Đọc bài Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mưu đồ
chính trị *trên trang Nghiên cứu quốc tế, phê bình cuốn sách “Phương quốc
Lạc Việt nghiên cứu”của Giáo sư Lương Đình Vọng, chúng tôi muốn thưa đôi điều
cùng giáo sư.
Thưa Giáo sư,
Chúng tôi là người Lạc Việt, sinh ở Việt Nam. Như vậy, chúng
ta cùng dòng tộc, cùng một bọc, là đồng bào. Được biết ông là sử gia tên tuổi,
xin được hỏi: người Lạc Việt là ai, có nguồn gốc thế nào?
Có thể ông sẽ giở cổ thư và trưng ra những dòng mà ông được
dạy từ tấm bé:“Tại thời Hạ, Thương, trong
quần thể dân tộc Hoa Hạ bao hàm tổ tiên Thủy tộc”.“Nhưng sớm nhất là thời kỳ
Thương Ân đã có văn tự của tộc Thủy. Kể từ đó, như một kết quả của hai hoạt động
đại di cư quốc gia, khiến ngôn ngữ văn hóa của Thủy tộc xuất hiện, do phân hóa
từ một nguồn chung, sau đó hấp thụ hội nhập dần dần của hiện tượng này”.(1)
Nhưng đó là sự dối trá tệ hại của sử gia Đại Hán. Hôm nay, chúng
tôi xin thưa với ông sự thực về tộc Lạc Việt, không phải lấy từ Sử ký, Hán thư
mà do đọc cuốn thiên thư DNA được tạo hóa ghi trong máu huyết dòng
tộc chúng ta.
70.000 năm trước, trong Kỷ Băng hà, hai đại chủng người Khôn
ngoan Australoid và Mongoloid từ châu Phi di cư đến Việt Nam. Trên đất Việt, người
tiền sử hòa huyết sinh ra bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Vedoid và
Negritoid, cùng mang mã di truyền Australoid. Trong đó người Indonesian là đa số,
giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ, sau này được gọi là Lạc Việt. 40.000
năm cách nay, do khí hậu ấm lên, người Việt Nam đi lên Quảng Đông rồi từ đây lan
tỏa ra chiếm lĩnh Hoa lục. Đất Quảng Đông trở thành nơi phát tích của người
Trung Quốc.
Đấy là bức tranh chung của dân cư Đông Á. Còn người Lạc Việt
thì sao? Trên Bản đồ phân bố dân cư Trung Quốc, bốn dòng người từ Việt Nam đi
lên chiếm 93%, trong đó người Lạc Việt được biểu thị bằng Haplogroup O, chiếm
60% dân số Trung Quốc. (2)
Từ 22.000 năm trước, tại Hòa Bình, người Lạc Việt sáng tạo
công cụ đá mới. Tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, 20.000 năm trước, tổ tiên
chúng ta chế tác đồ gốm và 12.400 năm cách nay thuần hóa cây lúa nước sớm nhất
trên thế giới. 9000 năm trước, tại Giả Hồ, người Việt sáng tạo những ký tự đầu
tiên khắc trên yếm rùa, sau này là chữ trên xẻng đá Cảm Tang…
Bản
đồ phân bố các nhóm người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục
(O: Indonesian, C: Melaanesian,
N: Mongoloid và D: Negritoid)
(Chuan-Chao
Wang, Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes,
https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11
)
Khoảng 7000 năm trước, trên bờ Nam Hoàng Hà, người Lạc Việt sáng
tạo văn hóa trồng lúa, trồng kê Ngưỡng Thiều. Tại đây tổ tiên ta gặp gỡ người
du mục Mông Cổ bên bờ Bắc để trao đổi hàng hóa. Việc hôn nhân luyến ái diễn ra,
lớp con lai Mông-Việt ra đời, được gọi là người Việt hiện đại, mang mã di truyền
Mongoloid phương Nam. Người Việt hiện đại tăng số lượng, dần thay thế người
Australoid, thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà, sáng tạo văn hóa Long Sơn,
xây dựng hai trung tâm văn hóa rực rỡ Thái Sơn và Trong Nguồn (đồng bằng Hán Thủy), sau
này là cộng đồng người Hán.
