SỰ KHỦNG HOẢNG CỦA TRÍ TUỆ PHƯƠNG TÂY




Tương truyền, sau khi Sokrates qua đời, học trò của ông ở thành Athena dựng bức tượng thầy trên một mỏm đá mặt nhìn ra biển Egea, hai tay giơ cao, mỗi tay cầm một bó đuốc. Bó đuốc trên tay phải khắc chữ wisdom. Trên tay trái là bó đuốc có chữ Logos. Hai bó đuốc tỏa sáng như ngọn hải đăng dẫn lối cho người Hy Lạp và cả phương Tây bước đi dưới ánh sáng của Minh triết và Thần ngữ.
Nhưng rồi vào lúc nào đó, bó đuốc trên tay phải tắt ngấm, chỉ còn lại bó đuốc trên tay trái. Tin ở người dẫn lối thông tuệ, 2500 năm phương Tây mải miết theo con đường triết học duy lý. Thơ ca, âm nhạc, hội họa bị khinh rẻ đuổi khỏi diễn đàn, chỉ còn những triết gia kinh viện ngự cao vời trên đỉnh Olimpia, mài sắc lưỡi cùng ngòi bút để triết lý về những điều tưởng chừng cao siêu, nhưng nói như Voltaire: “ (Triết học) chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người.”
 Trong cuốn sách mang tên Đại thiết kế (The Grand Design-2010), Stephen Hawking khẳng định: Triết học đã chết- Philosophy is dead! Điều này không bất ngờ, vì đó chỉ là sự khái quát ở mức cao hơn một nhận định trước đó, có hơi hướng mỉa mai, cũng của chính ông trong cuốn sách rất nổi tiếng khác – Lược sử thời gian (A Brief History of Time - 1988) , rằng: nhiệm vụ còn lại của Triết học chỉ là trò phân tích ngôn ngữ! Tuy nhiên không phải S. Hawking là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này. Hơn trăm năm trước, Nietzsche (1844 – 1900) từng cảnh báo: “Hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với môt dòng tư duy sáng sủa. Huyền niệm tượng trưng bằng thần Dyonisus. Còn thần Apollo có tên là sáng láng, thần của ánh hào quang, của hình thức với những đường cong rõ rệt.” “cái hồn ấy bị Socrates bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng nên Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm bởi năng khiếu biện l‎ý đã được vun tưới đến mức cực đoan nên đã cắt đứt với dòng truyền thống”(1) 
Trong thời điểm triết học đang cực thịnh mà nói như vậy quả là chuyện báng bổ. Nhưng Nietzsche không  cô độc vì sau ông còn có Karl Jaspes (1883 – 1969): “Thời Trục là thời giàu về tinh thần đến tột bực, còn thời ta tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt tinh thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca.” Ông hô hào phải “trở lại những giá trị Thời Trục là thời đã tạo dựng những giá trị truyền thống. Đó là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ nhân loại.” (2)
Triết gia thứ ba là Martin Heidegger (1889 – 1976) cho rằng “nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ tính thể thành hiện tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì nói về tính thể u linh, thì Triết học Cổ điển chuyển thành hữu thể, là vật thể tầm thường. Do vậy, Heidegger cho rằng Triết Cổ điển là thiếu căn cơ, tức thiếu nền tảng.”
“Tóm lại, ba triết gia Nietzsche, Jaspes, Heidegger nhận ra rằng, vì những sai lầm của các bậc tiền bối Socrates, Plato, Aristotle mà Triết cổ điển phương Tây bị cắt đứt với truyền thống tâm linh, tức cội nguồn Minh triết của nhân loại, trở thành duy lý, dưới hình thức một tri thức luận, một lĩnh vực chuyên môn nên không có ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống. Bởi lẽ, đời sống có tính cách toàn diện chứ không chỉ giới hạn ở lý trí. Sống đòi hỏi không chỉ có suy tư mà còn biết cảm xúc cũng như cả hành động tiến tới hiện thực. Sau khi tách rời khỏi Minh triết, Triết học không còn đóng nổi vai trò hướng đạo cuộc sống. Trong khi đó, con người vẫn cần phải sống, cần phải được dẫn dắt. Nhưng vì thiếu Minh triết nên người ta phải tạm “xài đỡ” đạo lý đời thường (common sense).  Đó chính là nguyên nhân của tình trạng ngộ nhận giữa Minh triết, Triết học, đạo lý đời thường cùng nhiều thứ khác...”(3) Do vậy, trở về Thời Trục để tìm lại Minh triết trở thành yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên tìm về minh triết lại là bi kịch của trí tuệ phương Tây. Một công việc vô tăm tích như “đi tìm thời gian đã mất” hay như người mất trí nhớ đi tìm lại nguồn cội của mình. Không gì bi hài hơn nếu ta lần theo vết chân của François Jullien, một triết gia hàng đầu đương đại:
“Ở châu Âu hiện nay, từ "sagesse" mà chúng tôi dịch là Minh triết có một nghĩa xấu, tuy vậy người ta có thể hiểu nó theo nghĩa xấu mà cũng có thể hiểu nó theo nghĩa tốt. Về nghĩa xấu thì tiêu biểu là ý kiến của triết gia Wittgenstein (triết gia Anh, gốc Áo), cho rằng "minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". Sau đây là một loại ý kiến đánh giá về Minh triết hiện nay: "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó". Đấy là một ý kiến rất coi thường Minh triết. Như vậy, "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống". Trong khi đó Triết học có cái đà của nó, có lửa nhiệt tình của nó. Minh triết khác với Triết học là ở chỗ đấy. Minh triết đi đến chỗ tiêu tan, nguội lạnh. Nhưng ngược lại, Voltaire lại cho rằng Triết học chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người. Voltaire là người đơn độc, ông không có hậu thế để tiếp tục ý kiến của mình. Như vậy vấn đề hiện nay là có hai cách đánh giá về Triết học, về Minh triết: Minh triết che đậy sự sống, còn Triết học thì xuyên tạc sự sống.
