Do vai trò lớn lao của
giáo dục đối với sự tồn vong của dân tộc, nhiều người muốn có một triết lý giáo
dục cho đất nước hôm nay. Vì lẽ “ôn cố tri tân”, một câu hỏi nảy sinh:
Cha ông ta xưa có triết lý giáo dục không? Tuy nhiên, triết lý giáo
dục là khái niệm mới, không thể tìm được nguyên ngữ trong cổ thư. Do
vậy, ta chỉ có thể tìm một cách gián tiếp thông qua nội dung và mục đích giáo
dục của tiền nhân.
I. Nội dung và mục
đích giáo dục của người xưa.
Khi suy ngẫm về nền
giáo dục truyền thống ta thấy, nội dung dạy và học của người xưa gồm có ba ban:
Văn, Võ và Nghệ.
Ban Văn có: Nho, Y, Lý, Số.
Nho cố nhiên là chữ Nho, nhưng qua chữ Nho để học Tứ thư, Ngũ
kinh, Sử, Tử. Như vậy học Văn có nghĩa là học đạo Nho, đạo của thánh hiền.
Y là y hoc
Lý: Lý là Dịch lý và Địa lý. Học về hình sông, thế núi mà nội dung
quan trọng là phong thủy.
Số: là toán pháp.
Ban Võ gồm: Côn, Quyền, Kỵ, Xạ. Đó là bốn môn đánh côn, múa
quyền (võ thuật), cưỡi ngựa và bắn cung. Cố nhiên, ở cấp cao, được dạy về binh
pháp, kỹ thuật xây thành, phá lũy.
Nghệ là nghệ thuật: gồm cầm, kỳ, thi, họa. Học đánh cờ, âm nhạc,
thưởng thức thơ văn, bình thơ văn và làm thơ, viết văn. Họa bao gồm hình khối,
đường nét, màu sắc, biết thưởng thức vẻ đẹp của tranh và dạy vẽ tranh.
Ba ban với 12 môn học
này lại được đặt trên nền móng vững chãi của Ngũ thường: Nhân, Nghĩa,
Lễ, Trí, Tín.
Từ nội dung dạy và học
cùng thực tế đào tạo của nền giáo dục trong quá khứ, ta có thể suy ra mục đích
giáo dục của cha ông là đào tạo con người toàn diện. Toàn diện ở
đây, không chỉ là “văn võ song toàn” theo câu nói cửa miệng mà chiều sâu là đào
tạo người quân tử, những kẻ sỹ ưu tú của xã hội. Chính nền
giáo dục đó đã tạo ra những người biết tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ.
Có sự thực là lý tưởng
cao nhất của nhiều người đi học là để đi thi, làm quan với hấp lực của vinh
quy bái tổ, võng anh đi trước, võng nàng theo sau… Tuy nhiên, do số lượng
quan chức rất ít và qua thi cử nghiêm nhặt nên số người đỗ đạt làm quan quá nhỏ
so với số người đi học. Do hiểu thực tế này nên những người cố học để làm quan
không nhiều. Phần lớn các phụ huynh nhận thức rằng “nhân bất học bất tri lý”,
nên khi đưa con tới thầy học thường nói: “Xin cụ cho cháu ít chữ thánh hiền để
mong sau này cháu nên người.” Không ít người thực dụng hơn, cho con đi học để
sau này đọc được cái văn tự…
Qua những kỳ thi,
người đỗ được xếp vào ba bậc: Tú tài là người tài năng và ưu tú. Dù không được
làm quan nhưng cũng là kẻ danh giá trong cộng đồng. Cử nhân là người được cử ra
lãnh việc nước, tức làm quan. Bậc thứ ba là Tiến sỹ: kẻ sỹ được tiến cử lên vua
dùng.
