PHÊ BÌNH BÀI “MỘT GIẢ THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG NHÂN CHỦNG HỌC PHÂN TỬ” CỦA TIẾN SĨ ĐỖ KIÊN CƯỜNG

                                                                        
Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An*, Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường có bài “Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân học phân tử.” Bài viết được dư luận quan tâm, nhiều trang mạng đăng lại. Là người nhiều năm nghiên cứu cùng đề tài và có tham khảo tư liệu di truyền học, tôi xin trao đổi với tác giả đôi điều.

I. Những điểm thành công.
Phải nói rằng, viết tiểu luận trên, tác giả đã có công sưu tập khối lượng lớn tài liệu chuyên ngành di truyền nhân học, kết nối chúng và đưa ra được một số nhận định mới, góp phần đưa nhân học Việt Nam tiến gần hơn tới chân lý:
 
1. Các cư dân châu Á có sự biến thiên ADN ty thể cao, trong đó người Việt có sự biến thiên cao nhất. Tuy nhiên, khoảng cách di truyền giữa các tộc người châu Á nói chung là nhỏ. Và sự gần gũi về mặt di truyền đó được giải thích bằng sự lan tỏa của nông nghiệp. Nói cách khác, nghiên cứu này cho thấy, so với người Hoa Nam và Hoa Bắc, người Việt nằm gần gốc của cây phả hệ di truyền hơn; và  sự lan tỏa của lúa nước không phải từ Bắc xuống Nam, mà từ Nam lên Bắc!

2. Người Việt có nguồn gốc từ những người cổ đã cư ngụ lâu đời tại Việt Nam và họ thuộc nhóm những người đầu tiên thiên di tới Đông Nam Á.

3. Vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái.

5. Quan niệm người Việt bắt nguồn từ người Bách Việt phía nam Dương Tử có lẽ sai sự thật. Theo quan niệm đó thì người Việt không thể có sự đa dạng di truyền lớn hơn so với người Hoa Nam ven biển và người Hoa Nam tại Trường Sa, như các nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, Đức, đã chứng tỏ.

6. Sự thiên di của những người nông dân trồng lúa nước từ Nam lên Bắc phù hợp với sự lan tỏa các dấu gien tại Trung Quốc, như các nhà khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, trong  Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ 2005 - 2010, và Tổ chức bộ gien người HUGO 2009, đã chứng tỏ.

7. Vùng thuần hóa lúa nước đầu tiên phía Đông lục địa Á - Âu cũng là nơi lan tỏa không ít hơn bốn ngữ hệ. Đầu tiên, những người nói tiếng Nam Á, bao gồm 150 ngôn ngữ, như tiếng Việt và tiếng Khmer, lan tỏa khắp Đông Nam Á (và có thể một phần Hoa Nam). Theo chân họ là những nông dân nói tiếng Tày - Thái, như tiếng Lào và tiếng Thái.

  Những phát hiện trên khác với quan niệm truyền thống của học giả Việt Nam thể hiện trong bài trả lời phỏng vấn BBC Vietnamese tháng 2 năm 2005, của Giáo sư Trần Quốc Vượng: “Việt Nam ủng hộ thuyết đa vùng” và “không có chuyện nông nghiệp từ vùng nọ ảnh hưởng tới vùng kia” “Người Việt bị Hán hóa đứt đuôi.” Chúng khẳng định, người Việt Nam là người cổ nhất Đông Á vì là hậu duệ của di dân từ châu Phi tới đầu tiên. Việt Nam cung cấp con người, tiếng nói và cả nông nghiệp cho châu Á.
   Chính việc áp dụng công nghệ di truyền vào khảo cứu nguồn gốc người Việt, tác giả Đỗ Kiên Cường đã góp phần hiện đại hóa khoa học nhân văn già nua, lạc hậu của Việt Nam, khiến không ít học giả Việt Nam phải nhìn lại mình.
   Tiếc rằng phần thành công không tương xứng với sai lầm của bài viết.

II. Sai lầm bất cập
  Cái cảm giác đầu tiên xuất hiện nơi tôi là, ở bài viết có nột dung rất chuyên sâu này, tác giả dẫn ra quá nhiều kiến thức mang tính giáo khoa phổ thông (như quá trình hình thành tư tưởng phân loại sinh vật), những kiến thức chết, vô bổ chỉ có tác dụng duy nhất là khoe chữ, khiến cho bài viết trở nên dài dòng, rối rắm. Vượt qua cái cảm giác ban đầu đó, có thể chọn ra những sai lầm, bất cập sau đây:

1. Chủng Mongoloid phương Bắc có nguồn gốc từ chủng Mongoloid phương Nam.
  Sai lầm nghiêm trọng do thiếu kiến thức sinh học. Mongoloid phương Nam là sản phẩm lai giống giữa chủng Mongoloid phương Bắc và chủng phương Nam Australoid. Con không thể sinh ra cha!

