Một lần nữa xin được hỏi nhà văn Hà Văn Thùy


 Đỗ Kiên Cường

Trên Văn hóa Nghệ An online ngày 6-8-2014 có đăng bài viết Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu? của nhà văn Hà Văn Thùy, với những luận điểm đã khá quen tai về nguồn gốc người Việt. Theo Hà Văn Thùy, người hiện đại đã tới Việt Nam từ 70.000 năm trước và người Việt đã khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước. Tôi từng bác bỏ giả thuyết đó từ năm 2008 (xin lưu ý bạn đọc rằng, Hà Văn Thùy hoàn toàn im lặng trước sự bác bỏ đó); và mới đây lại yêu cầu Hà Văn Thùy đưa ra bằng chứng trong bài Bằng chứng đâu, thưa ông Hà Văn Thùy? (Văn hóa Nghệ An online, 21-7-2014). Vậy nay thì ông Hà Văn Thùy trả lời như thế nào?

1. Người Việt khai phá Trung Hoa 40.000 năm trước?

Trong bài vừa dẫn, Hà Văn Thùy viết: “không phải chỉ từ những mẩu xương và những hòn đá - hiện vật khảo cổ - mà chính từ vết tích được lưu giữ trong máu của toàn dân châu Á, một nhóm nhà khoa học gốc Hán của nhiều đại học nước Mỹ, vào năm 1998 phát hiện rằng: 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân tới nước ta. Sau khi chung sống 30.000 năm trên đất Việt Nam, người Việt đã đi lên khai phá Trung Hoa. Từ Hòa Bình, tổ tiên chúng ta mang chiếc rìu, chiếc việt đá mới lên nam Dương Tử và gọi mình bằng danh xưng đầy tự hào NGƯỜI VIỆT với tư cách chủ nhân chiếc việt đá mới, công cụ ưu việt của loài người thời đó”. Bạn đọc có thể không biết rằng, Hà Văn Thùy đang chơi bài lập lờ đánh lận con đen, khi không dám tuyên bố rằng, ông đang trích dẫn xuyên tạc công trình Quan hệ di truyền của cư dân Trung Quốc của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc do giáo sư Chu đứng đầu, được đăng tải trên tạp chí Thông báo của Viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS ngày 29-9-1998. Bạn đọc có thể không ngờ được rằng, trong công trình của Chu, không có một chữ nào nói về địa danh Việt Nam, người Việt hay thời điểm 40.000 năm cả! Nói cách khác, Hà Văn Thùy đã lập thuyết dựa trên sự ngụy tạo tài liệu! Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về sự ngụy tạo đó bằng cách truy cập bài báo gốc của nhóm nghiên cứu do Chu đứng đầu trên PNAS tại địa chỉ www.pnas.org/content/95/20/11763.full.pdf+html. Nếu không đồng ý với nhận định của tôi, xin ông Hà Văn Thùy vui lòng dẫn ra tài liệu gốc để bạn đọc phán xét.

Vậy người hiện đại tới Trung Hoa khi nào? Trong cuốn sách Human origins: What bones and genomes tell us about ourselves, do Đại học Texas xuất bản năm 2008, tại trang 152, các nhà khoa học Rob DeSalle, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm các hệ thống phân tử, trưởng ban Động vật có xương sống, và Ian Tattersall, trưởng ban Nhân học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹđã viết:“phân tích 20.000 nhiễm sắc thể Y từ 58 dân tộc sống tại Trung Hoa, các nhà khoa họcTrung Quốcthấy rằng Homo sapiens tới Trung Quốc từ 30.000 năm trước, và Vân Nam và Quảng Tây là nơi đầu tiên nhìn thấy sự lan tỏa của họ”. Điều đó chứng tỏ giả thuyết của Hà Văn Thùy hoàn toàn sai sự thật; và bài viết mới trên Văn hóa Nghệ An online ngày 6-8-2014 chỉ là sự lặp lại các luận điểm đã bị bác bỏ mà thôi.

2. Bốn mươi ngàn năm trước đã có người Việt hay chưa?

Để không mất thời gian của bạn đọc, tôi xin khẳng định rằng, 40.000 năm trước, trên toàn bộ Trái Đất chỉ có người da đen mà thôi. Các đại chủng Âu (Caucasoid) hoặc Á (Mongoloid) chỉ xuất hiện hoàn chỉnh khoảng 12.000 - 10.000 năm trước, trong kỷ Toàn Tân (Klein RG, The Human Career: Human Biological and Cultural Origins, Second Edition, University of Chicago Press, 1999, p 502). Và do vậy các tộc người như chúng ta thấy ngày nay (người Việt, người Hán, người Thái, người Khmer…) chắc chắn phải xuất hiện muộn hơn nhiều, khi hình thành các quốc gia sơ khai.

