ được đến vậy.
Xin bạn đọc lượng thứ.
Trước đây, trong bài Việt Thường thị ở đâu, Văn Lang ở
đâu? có viết Việt Thường cử sứ giả tới nhà Đào Đường là nước Việt tiền
thân của Việt Vương Câu Tiễn. Nay chúng tôi thấy đó là sai lầm vì tiểu quốc của
Thiếu Khang chỉ xuất hiện cuối đời nhà Hạ, khoảng năm 2100 TCN, xin được cải
chính.
Sài
Gòn, 11.4.2020
Tài liệu tham khảo.
1.
Hà Văn Thùy. Xóa bỏ huyền thoại “Nhà nước Văn
Lang 2700 năm trước”
https://nghiencuulichsu.com/2019/09/06/xoa-bo-huyen-thoai-nha-nuoc-van-lang-2700-nam/
2.
Zhou Jixu. The Rise of Agricultural
Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the
Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number
175 December, 2006
3.
Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á.
NXB DH&THCH, H, 1983
4.
Hà Văn Thùy. Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại
đến hiện thực. NXB Hội Nhà văn, H, 2017.
5.
城头山古文化遗址
https://baike.baidu.com/item/%E5%9F%8E%E5%A4%B4%E5%B1%B1%E5%8F%A4%E6%96%87%E5%8C%96%E9%81%97%E5%9D%80/5087595?fromtitle=%E5%9F%8E%E5%A4%B4%E5%B1%B1&fromid=759871
6.
Trương Thái Du. Một cách tiếp cận những vấn đề
cổ sử Việt Nam.http://123doc.org/document/1905966-mot-cach-tiep-can-nhung-van-de-co-su-viet-nam-truong-thai-du-pha-n-1-pdf.htm)
7.
Trần Đại Sĩ. Về Thiên-đài nơi tế cáo của Đế
Minh. - http://www.vietnamvanhien.net/NuiNguLinh.pdf