YÊU CẦU VINMEC RÚT LẠI TUYÊN BỐ SAI LẦM VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT




Trong 15 năm Tìm cội nguồn qua di truyền học (1) chúng tôi luôn ước ao có ngày được sử dụng tài liệu về bộ gen người Việt do chính nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu. Do vậy, chúng tôi rất mừng khi Viện Vinmec công bố kết quả nghiên cứu gen người Việt Nam.
Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc: “người Việt "nằm cạnh" một cách độc lập với người Hán ở phía Nam và cách xa người Hán ở phía Bắc Trung Quốc.” (theo báo Tuổi trẻ)
Ở đây có những vấn đề cần trao đổi.
Trước hết, chúng tôi không hiểu khái niệm “nằm cạnh” một cách độc lập có nghĩa gì bởi khái niệm như vậy chưa từng có trong khoa học. Phải chăng điều này có nghĩa là, người Việt sống gần với người Hán phía Nam nhưng không bị ảnh hưởng di truyền của họ? Hoặc là “người Việt gần gũi về di truyền với người Hán phía Nam nhưng là dạng nguyên chủng, “độc lập” “tự có” không liên quan gì tới người Hán? Có thật vậy không? Có thật chuyện trai Hoa gái Việt hàng nghìn năm “nằm cạnh” nhau mà vì “giữ gìn tinh khiết giống nòi”nên vẫn “độc lâp”?! Kẻ non gan như tôi không dám tin!
Ý khác cũng cần bàn: “ nằm cạnh người Hán phía Nam và cách xa người Hán ở phía Bắc Trung Quốc” là nghĩa làm sao? Nếu nói về địa lý thì hoàn toàn đúng: người Việt gần với người Nam Dương Từ và xa với người Nam Hoàng Hà. Nhưng chẳng lẽ chương trình khoa học lớn lại “khám phá” cái điều tầm thường như vậy? Chắc là không! Thế thì chỉ còn một nghĩa; “mã di truyền người Hán phương Nam không giống người Hán phương Bắc?”Không đúng! Đã là người Hán thì bộ gen ở đâu cũng là gen Hán chứ?! Đau đầu với cái chuyện luẩn quẩn lẩm cẩm này mãi rồi chúng tôi mới vỡ lẽ: các nhà này đọc không thông tiếng Ăng Lê. Số là, việc giải trình tự 305 bộ gen người Kinh chẳng thể nói gì về nguồn gốc dân tộc Việt. Do vậy, các vị bèn mượn tài liệu tiếng Anh. Nguyên bản tiếng Anh viết “The genetic code of the Vietnamese is close to the Southern Chinese but far from the Northern Chinese.”Ở đây Northern  Chinese với nghĩa người Trung Quốc phía Bắc, để chỉ khoảng 100 triệu người thuộc các sắc dân thiểu số Mongol, Turky, Ewenky, Tungusic, Altaic, Eskimos… sống ở Bắc Trung Quốc, có mã di truyền khác với người Hán. Trong khi đó, Southern Chinese là chỉ người Trung Quốc phía Nam, tức người Hán. Các tác giả của Vinmec dịch Chinese là người Hán rồi chia ra người Hán phía Bắc, người Hán phía Nam!
Một kết luận khác cũng cần được mổ xẻ:  “Bên cạnh đó, nghiên cứu đã giải mã một câu chuyện trong lịch sử: dù có nhiều khu vực biên giới chung và mối quan hệ lâu đời nhưng hệ gen của người Việt lại không có sự giao thoa nhiều hay chịu ảnh hưởng từ hệ gen người Hán.”
Đúng thế không? Xin đặt câu hỏi: nếu khác nhau như vậy, thì người Việt thuộc chủng gì? Người Hán thuộc chủng gì? Trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, GSTSKH Nguyễn Đình Khoa khẳng định “từ 2000 năm TCN, người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam.”(2) Trong khi đó, học giả Trung Quốc Zhou Jixu viết: “Theo trường phái nhân chủng học Xô-viết, tại Trung Quốc đại lục, người Hán được xếp vào chủng Mongoloid phương Nam.” (3) Sao cùng một chủng Mongoloid phương Nam mà người Việt Nam lại “độc lập” với người Trung Quốc về di truyền?
Trong việc tìm hiểu nguồn gốc con người, tư liệu cốt sọ là đáng tin hơn cả. Khảo sát 70 sọ cổ tìm được ở Việt Nam, nhân chủng học xác nhận: trong thời đồ đá, dân cư trên đất Việt Nam thuộc loại hình Australoid. Nhưng sang thời kim khí, người Mongoloid xuất hiện, thay thế người Australoid (2). Một câu hỏi: người Mongoloid từ đâu tới? Những căn cứ vững chắc nhất cho thấy, người Mongoloid phương Nam từ Trung Quốc xuống, chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Vì vậy nói người Việt Nam có mã di truyền độc lập, không giống người Trung Quốc là không đúng sự thật.