3. Sáu ngàn năm trước, người Việt chiếm 60% nhân số thế giới?

Hà Văn Thùy viết: “Vào khoảng 4000 năm TCN, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới và xây dựng ở Đông Á nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Để có được thành quả như vậy, người Việt phải chung lưng đấu cật trị thủy hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử”. Có rất nhiều điều đáng bàn trong những nhận định tưởng như đơn giản đó.

Với tư cách một nhà khoa học thực chứng, tôi lại xin hỏi nhà văn Hà Văn Thùy mấy câu hỏi như sau: 1) Đâu là bằng chứng cho nhận định khoảng 6000 năm trước, người Việt chiếm hơn 60% nhân số thế giới? Xin ông vui lòng dẫn ra tài liệu gốc thật rõ ràng để mọi người cùng xem xét. 2) Trị thủy Hoàng Hà là công việc của người Hán, sao ông lại vơ vào cho người Việt như vậy? Ngay cả trị thủy sông Dương Tử cũng là công việc của các tộc Việt khác trong Bách Việt Hoa Nam (theo cách gọi phiếm chỉ của người Hán), chứ liên quan gì tới người Việt Nam ta?

4.Tại Trung Quốc, người Việt hòa huyết với người Mogoloid phương Bắc sinh ra người Mongoloid phương Nam?

Hà Văn Thùy cũng viết: “khoảng 7000 năm trước, người Việt hỗn hòa với người Mông Cổ phương Bắc, sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, đó là tổ tiên của các vị Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân”. Viết như vậy chứng tỏ Hà Văn Thùy không biết các thông tin mới của Dự án bản đồ gien Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010 và khám phá cách mạng của Tổ chức bộ gien người HUGO năm 2009. Theo đó thì Đông Nam Á là nguồn gốc chủ yếu của người Đông Á, sau kỷ băng hà cực đại (khoảng 15.000 - 10.000 năm trước). Và mặc dù thường xuyên nhắc tới công trình của nhóm Ballinger từ 1992 (người Việt Nam có sự đa dạng di truyền cao nhất trong số các sắc dân được nghiên cứu), nhưng ông Hà Văn Thùy không nhận thấy rằng, công trình đó giả định người châu Á có nguồn gốc Mongoloid phương Nam! (Nguyên văn nhận định quan trọng đó trong phần tóm tắt công trình như sau: “The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians”; và nó có thể dịch thành: “Sự đa dạng ADN ty thể lớn nhất và tần suất cao nhất của các ADN ty thể với gien HpaI/HincII morph 1 ở người Việt Nam dẫn tới giả định về nguồn gốc Mongoloid phương Nam của người châu Á”).

Nói cách khác, các bằng chứng nhân chủng học phân tử cho thấy, khác với tiền niệm về  nguồn gốc phương Bắc, chính Đông Nam Á mới là nơi phát tích đại chủng Á (Mongoloid). Tất cả những thông tin đó đã được tôi trình bày trong bài viết Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử, đã được in kỳ đầu trên Văn hóa Nghệ An số 273 ngày 25-7-2014 (kỳ cuối sẽ được in trong số kế tiếp).

5.Hà Văn Thùy đồng thuận với Tạ Đức?

Mặc dù Hà Văn Thùy phản bác quan điểm thiên di của người Bách Việt Hoa Nam của Tạ Đức, xem đó là một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc, nhưng về thực chất quan điểm của ông cũng là một kiểu thiên di từ phương Bắc. Sự khác biệt giữa hai ông chỉ là ở chỗ, có (ông Hà Văn Thùy) hay không (ông Tạ Đức) xem xét nguồn gốc người Bách Việt Hoa Nam mà thôi.

6. Kết luận:

Bên cạnh việc ghi nhận nhiệt huyết với bài toán nguồn gốc dân tộc, chúng ta không thể đồng tình với các thao tác phi khoa học, thậm chí mang tính lừa gạt, trong cách lập luận của Hà Văn Thùy. Một lần nữa xin được hỏi nhà văn Hà Văn Thùy rằng, đâu là bằng chứng không thể bác bỏ cho các giả thuyết động trời của ông, theo đúng tiêu chí Carl Sagan trong khoa học (tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cứ khác thường)?


                                                                        TP Hồ Chí Minh ngày 8-8-2014