Cũng có hai cách đánh giá khác về Minh triết, về Triết học. Có một ý kiến cho rằng Minh triết là trên Triết học, còn có một ý kiến khác nói Minh triết là dưới Triết học. Cách đánh giá Minh triết trên Triết học có từ trước Plato, tức là người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết, là người yêu chuộng Minh triết… Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển.
Minh triết có một nhược điểm là không có lịch sử còn Triết học thì có lịch sử, nhiều lịch sử. Một bậc Hiền giả, một người Minh triết có thể có lịch sử nhưng sự phát triển của Minh triết không có lịch sử. Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy. Như vậy, Minh triết đã không được kiến tạo một cách lịch sử cho nên người ta đặt vấn đề tìm hiểu vị trí, vị thế chính thức của nó.” “Châu Âu chỉ còn giữ lại được của minh triết những đống đổ nát hay đôi mảng lớn cô lập: Pyrrhon, Montaigne, các nhà khắc kỷ chủ nghĩa”.
“Tóm lại, về Minh triết thì tôi cho rằng nó là hạ tầng của Triết học. Nhiệm vụ xây dựng Minh triết hiện nay là phải tạo ra những khái niệm cho mình, dùng những khái niệm đó để suy nghĩ những vấn đề mà Triết học bỏ rơi hay Triết học chưa nắm bắt được. Về vấn đề thở thì Minh triết phải tìm ra những khái niệm để diễn đạt, đào sâu hoạt động thở, tìm ra kết cấu của nó và tạo ra những khái niệm. Như vậy, Minh triết phải tạo cho mình những khái niệm.
- Bây giờ, Minh triết cũng phải quan tâm đến mối liên hệ với chính trị, tức là tạo cho nó một cái gì đấy của nó.
- Còn Minh triết ở Trung Quốc trong quan hệ với chính trị thì như thế nào? Trong quan hệ với chính trị, Minh triết ở Trung Hoa cổ không có một lập trường xác định. Tuy bên trong là ngay thẳng nhưng bên ngoài đối với chính quyền thì mềm dẻo, từ mềm dẻo đi đến chỗ luồn cúi, không có lập trường. Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường. Lập trường là thế nào? Tức là mình phải có quan điểm của mình. Vấn đề đó rất quan trọng, nhất là để hiểu những nhà Minh triết Trung Quốc cổ như thế nào và nó ảnh hưởng đến trí thức Trung Quốc hiện nay như thế nào.
- Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm… Đấy là đề nghị của tôi đối với công việc của Minh triết.(5)
Sự đời, muốn tìm cái gì đó thì trước hết phải biết cái mình cần tìm là gì. Nếu không thì chuyện tìm kiếm sẽ là tìm kim đáy bể hay kiếm cá ngọn cây! Từ trích dẫn trên, ta thấy vấn nạn ở phương Tây là sự thay đổi quan niệm về minh triết và triết học xảy ra từ Plato. “Trước Plato người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết, là người yêu chuộng Minh triết…Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển.” (5)
Câu dẫn trên hoàn toàn tư biện. Minh triết là sản phẩm hình thành từ xa xưa trong hoạt động xã hội của con người rồi bằng cảm nhận của mình, con người thế hệ sau phát hiện ra. Minh triết không là vật thể sống, không biết tư duy nên làm gì có chuyện tự nhận mình là thần thánh, nắm được tất cả, để rồi mất tất cả?! Đấy là lỗi của các triết gia đã gán cho minh triết những “tính nết” nó không hề có để rồi coi thường, kinh rẻ nó. Gán cho minh triết những phẩm tính tiêu cực cũng có nghĩa là rấp bỏ con đường đi tìm lại nó. Để tìm lại minh triết, công việc đáng lẽ phải làm là, tra vấn vì sao con người thời tiền Plato vốn “nhân chi sơ tính bản thiện” lại “cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và là trí tuệ của thần thánh?”Nghĩa là phải trả lời câu hỏi: vì sao minh triết cao hơn triết học? Vì sao minh triết lại là trí tuệ của thần thánh? Từ đó giải mã bí mật của minh triết, ngõ hầu tìm ra bản chất của minh triết, cội nguồn của minh triết để rồi nuôi dưỡng nó, làm giầu thêm sự khôn sáng của con người.