Những người không đỗ
hay đỗ mà không làm quan, trở lại cộng đồng, làm người dân có học. Một bộ phận
khá lớn trong số họ trở thành thầy đồ, gõ đầu trẻ kiếm sống. Ta từng biết tới
những thày giáo nổi tiếng về đức độ với những lớp học trò hiển đạt. Một số khác
làm thày thuốc. Lê Hữu Trác là một người trong số này. Vốn từng làm tướng đánh
trận nhưng thất bại, cụ suy ngẫm sự đời, chuyển sang làm thuốc. Một số khác,
theo sở trường của mình, làm thày địa lý, thày bói.
Việc học ngày xưa được
thực hiện rất dân chủ. Người có chữ tự đứng ra mở trường, thu hút học trò trong
làng. Những ông thầy có tiếng thì học trò nơi khác tìm đến. Ý thức về việc học
của cộng đồng rất cao. Không chỉ ở tập quán tôn sư trọng đạo mà còn trở thành
nền nếp lâu bền trong xã hội. Làng, giáp có học điền dùng hoa lợi trợ giúp học
trò nghèo. Từng họ cũng có quỹ khuyến học giúp con em ăn học.
Người có học, dù đỗ
đạt hay không thì trong bụng cũng có ít “chữ thánh hiền” cùng với đạo lý
sống nhân nghĩa lễ trí tín. Theo tập quán, những vị này có “góc
chiếu trong đình”, được dân làng tôn trọng vì nói điều hay, làm phải lẽ. Những
người có học này trở thành những “hạt nhân minh triết” của cộng đồng. Do có
chữ, biết lý lẽ nên họ thường tham vấn cho dân quê trong những tranh chấp, kiện
tụng. Có khi ra tay, có khi giấu mặt, họ giúp cho dân làng chống lại đám cường
hào cậy quyền hiếp đáp người yếu thế. Nhờ vậy, trong mức độ nào đó, bảo đảm
được không khí dân chủ của làng xã. Nay ta say mê thưởng thức những câu ca dao,
tục ngữ và quen miệng nói rằng đó là sáng tác của dân gian. Nhưng dân gian là
ai? Chắc phần lớn là của những người có học này. Chẳng hạn câu ca Tháng
Tám có chiếu vua ra/Cấm quần không đáy người ta hãi hùng ban đầu hẳn
là của một ông đồ làm ra để châm biếm lệnh vua rồi sau đó lưu truyền trong dân.
Ta gặp ở nhiều địa phương có “tứ vật” là những tổng kết bằng chữ nho không chỉ
thâm thúy, chính xác mà có nhịp điệu dễ nhớ. Chẳng hạn như Thái Bình có Thụy
Anh tứ vật: “Vật du Kha Lý thị, vật thính Ô Trình ngôn, vật thú Diêm
Điền thê, vật giao Hổ Đội hữu.”Những sản phẩm như vậy làm nên văn hóa địa
phương. Trong xã hội cũ, ngoài trường học, các làng lại có văn chỉ là nơi những
người có học dùng để bình văn, thường có sự tham gia của những văn nhân nơi
khác tới. Đó là một thứ câu lạc bộ văn chương thời cổ, một sinh hoạt văn hóa
tỏa ánh sáng ra cộng đồng.
Qua nội dung và mục
đích giáo dục nêu trên, ta thấy, nền giáo dục truyền thống Việt Nam hay phương
Đông cổ có triết lý giáo dục rất rõ ràng: nhằm đào tạo con người
toàn diện về văn, võ và hiểu biết nghệ thuật trên nền của đạo lý nhân, nghĩa,
lễ, trí, tín.
II. Triết lý giáo dục
thời hiện đại
Nửa thế kỷ trở lại, do
hoàn cảnh lịch sử, trên đất nước ta có hai nền giáo dục với hai triết lý giao
dục khác nhau.
Tháng Năm 1945 vua Bảo
Đại tuyên bố độc lập. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời với Bộ trưởng Giáo dục
Hoàng Xuân Hãn. Trong vòng 100 ngày, Bộ Quốc gia giáo dục của chính phủ Trần
Trọng Kim đã ban hành một chương trình giáo dục vừa đậm tinh thần dân tộc, vừa
nhân bản và tiến bộ. Chương trình này tồn tại ở miền Bắc cho tới 1960.
Ở miền Nam,
chính phủ Việt Nam Cộng hòa kế thừa lịch sử văn hóa dân tộc từ xa xưa, không
tạo nên những đứt gẫy lịch sử nên mọi quan niệm về lịch sử, văn hóa, giáo dục
được duy trì theo truyền thống. Năm 1958, những nhà giáo dục hàng đầu của miền
Nam đề xuất triết lý giáo dục là Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng.
Về tiêu chí dân
tộc:
Dân tộc là tập hợp
những chuẩn mực khác nhau, được nhìn nhận khác nhau theo từng góc độ quyền lợi
của những thành phần khác nhau trong cộng đồng. Nhưng do cộng đồng được hình
thành từ lâu đời, gắn bó trong những lợi ích chung nên tạo thành khối thống
nhất. Do chính quyền miền Nam không thực thi những đảo lộn “cách mạng” mà duy
trì lịch sử văn hóa truyền thống nên lợi ích vật chất và tinh thần của mọi
thành phần trong cộng đồng được bảo tồn như đã có trong quá khứ. Do vậy, tiêu
chí dân tộc là tiêu chí thống nhất, nên trong cộng đồng không nảy sinh quan
niệm mâu thuẫn về dân tộc.
Nhân
bản:
Nhân bản là tiêu chí
nền tảng trong truyền thống văn hóa Việt. Đứng đầu trong Ngũ thường là Nhân. Do
vậy, tiêu chí Nhân bản đứng hàng thứ hai sau Dân tộc là phù hợp.
Khai
phóng:
Khai phóng là tự do,
là cởi mở, là giải phóng. Tiêu chí này rất cần với xã hội chưa phát triển và
khép kín như Việt Nam sau khi thoát khỏi ách thực dân và quân chủ.
Do chọn đúng triết lý
giáo dục, trong 30 năm tồn tại, miền Nam Việt Nam có một nền giáo dục tiến bô,
hòa nhập với thế giới văn minh đồng thời bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của
dân tộc và giữ được phẩm chất nhân bản của con người và xã hội.
Triết lý giáo dục ở
miền Bắc.
Năm 1943, Đảng Cộng
sản Việt Nam công bố Đề cương Văn hóa, trong đó đề xuất phương châm Dân
tộc, Khoa học, Đại chúng. Ba phương châm vận động cách mạng nêu trên
cũng có thể gọi là triết lý về văn hóa, giáo dục. Nó rất phù hợp trong giai
đoạn trước cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945. Trong hoàn cảnh bị thống trị của đế
quốc Pháp, yếu tố dân tộc được nhấn mạnh để đáp ứng yêu
cầu động viên, đoàn kết toàn dân chung sức chung lòng giải phóng đất nước.
Trong điều kiện đất nước còn lạc hậu lúc đó, tiêu chí khoa học cũng
rất phù hợp với lòng dân mong muốn đất nước phát triển đạt tới khoa học của thế
giới văn minh. Yếu tố đại chúng càng tỏ ra thích hợp vì
mục tiêu của giáo dục là hướng tới quảng đại quần chúng lao động nghèo khổ, là
động lực của cách mạng.
Sau khi giành được
chính quyền trên miền Bắc, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn duy trì triết
lý giáo dục trên. Tuy nhiên, lúc này xã hội miền Bắc có những biến chuyển sâu
sắc. Với cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất, khối đoàn kết dân tộc bị
phân chia thành những giai cấp đối kháng. Tiếp đó là chuyên chính vô sản được
xác lập, đưa giai cấp công nông lên địa vị thống trị xã hội. Các “tầng lớp
trên” trở thành đối tượng của cách mạng, bị tước những quyền cơ bản về vật chất
và tinh thần. Dân tộc cũng như lòng yêu nước là độc quyền của thành phần chính
thống.
Mặt khác, từ thập kỷ
1960, lịch sử Việt Nam cũng được viết lại theo quan điểm duy vật lịch sử của
chủ nghĩa Mác. Trong đó có ba vấn đề lớn được đánh giá lại:
1. Hồng Bàng thị bị loại khỏi chính sử. Triệu
Đà là giặc cướp nước, nước Nam Việt bị loại khỏi lịch sử Việt Nam.
