Trong tranh biện, để giành phần thắng, người ta có thể dùng
mọi thủ đoạn, kể cả cái gọi là xảo biện hay quỷ biện. Trong đó chỉ
nói lên phần sự thật có lợi cho mình. Trong bài “Sự cầm nhầm vĩ đại,”
tôi đã áp dụng thủ thuật đó để thách thức fan của thuyết “thiết kế.” Bởi vì, muốn
phản bác “lý sự” của tôi, họ cần phải có kiến thức cần thiết về sinh học cũng
như về Thuyết Tiến hóa. Tôi rất mong có người “bắt bài” mình để được dịp học hỏi.
Nhưng không ai lên tiếng nên tôi thấy có nghĩa vụ phải minh bạch chuyện này.
1. Hòa thảo (Gramineae) là họ lớn trong giới thực vật, gồm
những loài cây ở bậc tiến hóa cao. Trong họ có nhiều loài cho hạt như lúa, kê,
bắp, lúa mì… Tuân thủ luật sinh tồn của sinh vật là mọi loài phải nỗ lực
sinh sản nhanh nhất, cho ra những con cháu tốt nhất để mở rộng vùng phân bố,
duy trì nòi giống. Với những thực vật có hạt thì đây là công việc sản
sinh ra nhiều hạt giống có chất lượng tốt. Đầm lầy là môi trường sống thích hợp
nhất với lúa nước. Do mực nước ở đầm lầy cao thấp theo mùa nên vào mùa nước nổi,
cây lúa phải tăng nhanh độ cao để tránh chết ngạt. Bên cạnh đó, hạt lúa có râu
dài và nhiều lông để có thể “bơi” xa hơn theo dòng nước hoặc dễ dàng bám vào động
vật như trâu, bò, heo, chuột… để được chúng mang đi xa. Những hạt may mắn được
đưa tới nơi đất tốt, ít bị cỏ dại xâm lấn sẽ sinh ra cây lúa khỏe, nhiều hạt và
hạt mẩy. Đến lượt mình, những hạt này lại được mang đi xa, rơi vào chỗ tốt hơn…
Lâu dần tạo ra dòng lúa ưu thế. Trong phẩm tính ưu việt này, có gen chỉ đạo
việc đẻ nhánh và ra lá theo “tỷ lệ vàng.”
Con người đã chọn những hạt giống tốt nhất của dòng lúa này
để trồng cấy, cuối cùng cho ra những chủng lúa như hiện nay. Quá trình canh tác
cũng là quá trình xác định mật độ gieo cấy phù hợp cho từng dòng lúa. Đó là quá
trình dài, chủ yếu là mò mẫm. Chỉ khi con người kinh nghiệm hơn, đưa ra được mật
độ tối ưu cho một dòng lúa thì việc nảy nhánh, ra lá của một quần thể lúa mới
thể hiện “tỷ lệ vàng” tập trung ở mức quan sát được. Và kỹ sư Chu
Văn Tiệp là người may mắn phát hiện sự kiện này.
Trong điều kiện tự nhiên, do mật độ các bụi lúa không theo
trật tự làm cho “tỷ lệ vàng”đẻ nhánh tuy vẫn diễn ra nhưng không thể hiện ở mức
độ quan sát được. Điều này cho thấy, những gen chi phối việc đẻ nhánh tối
ưu (tỷ lệ vàng) là sản phẩm của tự nhiên. Con người chỉ có công chọn lọc từ tự
nhiên rồi bồi trúc lên. Tạo ra những dòng lúa có “gen vàng” không phải
là thành quả của con người, cũng tức là không phải sản phẩm của chọn lọc nhân tạo.
Ở bài trước, khi cho rằng, chỉ lúa trồng mới có “con số
vàng” trong đẻ nhánh và ra lá là hoàn toàn đúng với sự thực. Nhưng, trên thực tế, đó chỉ là một nửa của sự thực. Nửa kia nhiều
người không thấy. Không thấy không có nghĩa là không có. Nhà xảo biện đã dùng
cái nửa sự thật bị khuất lấp để tạo nên lý lẽ của mình.
2. Có “sự thiết kế vĩ đại” không?
“Đại thiết kế” là công việc nhà thiết kế vạch ra bản “thiết
kế” cho mỗi loài sinh vật từ thời điểm “sinh ra muôn loài”. Mặc nhiên, ở
thời điểm sáng tạo này, các chủng loài sinh vật có số lượng cao nhất.
Tuy nhiên, “nhà thiết kế” lại “quên” không thiết kế một thiên nhiên ổn định phù
hợp với những chủng loài được tạo sinh. Do vậy, môi trường luôn biến đổi, “gây
khó” cho sinh vật, khiến cho nhiều chủng loại bị tiêu diệt.
Sau “thời điểm tạo
sinh,” do những tai nạn nhiều loại, sẽ có những loài bị tiêu diệt. Do vậy, thời
gian càng lâu, những loài bị tuyệt chủng càng nhiều, trong khi không có chủng
loài mới được sinh ra, dẫn tới việc đa dạng sinh học ngày càng giảm. Nói một
cách hình tượng thì thuyết “Đại thiết kế” vận hành theo mô hình kim tự
tháp mà đa dạng sinh học ban đầu là đáy: nhiều nhất các chủng loại sinh
vật ra đời dưới tay nhà thiết kế. Nhưng rồi với thời gian, số lượng chủng loài
giảm đi theo chiều cao của kim tự tháp.
Trong khi đó, thực tế tồn tại của sinh vật lại diễn ra theo mô
hình hình thoi mở. Thoạt kỳ thủy, chỉ xuất hiện rất ít những sinh vật
đơn giản, tượng trưng bởi một góc nhọn của hình thoi. Nhưng theo thời gian, số
lượng chủng loài sinh vật tăng lên và đạt cực đại. Sau đó, số lượng chủng loài
giảm dần theo thời gian, về phía bên kia của hình thoi mà đỉnh đối diện kéo dài
vô tận. Mô hình thực tế này đã bác bỏ khả năng tồn tại của “thiết kế vĩ đại.”
Như vậy, “sự thiết kế vĩ đại” chỉ hoàn toàn là sản phẩm của
tưởng tượng, một biến thái thay cho thuyết tạo sinh. Để chiều lòng các fan của
thuyết “thiết kế,” tôi đã sáng tác ra thuyết Tiến hóa nhị nguyên.
Thuyết này nghe có vẻ thuận tai: Chúa từ thiên đàng sinh ra mầm sự sống rồi
gieo xuống Trái đất: “Ta sinh ra các con. Nay ta đưa các con vào cuộc đời. Các
con hãy tự mình vươn lên để sáng danh Chúa cả!” Nghe lời Chúa, các mầm sự sống
đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên, tạo
nên bản sắc của mình.
Nhưng “thuyết” Hà Văn Thùy chưa kịp công bố thì các nhà khoa
học nước Úc đã tìm ra mầm sống đầu tiên 3,5 tỷ năm trước. Buồn 5 phút!
Sài Gòn, ngày ông Táo lên trời năm Canh Thìn