Trái với cách làm đó, học giới phương Tây áp đặt cho minh triết những thuộc tính mà nó vốn không có để rồi đưa ra quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó", "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống…"
Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, Minh triết (明悊) thì Minh () là sáng mà Triết () cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Triết () còn nghĩa khác là trí tuệ. Minh triết là trí tuệ sáng láng. Theo cách giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng!
 F. Jullien còn cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy.”Quan niệm như thế cũng trái với phương Đông. Thực tế phương Đông cho thấy Minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu muộn nhất khoảng 15.000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Nhà thực vật học người Mỹ Paul C. Mangelsdorf đã nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi sự hoang dã, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân. Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi những người vô danh trong dân gian, được nạp vào bộ nhớ dân gian làm nên văn hóa. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bền vững, thành phẩm chất di truyền (Phenotype) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung vào trầm tích văn hóa. Vì vậy, ở phương Đông, “Minh triết là những điều khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng văn hóa dân tộc.”
Hàng nghìn năm phương Tây đinh ninh cho rằng triết học = tình yêu minh triết (Phylosophia) nhưng đó là trò chơi chữ vô nghĩa. Một sự ngộ nhận chết người. Do quan niệm như thế nên người ta hy vọng rằng, khi đi tới cùng của triết học sẽ gặp minh triết. Sự thực đã không như vậy. Minh triết là minh triết mà triết học là triết học. Hai cái chẳng quan hệ gì với nhau, nếu không muốn nói là kẻ thù của nhau nên chẳng hề có chuyện “yêu đương” gì ở đây! Trong khi trường phái Pythagoras dung hợp ánh sáng mờ ảo tâm hồn, tâm linh của thần Opheus với ánh sáng trí tuệ minh nhiên của thần Apollo thì triết học đuổi thơ ca, hội họa, âm nhạc ra khỏi diễn đàn để duy nhất tôn vinh lý trí. Do vậy, cái cây triết học mọc trên mảnh đất cằn tư biện trở nên tiên thiên bất túc. Hãnh tiến với vai trò độc tôn của mình, nó không hề biết tới minh triết. Suốt 2500 năm phương Tây đã ngộ nhận, đã tự lầm lạc vì trò chơi chữ của mình. Không phải là tình yêu minh triết mà trái lại, triết học là kẻ thù, là kẻ hủy diệt minh triết: Triết học = Antisophia!
F. Jullien nói: “Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định” và “Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.” Không ngờ một nhà Hán học thời danh mà lại hồ đồ đến thế. Thực tế không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền vương đạo, không chịu bàn đến lợi của các vương hầu mà những cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Khuất Nguyên can vua không được mà tự trầm. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất là trường hợp bốn anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc. Sau khi ba người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng ”Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ“ không được chấp nhận thì cáo quan, hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì bất đắc chí... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nề của phong kiến thế tập châu Âu Trung cổ, đã từng mơ ước về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép “đuổi nó đi!“ Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức!
 F. Jullien còn nói: “Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn.“ Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa đến mức coi thái hòa là chủ đạo của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông“. Phương Đông không can thiệp “ngang xương“ vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết vào sự việc cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách tự nhiên, nhi nhiên.
Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan niệm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: “Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...“ theo tôi là xui dại. Minh triết là... minh triết, có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dưới dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Ông Mác nói chí lý: “Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài“. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Minh triết là hòn đá thử vàng, chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng của chính thể. Và đó là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Đức Phật dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” có biểu hiện thái độ chính trị không? Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó chỉ là cái bóng mờ của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng.
Hơn 2000 năm trí tuệ phương Tây bay trên hai cánh: khoa học và triết học. Triết học được tôn xưng là khoa học của khoa học, với những trường phái kế tiếp nhau bằng nhiều tên tuổi lẫy lừng, trở thành niềm tự hào của phương Tây và là vũ khí trí tuệ siêu việt thống trị phần còn lại của thế giới. Nhưng nay Triết học đã chết! Trí tuệ phương Tây chỉ còn phiêu diêu trên đôi cánh duy nhất là khoa học. Nhưng nền khoa học không có minh triết có nghĩa là không có trái tim, không có tâm hồn. Một nền khoa học mù lòa như vậy sẽ đưa nhân loại tới bờ hủy diệt.
Sau 2500 năm, có gã hiếu kỳ tới thăm pho tượng của Socrates bên bờ biển Egea. Gã nhận ra, hai ngọn đuốc trên tay ông được nối vào hai bể dầu nằm sâu trong trầm tích của văn minh Hy Lạp. Bể dầu thông với ngọn đuốc bên trái vừa khô cạn. Trong khi cái bể thông với ngọn đuốc bên phải thì từ lâu cạn khô trơ đáy nông choèn. Rồi gã chép miệng: không phải tại Socrates! Sự lạc đường của Hy Lạp là do nguồn Wisdom trong văn minh của họ quá nghèo!    
                                                                                               Sài Gòn, Xuân 2019

Tài liệu tham khảo.
1,2,3. Kim Định, Triết Lý Giáo Dục. http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
4. François Jullien. Bàn Về Minh Triết. http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm