82 năm trước, trên Tuần báo Sông Hương do mình chủ trương, học
giả Phan Khôi đăng bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (1). Trước
đây không biết tới bài này nên chúng tôi đinh ninh Đào Duy Anh là người thứ hai
phạm tội lớn báng bổ Tổ tiên sau Ngô Thì Sỹ. Nhưng mới đây, nhờ ông Phan Nam
Sinh, con trai tác giả chỉ dẫn, chúng tôi mới biết phạm nhân thứ hai của vụ án
văn tự này chính là Phan Khôi. Đọc 1616 chữ của bài báo, chúng tôi thấy tác giả
mắc những sai lầm nghiêm trọng sau:
1. Phê bình lịch sử theo quan niệm phi
lịch sử.
Ông Phan Khôi viết: “Mở
sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất
Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả. Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của
nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối
với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải;
cớ sao lại tôn là vua của bản quốc và
cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?”
Đoạn trích cho thấy, theo tác giả, lý do quan trọng nhất dẫn
đến việc trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt vì Triệu Đà không phải người Việt.
Quan niệm như thế là phi lịch sử, trái ngược với phương pháp luận của khoa học
lịch sử. Khoa học lịch sử cho rằng, lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng
đồng người trong quá khứ. Như vậy, lịch sử không phải là việc của một cá nhân
mà là sự nghiệp của cả một đất nước. Khi làm vua, giữ quyền lãnh đạo
đất nước thì ông vua ấy – bất kể là ai vì “được làm vua thua làm giặc”- không
còn là một con người cá thể mà gắn chung vận mệnh với đất nước, với thần dân dưới
quyền cai trị của ông ta. Mặc nhiên người đó cùng triều đại của mình được ghi
trong chính sử. Không thừa nhận ông vua ấy, tức là không công nhận triều đại của
ông vua ấy cũng có nghĩa là phải xóa bỏ một giai đoạn trong lịch sử của đất nước.
Đấy là chuyện vô lý nên không bao giờ diễn ra trong lịch sử nhân loại (Ngoại trừ
Việt Nam). Do sự hiển nhiên như thế nên chúng ta từng chứng kiến Nữ hoàng được
tôn vinh là vĩ đại của nước Nga Ekaterina II (1729 – 1796) là một người Phổ. Trịnh
Quốc Anh ( 1734 – 1782), một người nhà
Minh tỵ nạn có công giải phóng Xiêm La khỏi quân xâm lăng Miến Điện, trở thành
vua Xiêm với họ Taksin. Trần Hữu Lượng (1320-1363) là con của hàng thần người
Việt Trần Ích Tắc nổi lên chống quân
Nguyên rồi làm Hoàng đế Đại Hán trong ba năm (1360 – 1363). Biết rằng,
bên Trung Hoa, hai triều đại ngoại bang là Nguyên, Thanh thống trị nhưng khi giải
thích chuyện này, ông Phan Khôi biện bạch khá ngộ: “Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc
họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy
nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách”! Đấy quả là cách nói lấy được: việc đã rồi
nên phải chấp nhận! Còn nếu đúng theo quan điểm dân tộc thuần khiết của ông thì
phải đẽo bỏ hai triều đại này khỏi lịch sử Trung Hoa!
2. Một quan niệm lịch sử ấu trĩ méo mó.
Đánh giá một nhân vật lịch sử, khi nhân vật đó là bậc đế
vương dựng nước là chuyện hệ trọng bởi nó quyết định xu hướng lịch sử của một
dân tộc, liên quan tới vận mệnh của dân tộc. Nhớ câu ca: Có công có đức dân thờ/ bất nhân dân đái trôi mồ thối xương! Đái hay thờ là tiêu chí cao nhất để đánh
giá một nhân vật lịch sử. Sử gia thận trọng sẽ xét xem nhân vật lịch sử
mình đang khảo sát được thờ hay bị đái? Không chỉ dựa vào thư tịch mà chính là
nhìn vào những đền miếu không ngớt khói hương của những dân ấp dân lân vô danh
kính ngưỡng mà Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên đánh giá Triệu Đà. Cũng cái nhìn tinh tế
ấy, các vị dành cho Sỹ Nhiếp. Tại sao lại gọi là Sỹ Vương dù ông chưa một ngày
làm vua? Vượt qua cái sự thực cụ thể mà ai cũng nhìn thấy đó, những sử gia có
tâm và có tầm của chúng ta hiểu rằng, trong hoàn cảnh của mình, Sỹ Nhiếp muốn
xưng vương dễ như lấy món đồ trong túi. Nhưng ông đã không làm bởi biết rằng,
sau sự thỏa mãn danh vị hư ảo, sẽ là chiến tranh, là đổ máu. Không chỉ sinh mạng
mình cùng gia đình khó toàn mà chúng dân bị sa vào cảnh lầm than! Không xưng
vương chứng tỏ cái tâm cái chí cái khí lớn lao của Sỹ Nhiếp. Dân mang ơn ông vì
lẽ đó. Do vậy, tôn xưng Sỹ Vương là sự đánh giá tuyệt vời chính xác, bởi sử gia
đã đạt tới cái hồn của Sử mà người tầm thường không thể hiểu được! Khi phê phán
các sử gia Trần, Lê trong việc đánh giá Triệu Đà chính là ông Phan Khôi đã đo
vũ trụ bằng cái ni tấc hạn hẹp của mình.
Khi viết: “Nói cho ráo
lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục
Phán. Vì ông này chẳng rõ hương quán ở
đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại
Loa Thành , đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận
đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống
khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một
miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam,” ông Phan
Khôi thể hiện cách nhìn lịch sử nông cạn và méo mó. Khi nói “An Dương vương dấy
lên giữa chúng ta” còn “họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất
khác” chứng tỏ ở vị học giả này tri thức về lịch sử quá lệch lạc. Xin hỏi: “giống
khác” là giống nào? Từ xa xưa đất ấy là Lưỡng Việt, nơi sinh sống của một bộ phận
Bách Việt, cùng đồng bào máu đỏ da vàng sao lại khác giống? Mặt khác, ông chỉ
hiểu “nước ta” trong biên giới hiện tại, sau Hiệp ước Pháp Thanh. Ông quên rằng,
trước đó, nước ta là Xích Quỷ “phía Bắc đến hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục,
Đông giáp Biển Đông...”Nước ta cũng là Văn Lang mênh mông phía Nam Dương Tử để
đến khi Hai Bà Trưng phất cờ thì 65 thành trì đồng tâm hưởng ứng. Trong đất nước
của Tổ tiên rộng lớn như vậy, thì việc đóng đô ở Phiên Ngung, nơi trung tâm đất
nước là phải lẽ. Khi viết: “Còn hai tỉnh
Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ…” ông Phan Khôi càng
tỏ ra bất cập trong sự kỳ thị chủng tộc vô lối. Đất đó là một phần máu thịt của
dân tộc Việt còn ghi dấu trong câu ca “Gió
Động Đình mẹ ru con ngủ/ Trăng Tiền Đường sáng đủ năm canh…” Đó cũng chính
là nơi có Thiên Đài, Đế Minh lên tế cáo Trời đất, nơi có cánh Đồng Tương để những
người con của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ gặp nhau… những nơi thiêng liêng
trong tâm khảm người Việt, sao lại nỡ coi là “đất của mọi rợ”?
3. Sự thực Triệu Đà là người Việt!
Trước đây, dựa vào thư tịch Trung Quốc, ta chỉ biết Triệu Đà
người Hán huyện Chân Định. Nhưng nay, từ những khám phá mới về sự hình thành
dân cư phương Đông, ta được biết, hàng vạn năm trước, người Lạc Việt từ Việt
Nam đi lên khai phá Hoa lục. Một nhánh lên phía Tây Trung Quốc thành những bộ tộc
Tày Thái. Một dòng Tày Thái đi lên vùng đồng cỏ, chuyển sang lối sống du mục,
trở thành những bộ tộc Tần (2), cội nguồn của họ Triệu. Theo truyền thuyết, thủy
tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp
Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích
là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu
Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính.
Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, tới đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp
Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là
Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng hiệu Trạch
Cao Lang sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh
Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại
phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước
Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời
Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.
Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời
của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh.
Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng
theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn
Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các
đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một
trong Lục khanh.
Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay
các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi
là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn
Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay
ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững
thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453
TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí. Năm 437 TCN, Tấn Ai
công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã
bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì
đối với 3 nhà này. Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận
sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước
chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[3]
Do người Triệu là một
dòng của bộ tộc Tần nên nước Triệu cũng là một quốc gia của người Việt. Cố
nhiên, Triệu Đà là người Việt. Khi Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà lúc này khoảng
20 tuổi, xung lính nhà Tần, đi xuống miền Giang Nam. Tại đây dần dà ông làm tới
huyện lệnh huyện Long Xuyên. Khi nhà Tần sụp đổ, ông lập nước Nam Việt. Là quan
chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm
nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên
ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn
toàn chính thống. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì Nam Việt thuộc
Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi
sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng.
Đương nhiên nhà Triệu tiếp nối thể thống các triều đại của tộc Việt từ Xích Quỷ
qua Văn Lang, Âu Lạc…(4)Từ tri thức di truyền học, nhân chủng học và khảo cổ học
mới nhất cho thấy quá trình hình thành dân cư trên đất Việt Nam như sau:
70.000 năm trước, người Việt cổ mã di truyền
Australoid được sinh ra trên đất Việt Nam. 40.000 năm trước, người Việt đi lên
khai phá Hoa lục. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ,
hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid, cũng từ Việt Nam đi
lên) sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số,
trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ
phương Bắc chiếm Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Người Việt chủng
Mongoloid phương Nam chạy về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân
cư Việt Nam và Đông Nam Á từ Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ
2000 năm TCN toàn bộ dân cư Việt Nam thuộc chủng Mongoloid phương Nam, được gọi
là người
Việt hiện đại, chính là chúng ta hôm nay. Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng
sông Hồng hình thành, người Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử tập trung về
khai phá. Những dòng người cùng chủng tộc, tiếng nói và văn hóa gặp gỡ nhau, tạo
thành sắc dân mới, được gọi là người Kinh. Khi nhà Tần diệt nước Thục,
con cháu vua Thục là Thục Chế, Thục Phán vốn là người Việt, chạy về Việt Nam ở
nhờ đất vua Hùng. Sau đó lãnh đạo dân chúng đánh thắng quân Tần, diệt vua Hùng,
lập nước Âu Lạc. Đến lượt mình, Triệu Đà diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc
vào Nam Việt. Tiếp sau, dòng tộc của Lý Bôn, Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lý, nhà Trần…
cũng là người Việt từ phương Bắc trở về cùng đồng bào của mình xây dựng đất nước
Việt Nam.
Kết luận: Một con
người chưa biết nguồn cội là con người chưa trưởng thành. Một dân tộc chưa xác
định được nguồn cội cũng là dân tộc chưa trưởng thành. Dù vì bất cứ lý do nào,
việc biến tổ tiên vĩ đại thành kẻ thù rồi trục xuất khỏi lịch sử là một tội ác
và là nỗi sỷ nhục của một dân tộc vô minh. Phải chăng mọi tai họa của dân tộc
trong hơn nửa thế kỷ qua bắt đầu từ sự đảo lộn luân thường đạo lý này? Do vậy,
công việc khẩn thiết của người Việt hôm nay là đấu tranh đòi trả lại công bằng
cho vua Triệu và xác lập vai trò chính thống của nhà Triệu trong lịch sử dân tộc.
Sài Gòn, 23 tháng 8 năm 2018
Tài liệu tham khảo
1.
http://bulukhin.blogspot.com/2014/08/thieu-vua-thua-vua.html
2.
Nhiều tác giả. Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử. NXB Hội nhà văn, H. 2017
3.
趙國
http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD
4.
Hà Văn Thùy. Góp
phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội nhà văn, H. 2016.