Phê bình bài “Khảo sát chuyện Ngũ Đế phía nam vỗ về Giao Chỉ”*




Dẫn nhiều tư liệu, tác giả Tống Hội Quần cố chứng minh: “Không có địa danh Giao Chỉ mà chỉ có giống người Giao Chỉ man di ở phương Nam, từng được các hoàng để Trung Hoa vỗ về.”
Chúng tôi xin thưa lại đôi điều:
1.       Về thuật ngữ “giao chỉ”
Theo chúng tôi hiểu, “giao” có nhiều nghĩa nhưng trong tập hợp này, nó có nghĩa là “giao giới.”Trong khi đó, “chỉ” có nghĩa là “chỉ giới.”Vậy “giao chỉ”là ranh giới, hẹp là giữa hai mảnh đất còn rộng, là giữa hai quốc gia. Ranh giới Trung Hoa được xác lập bằng bốn điểm xa nhất theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó biên địa phía Nam được gọi là Nam Giao, cũng gọi là Giao Chỉ. Theo thông lệ, sau khi lên ngôi, hoàng đế Trung Hoa sai quan mang bản đồ kinh vĩ tới bốn điểm xa nhất theo bốn phương để kiểm tra, xác định chủ quyền, vẽ lại bản đồ quốc thổ. Ban đầu có thể vị quan đó đóng cột mốc để định vị. Nhưng sau thấy biên giới thường xuyên được nới ra nên các mốc chủ quyền chỉ là tạm thời. Mặt khác, không ít trường hợp dân vùng bị chiếm nổi dậy, dựa vào cột mốc đòi lại đất cũ khiến triều đình khó xử nên sau không đóng cột mốc, không xác định “giao chỉ” nữa mà chủ trương: “Dân tới đâu thì nước tới đó.” Do vậy, “giao chỉ”được coi như cột mốc di động dịch chuyển theo sự mở rộng của vương triều. Vào thời Nghiêu, Thuấn, kinh đô ở vùng Bồ Phản Sơn Tây nên có lẽ “giao chỉ” nằm ở Trung bộ Hà Nam. Quốc gia luôn được mở rộng, nên “giao chỉ” là vùng mới chiếm được của người Tam Miêu, Cửu Lê, dân chưa tuân phục, thường nổi lên chống lại. Vì vậy, Nghiêu, Thuấn vừa phải đánh dẹp (dẹp Tam Miêu, đầy đi tam phục, ngũ phục – kinh Thư) vừa vỗ về dân chúng. Có thể trong những cuộc tuần du, Nghiêu Thuấn tới trung bộ Hà Nam, vừa đánh dẹp vừa phủ dụ dân vùng “giao chỉ” biên địa. Phải tới đời Thương, Bàn Canh mới chiếm được đất An Dương của người Việt. Điều này cho thấy, ghi chép trong Thượng thư là thật. Thời Xuân Thu, “giao chỉ” còn ở trong địa vực nước Sở, Bắc Dương Tử. Theo đà bành trướng lãnh thổ, “giao chỉ” ngày càng lui dần xuống phía Nam. Chỉ tới thời Hán Vũ Đế, nhận thấy biên địa đã quá xa, không còn mở thêm được nữa mới đóng cái cột mốc xuống châu thổ sông Hồng, tạo nên địa danh cố định Giao Chỉ duy nhất trong đế quốc. Các sử gia thời sau chỉ thấy địa danh “Giao Chỉ” ở Việt Nam, lại không suy xét kỹ mà máy móc theo sách cổ “Phía Nam Giao chỉ có Việt Thường thị…” nên viết liều “Việt Thương thị miền Cửu Chân.”
2.       Về giống dân “giao chỉ.”
Do vô minh, không biết tổ tiên là ai nên người Hán tự cho mình là tộc người thượng đẳng còn xung quanh là man di. Trong ám ảnh của tư duy bệnh hoạn ấy, lại không hiểu ý nghĩa của “giao chỉ”nên họ tưởng tượng ra “giao chỉ”là giống người quái dị, “nằm quay đầu vào, hai chân chéo nhau…”Cũng có khi cho “giao chỉ” là giống người “có hai ngón chân cái tẽ ra và giao với nhau…”Đó là chuyện ấu trĩ của ngày xưa, chả chấp làm gì! Nhưng hôm nay, giữa thời đại @, thời đại DNA xác định toàn bộ dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam, mà còn tin vào chuyện tầm phào nhảm nhí đó thì tác giả họ Tống dù vì bất cứ lý do nào cũng tỏ ra quá coi thường người đọc và trước hết tự xem nhẹ phẩm giá học thuật của mình.
3.       Về những dẫn chứng khảo cổ học.
Để tỏ ra “khoa học,”ông Tống Hội Quần dẫn ra khá nhiều bằng chứng khảo cổ học để chứng minh “ảnh hưởng từ Trung Nguyên xuống phía Nam.” Tuy nhiên do không hiểu bản chất của những di chỉ khảo cổ đó khiến cho tác giả rơi vào thảm cảnh “gậy ông đập lưng ông.”Do kiến thức nửa vời, chắp vá nên ông không hiểu rằng, những di chỉ khảo cổ mình dẫn ra là những nền văn hóa đá mới do người Lạc Việt sản sinh trước khi Hiên Viên, thủy tổ dân Hoa Hạ ra đời. Không những thế, tuổi của các di chỉ cho thấy chiều hướng chuyển dịch văn hóa từ phía Nam lên. Ông cũng không biết rằng, năm 2016, sau 80 năm khai quật và khảo cứu văn hóa Lương Chử, các học giả hàng đầu Trung Quốc tuyên bố thông tin gây chấn động: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Hoa!”Vâng, văn hóa Lương Chử của người Lạc Việt, những người “man mọi,” 7000 năm trước sinh ra lứa con bây giờ được gọi là người Hán!
        4. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những văn bản Trung Hoa hiện đại liên quan tới lịch sử văn hóa Việt Nam đều chỉ mượn “nước vỏ lựu, máu mào gà” học thuật để truyền bá chủ nghĩa bá quyền Đại Hán nhằm xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam, xúc phạm dân tộc Việt Nam, kìm hãm người Việt trong vòng ngu dân. Do vậy, khi dịch tài liệu Trung cộng phải hết sức cảnh giác. Bên cạnh bản dịch cần có ý kiến phản biện, vô hiệu hóa những ý đồ độc hại được cài cắm trong đó. Nếu không, vô hình trung người dịch trở thành cái loa quảng cáo không công cho nọc độc bá quyền Trung cộng.
                                                                                                                       
                                                                                                                Sài Gòn, cuối Thu 2019

*Nguyên tác tiếng Trung: Tống Hội Quần, giảng viên Khoa Du lịch của Học viện Thiều Quan tỉnh Quảng Đông *Dịch và chú thích tiếng Việt: Tích Dã
https://nghiencuulichsu.com/2017/10/02/khao-sat-chuyen-ngu-de-phia-nam-vo-ve-giao-chi/