Trong sách của mình ông viết: “Người Lạc Việt từng giương buồm đi đến tận châu Mỹ và là chủ lực khai
phá ‘con đường tơ lụa trên biển’ đi về phía tây. Trạm dừng đầu tiên của họ là
đông bắc đảo Sumatra (Indonesia). Trạm thứ 2 ở gần Bago (Myanmar). Trạm thứ 3 ở
ven sông Ayeyarwady (Myanmar). Trạm thứ 4 và 5 tại Ấn Độ, Malacca, Sri Lanka.
Con đường này kéo dài tới Tanzania ở châu Phi.”
Điều này hoàn toàn đúng. Không chỉ có vậy. Khoảng 7500 năm
trước, trong đại hồng thủy, người Lạc Việt tổ tiên chúng ta từng mang giống vật
nuôi, cây trồng và tư tưởng về nông nghiệp tới Cận Đông và Madagasca, gây mầm
cho văn minh nông nghiệp ở phương Tây. (3) Còn sự thật này có lẽ ông chưa bao
giờ ngờ tới: Do người Việt là tổ tiên của người Trung Hoa nên tiếng Việt
là chủ thể tạo nên tiếng nói Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết
Trung Hoa và văn hóa Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa. Người
Trung Hoa là lứa con sinh sau đẻ muộn của người Lạc Việt khoảng 7000 năm trước!
Điều ông viết: “Ngay từ
thời Thương-Chu (khoảng năm 1300 TCN)… tuân theo lệnh của các vương triều trung
ương, ‘Phương quốc’ này đã khai phá và quản lý vùng Lĩnh Nam và Nam Hải” thì
không phải là sự thật.
Sử cũ không hề nhắc đến Phương Quốc Lạc Việt mà chỉ nói
thoáng qua về Việt Thường thị. Cuốn sách sớm nhất nhắc tới Việt Thường thị là
Thượng Thư đại truyện được viết đầu thời Hán: “Năm Tân Mão đời Chu Thành Vương
(1063 – 1026 TCN) có Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ đến kinh đô nhà Chu giao
hảo, tặng chim bạch Trĩ.” Muộn hơn là Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống
(1127-1279): “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch
sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước,
trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua
Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.”
Tuy Việt Thường không phải là Phương quốc nhưng tư liệu trên
cũng cho thấy, liên hệ của người Lạc Việt với nhà Chu rất hạn chế, khiến hoàng
đế nhà Chu, là người trọng danh dự và sự thật đã nói: “Chính lệnh không tới thì
không coi người ta là bề tôi của mình!” Sau lần cống chim trĩ, sử không nhắc gì
tới Việt Thường hay quốc gia nào của người Lạc Việt nữa. Do vậy, hoàn toàn
không có chuyện “triều đình trung ương quản lý”một quốc gia của người lạc
Việt!
Có điều chắc chắn rằng, tổ tiên chúng ta cùng là dân của nhà
nước có kinh đô Lương Chử, được tổ Thần Nông thành lập 5300 năm trước. Khảo cổ khám
phá, người Lương Chử là người Lạc Việt, là Vũ nhân hay Vũ dân, thờ vật tổ
kép chim và thú. Từ đó ta biết, tổ tiên chúng ta là Hồng Bàng thị và
chúng ta thuộc nòi giống Tiên Rồng.
Khi 50 vạn quân Tần xuống Lĩnh Nam, người Lạc Việt trong đó
có dân Quảng Tây tổ tiên ông chiến đấu kiên cường, giết tướng Đồ Thư góp phần
làm nhà Tần sụp đổ. Nhưng rồi khi những đội quân Hán tàn bạo tràn tới, giang
sơn bị chiếm đoạt, người Lạc Việt bị biến thành nô lệ. Năm 39, khi Vua Bà phất
cờ khởi nghĩa thì 60 thành trì trên đất Lĩnh Nam hưởng ứng, đập tan ách đô hộ của
nhà Hán. Đến nay, khắp Giang Nam còn hàng trăm nơi thờ Vua Bà.