2. Nhà Nguyễn bị coi là triều đại bán nước, có
tội với dân tộc.
3. Không có Kinh Dương Vương và Nhà nước Xích
Quỷ.
Sau năm 1975 thì nảy
sinh mâu thuẫn khi nhận định về Quốc-Cộng. Còn nhớ, hơn 30 năm trước, trong Hội
thảo khoa học về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, một vị giám đốc
sở văn hóa ở miền Tây hỏi tôi: “Anh người Hà Nội phỏng?” Tôi chưa kịp trả lời
thì ông nói luôn: “Tại sao mấy anh cứ áp đặt quan điểm của mấy anh lên tụi
tui?” Uẩn ức trong lòng người là có thực. Một đất nước thống nhất phải được
thống nhất ở tinh thần, tư tưởng, tình cảm và tâm linh. Muốn có sự thống nhất
như vậy, trước hết phải thống nhất về lịch sử. Một khi lịch sử còn tranh cãi
thì dân sẽ thành dân Babel.
Không những thế, quan
niệm về truyền thống dân tộc cũng thay đổi. Rất nhiều phẩm tính của dân tộc từ
xưa vẫn được nâng niu trân quý bây giờ bị coi là “sản phẩm của phong kiến lạc
hậu, phản động”. Rất nhiều đình, đền bị dỡ, bia đá bị đập phá, đem nung vôi,
sách chữ Nho bị đốt. Những gia đình có nền nếp dạy trẻ biết thưa gửi, chào mời
bị cho là phong kiến. Những lời dạy về nhân, nghĩa, lễ… bị coi là cổ hủ. Nhiều
giá trị xã hội bị đảo lộn: xấu thành tốt, tốt thành xấu. Do vậy tiêu
chí dân tộc không còn mang giá trị truyền thống, không đại diện cho toàn thể
nhân dân.
Tiêu
chí Khoa học về thực chất,
chỉ là một khẩu hiệu, không hề có ý nghĩa một phương châm hay triết lý giáo
dục. Khoa học là một khái niệm luôn biến động: cái hôm nay được gọi là khoa học
thì ngày mai trở nên lạc hậu. Lấy cái “dĩ biến” làm tiêu chí sẽ dẫn tới sự tùy
tiện.
Đại
chúng.
Trong giai đoạn nào đó
của vận động cách mạng, thì tiêu chí đại chúng giữ vai
trò trung tâm. Nhờ vậy, trong thời gian không dài, giáo dục ở miền Bắc đưa đại
bộ phận dân chúng từ thất học tới biết đọc biết viết rồi có trình độ học vấn
phổ thông. Nhưng khi tiêu chí đó kéo dài sẽ dẫn tới cào bằng, dàn trải, thiếu
người tài. Thiếu những đỉnh cao dẫn dắt, xã hội tất rơi vào trì trệ.
Không chỉ bất cập
trong triết lý mà nền giáo dục miền Bắc và ở cả nước sau 1975 còn có sự sai lầm
lớn về phương pháp. Do nhà nước coi giáo dục là công cụ của chuyên chính vô sản
nên để chính trị can thiệp quá sâu, biến rất nhiều môn học, nhất là Văn, Sử,
khoa học nhân văn thành những môn chính trị giáo điều khô cứng. Cũng do muốn
kiểm soát giáo dục một cách duy ý chí mà nhà trường chuẩn hóa giáo trình, giáo
án, xuất hiện những bài mẫu, sách mẫu, giáo viên mẫu… khiến cho cả người dạy
lẫn người học theo quy chế rập khuôn nghiêm nhặt, không còn chỗ để sáng tạo.
Thực tế chứng tỏ nền giáo dục như thế đã thất bại.
III. Tìm triết lý giáo
dục mới.