Để rõ hơn chuyện này, xin đọc đoạn văn sau của S.W. Ballinger (4) thuộc Hiệp hội Di truyền học Hoa Kỳ, xuất bản năm 1992: “Tất cả các quần thể châu Á đã được tìm thấy để chia sẻ hai đa hình AluI / DdeI cổ đại ở nps 10394 và 10397 và giống nhau về mặt di truyền chỉ ra rằng chúng có chung một tổ tiên. Sự đa dạng mtDNA lớn nhất và tần số mtDNA cao nhất với HpaI / HincII morph 1 đã được quan sát thấy ở người Việt Nam cho thấy nguồn gốc Mongoloid của người châu Á.”( All Asian populations were found to share two ancient AluI/DdeI polymorphisms at nps 10394 and 10397 and to be genetically similar indicating that they share a common ancestry. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians.)
Đoạn văn này khẳng định hai điều:
1.       Toàn bộ dân cư châu Á cùng một nguồn gốc, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam.
2.       Người Việt Nam có tuổi sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Có nghĩa, Việt Nam là nơi phát tích của người châu Á và người Việt cổ là tổ tiên dân cư châu Á.
Không chỉ vậy, năm 2009, công trình Genetic 'map' of Asia's diversity (Bản đồ gen về sự đa dạng sinh học dân cư châu Á), của Liên minh SNP Pan-Asian thuộc Tổ chức bộ gen người (HUGO), tập hợp 90 nhà di truyền hàng đầu châu Á, giải trình tự 2000 bộ gen châu Á (hơn sáu lần quy mô khảo cứu của Vinmec) đã khẳng định:
“Dân cư khắp châu Á giống nhau về mặt di truyền. Kiến thức này sẽ hỗ trợ các nghiên cứu di truyền trong tương lai ở lục địa và giúp thiết kế các loại thuốc để điều trị các bệnh mà dân cư châu Á có thể có nguy cơ cao hơn. Và việc phát hiện ra di sản di truyền chung này, ông nói thêm, là một "thông điệp trấn an xã hội ", rằng "đã xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc từ những hỗ trợ sinh học"”.(5)
Từ hơn 10 năm trước, trong cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (6), bằng tri thức di truyền học, cổ nhân chủng, khảo cổ, văn hóa và lịch sử, chúng tôi đã phát hiện: dân cư Việt Nam được hình thành theo hai lớp. Ban đầu, người Australoid từ Việt Nam đi lên, tạo thành dân cư Hoa lục. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt hòa huyết với người North Mongoloid sinh ra người Mongoloid phương Nam. Sau đó, người Mongoloid phương Nam từ Hoa lục trở về chuyển hóa di truyền dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: phải chăng một số lượng lớn người từ Hoa lục tới, thay thế người bản địa, làm nên dân cư Việt Nam? Di truyền học cho câu trả lời dứt khoát: Không! Bởi lẽ nếu sự thay thế diễn ra thì người Việt Nam hiện nay phải là con cháu của người Hán. Kết quả tất yếu: người Việt Nam phải có độ đa dạng sinh học thấp hơn người Hán. Nhưng các khảo cứu cho thấy người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất châu Á, chứng tỏ không hề có sự thay thế dân cư Việt Nam bằng người nông dân Trung Quốc. Sự việc đã diễn ra theo luật chuyển hóa di truyền: một lượng nhỏ người từ phương Bắc xuống chung sống lâu dài, đem gen Mongoloid chuyển hóa dần dân cư bản địa sang chủng Mongoloid phương Nam. Di chỉ Mán Bạc Ninh Bình với nghĩa địa có 30 di hài người Australoid và Mongoloid, xác nhận việc này. Sự thật dòng giống và lịch sử cho thấy: người Việt và người Hán cùng một chủng trong đó người Việt là tổ tiên của người Hán.
Đúng như lời PGS Đồng Văn Quyền, phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN trên báo Tuổi trẻ: “Con số 305 bộ gen chưa có ý nghĩa nhiều về khoa học, chưa đủ để thu được những thông tin mong muốn.” Do vậy, những kết luận nêu trên của nhóm nghiên cứu là thiếu cơ sở, gây ngộ nhận đáng tiếc cho cộng đồng.
Ở đây có vấn đề nhạy cảm cần hết sức lưu ý. Hàng nghìn năm, người Trung Quốc cho họ là con trời, còn Việt Nam là giống man di bán khai. Nay khoa học thế giới phản bác điều này, xác nhận toàn bộ người châu Á cùng một chủng, thì Vinmec cho rằng người Việt và người Hán có gen di truyền khác nhau phải chăng thừa nhận người Việt là chủng tộc man di khác với người Hán? Ai cấm được những cái đầu dân tộc cực đoan Đại Hán lợi dụng công bố này của chính người Việt để xúc phạm dân tộc chúng ta?!
Nếu nghiêm túc theo tinh thần khoa học, việc Vinmec cần làm lúc này là rút lại tuyên bố sai lầm của mình và xin lỗi cộng đồng.
                                                                                                                 Sài Gòn, Thu 2019
Tài liệu tham khảo.
1.       Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, H. 2011)
2.       Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN, H. 1983)
3.       Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China - Sino-Platonic Papers
sino-platonic.org/.../spp175_chinese_civilization_agricultur
4.       S.W. Ballinger et al. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of
5.       Genetic 'map' of Asia's diversity. http://news.bbc.co.uk/2/hi/8406506.stm
6.       Hà Văn Thùy. Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. (NXB Văn học, H. 2006)