Trong khi Việt Nam bị chiếm đóng thì tổ tiên của ông do
không chịu làm tôi mọi cho ngoại bang, đã lui vào sống trong rừng núi. Thế là
bi kịch xảy ra: từ cộng đồng đa số làm chủ giang sơn gấm vóc rộng lớn thì bất hạnh
thay, đất nước chúng tôi thành thuộc địa, tổ tiên chúng tôi bị biến thành nô lệ.
Còn tổ tiên của ông trở thành di, mọi, phải trốn vào rừng sâu, trở thành sắc
dân thiểu số… Tuy có như vậy thì gần 2000 năm dưới các triều đại quân chủ, người
Lạc Việt trên đất Trung Hoa vẫn giữ được văn hóa cùng tiếng nói của mình. Nhưng
chỉ từ khi cộng sản nắm quyền, bằng chính sách đồng hóa khắc nghiệt, tiếng Lạc
Việt bị cấm, thế hệ các ông cùng con cháu buộc phải nói quan thoại. Ông có biết
rằng, do quan thoại nghèo nàn nên dân Việt ở Nam Dương Tử dần bỏ mất khoảng 30%
tiếng nói quý giá của tổ tiên Lạc Việt? Với thời gian, các ông đã thành người
Hán, nhưng là Hán hạng hai dưới sự giám sát của những quan chức từ phương Bắc
xuống. Họ dùng các ông nhưng không tin vì dòng máu lạc Việt vẫn chảy trong huyết
quản các ông… Trong khi đó, bằng sự quật cường của dòng máu Lạc Việt, Việt Nam
chúng tôi đã tự giải phóng, giữ được mảnh đất hương hỏa cuối cùng cho nòi giống.
Thưa ông Vương, phẩm chất đầu tiên của con người là trung thực.
Là người viết sử, trung thực càng phải đặt lên hàng đầu. Trong cuốn sách của
ông, việc một “Phương quốc Lạc Việt” từ 1300 năm TCN chịu sự “quản lý của
vương triều trung ương” là sự dối trá tệ hại, là sự xúc phạm đối với tổ
tiên Lạc Việt, những người từ xa xưa phải bỏ vào sống trong rừng để “bất cộng
đái thiên” với kẻ thù. Nay là người Trung Quốc, viết điều gì là quyền của ông. Là
người Lạc Việt nên chúng tôi rất trân trọng văn hóa Lạc Việt. Cuối năm 2011,
khi đồng bào Lạc Việt Quảng Tây khám phá ra chữ trên xẻng đá Cảm Tang, chúng
tôi mừng muốn khóc, vội vã công bố trên các phương tiện truyền thông và sử dụng
ngay thành tựu đó cho nghiên cứu. Chúng tôi đã từng nói một cách hình tượng: Nếu
ví con người cùng văn hóa phương Đông như một đại thụ thì gốc rễ của nó ở Việt
Nam, còn cành nhánh cùng hoa thơm trái ngọt lại nảy nở trên đất Trung Hoa.
Chúng tôi mong muốn học hỏi, hiểu biết những khám phá về văn hóa Lạc Việt trên
đó để hiểu thêm về dòng tộc của mình. Do vậy, những khảo cứu và khám phá của
ông về văn hóa Lạc Việt rất quý giá. Nhưng những cái viết ra chỉ thực sự giá trị
khi là chân, thiện, mỹ. Mong rằng dòng máu Lạc Việt đang chảy trong huyết quản
sẽ luôn nhắc ông nhớ tới cội nguồn.
Chúc ông sức khỏe và gia tăng tuổi thọ.
Kính thư
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Văn Thùy
Sài Gòn, 25.8.2019
*Nguyễn Hải Hoành:
Lương Đình Vọng (Liang Tingwang 梁庭望)
sinh 1937, dân tộc Tráng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc trung
ương, giáo sư, sử gia nổi tiếng chuyên về văn hóa lịch sử các dân tộc thuộc ngữ
tộc Tráng-Đồng,[2] tức ngữ tộc của tộc Lạc Việt.
Tài liệu tham khảo
1.
水书 http://baike.baidu.com/view/95537.htm
2.
Chuan-Chao Wang, Hui Li. Inferring human history
in East Asia from Y chromosomes,
https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11
3.
Stephen Oppenheimer: Địa đàng ở phương Đông-lục
địa Đông Nam Á bị chìm. NXB Lao Động. HN, 2004.