Như trình bày ở trên,
không chỉ triết lý giáo dục của miền Bắc đã lạc hậu mà hôm nay triết lý giáo
dục của miền Nam cũng không còn phù hợp. Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu
hóa, việc mở mang, khai phóng là đòi hỏi tự thân của
mọi người nên không còn chỗ đứng trong triết lý giáo dục. Không những thế,
trước trào lưu mở cửa hôm nay, những người “tiên thiên hạ chi ưu” đã cảm nhận
nguy cơ của sự “mở” quá đà dẫn tới vong bản!
Rất cần triết lý giáo
dục mới, không chỉ tiếp nối truyền thống mà còn dẫn dắt dân tộc tới tương lai
tươi sáng.
Từ khảo cứu cội nguồn văn hóa và lịch sử tộc Việt, tôi đề nghị triết lý giáo dục của Việt Nam hôm nay là: Dân tộc, Nhân bản, Minh triết.
Không ít
người cho rằng Dân tộc là khái niệm cũ, nhưng thực sự, cho tới
nay hầu hết chúng ta chưa hiểu hay hiểu rất sai về dân tộc mình. Đó vẫn là cách
hiểu do các học giả phương Tây áp đặt từ thế kỷ XX: “Người Việt Nam là đám Tàu
lai với nền văn hóa bắt chước Tàu chưa tới nơi tới chốn. Hơn 70% tiếng nói vay
mượn của Tàu…”
Nhưng sang kỷ nguyên mới, nhờ khoa học tiến bộ, nhân loại khám phá ra rằng: 70.000 năm trước, người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi tới Việt Nam, sinh ra người Lạc Việt. Rồi từ Việt Nam, người Lạc Việt lan tỏa ra châu Á và thế giới, sinh ra phần lớn nhân loại. Người Lạc Việt cũng là chủ nhân của nền văn hóa nông nghiệp phương Đông rực rỡ, không chỉ giúp người Việt tồn tại mà còn có vai trò lớn là dẫn dắt nhân loại trong cuộc khủng hoảng trí tuệ hôm nay. Nền giáo dục Việt Nam cần dựa trên những khám phá mới về bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tiêu chí Nhân
bản do vai trò kinh điển của nó nên được giữ nguyên. Không những thế,
càng cần trong thời đại thống trị của kim tiền và nhân tính bị băng hoại.
Xin bàn thêm về tiêu chí Minh triết.
Cho đến nay, nhân loại
chưa có định nghĩa chuẩn về minh triết. Người Mỹ gọi minh triết là wisdom với
nghĩa là “sự khôn ngoan”. Trong khi đó, người Pháp gọi minh
triết “sagesse” “là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn" (Francois
Jullien). Ngay với người Việt, hậu nhân của cha ông sáng tạo minh triết cũng
chưa thực hiểu minh triết là gì. Phần nhiều thường dẫn một câu ca dao, tục ngữ
hay lời của cổ nhân rồi bình luận: “Ông cha ta minh triết thật!” Những người
khác quan niệm minh triết là sự khôn ngoan sáng suốt. Điều này phần
nào gần với sự thật nhưng quan niệm như thế làm nghèo, làm tầm thường hóa thành
tựu của cha ông.
Tôi đề xuất một định
nghĩa về minh triết như sau: “Minh triết là sự khôn ngoan sáng suốt
trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi
dưỡng nền văn hóa dân tộc và dẫn dắt dân tộc đi lên.”
Minh triết là phẩm chất cao nhất của trí tuệ và tâm hồn Việt. Do vậy phải
là nội dung quan trọng của giáo dục. Chúng ta đang ở giai đoạn kinh tế tri
thức, nhưng cần phải tiến tới nền kinh tế minh triết. Tiêu
chí minh triết trong triết lý giáo dục chính là chuẩn bị cho tương lai gần này.
Trong tình hình Việt
Nam và thế giới hôm nay thiết nghĩ triết lý giáo dục nêu trên không chỉ phù hợp
với dân tộc Việt mà nó còn có ý nghĩa dẫn đường cho giáo dục của nhân loại.
Sài Gòn Xuân Đinh Dậu