2.  60.000 năm trước, đợt di cư đầu tiên theo ven biển Nam Á tới Đông Nam Á.
 Thông tin này do Spencer Wells đưa ra. Nhưng hoàn toàn sai. Bởi lẽ khảo cổ học phát hiện cốt sọ 60.000 (1) năm tuổi ở hồ Mungo châu Úc, là một người Australoid. Hơn thế nữa, khảo cổ cũng tìm được bộ xương người Mongoloid 68.000 năm trước  ở Lưu Giang Quảng Tây (2). Như vậy, cuộc di cư khỏi châu Phi phải diễn ra trước 60.000 năm cách nay!

3. “Dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc (khoảng 10.000 năm trước) chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.”
   Không đúng! Khảo sát gần một trăm sọ Thời Đồ Đá ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, cổ nhân chủng học khẳng định: từ 32.000 năm (sọ Sarawak) tới khoảng 5000 năm trước (người Đa Bút), dân cư Đông Nam Á chỉ duy nhất loại hình Australoid (3).Vậy người Mongoloid ở đâu ra để từ đây đi lên Hoa Bắc?

4. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa thấy bằng chứng nhân chủng học phân tử ủng hộ sự thiên di của các tộc người ngữ hệ Nam Á từ ven biển Hoa Nam xuống Việt Nam 4.000 năm trước.
  Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế. Khảo cổ và nhân chủng học Đông Nam Á khẳng định, khoảng thiên niên kỷ III TCN, có sự dịch chuyển lớn của người Mongoloid phương Nam từ phía Bắc tới Đông Nam Á, tạo nên sự kiện được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, chuyển hóa đại bộ phân dân cư Đông Nam Á từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Tại Việt Nam thời kỳ này, người Australoid văn hóa Đa Bút tiếp nhận người di cư Mongoloid phương Nam để chuyển thành con người và văn hóa Phùng Nguyên.

5. Khoảng 30.000 năm trước, những người thiên di thuộc làn sóng thứ hai men theo rặng Himalaya để tới Bắc Việt Nam và nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, cũng như Vân Nam và Quảng Tây (nơi xuất hiện người hiện đại đầu tiên tại Trung Quốc). Họ có phần đóng góp khoảng 80% trong vốn gien người Việt hiện nay. Qua quá trình tiến hóa lâu dài khoảng 35.000 - 20.000 năm, màu da và hình thái của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid (Proto-Mongoloid).

Thực tế bác bỏ chuyện này bởi lẽ, trong thời gian trên, Đông Nam Á chỉ duy nhất người Australoid sinh sống, với bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, có mã di truyền ổn định. Có nghĩa là không có nguồn gen bên ngoài xâm nhập. [Nguyễn Đình Khoa, 1983]. Mặt khác, về mặt sinh học, người Australoid không thể biến đổi màu da và hình thái để trở thành người Nguyên Mongoloid. Hơn nữa, thực tế khảo cổ và cổ nhân chủng học cho thấy, người Mongoloid đã xuất hiện trong tư cách một đại chủng khi đặt chân tới Việt Nam 70000 năm trước.

6. Đại chủng Mongoloid hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khoảng 10.000 trước tại cực nam Hoa Nam và Đông Nam Á.

Hoàn toàn sai.
Ngay tại châu Phi, ba đại đại chủng Europid da trắng, Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ 85000 năm cách nay. Trước bức thành băng sừng sững chắn lối, không biết vì lẽ gì, Australoid và Mongoloid “rủ nhau” về phương Đông. Trong khi đó, Europid ém lại trên đất Yemen để 52000 năm trước, khi khí hậu thuận lợi, họ di cư vào Trung Đông, sau đó vượt eo Posphorus xâm nhập châu Âu. Không chỉ tìm thấy bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi mà khảo cổ học Mông Cổ còn phát hiện vô số xương cốt tổ tiên Mongoloid của họ 40.000 năm trước!

  Có thể chỉ ra nhiều thêm sai lầm khiếm khuyết trong bài viết nhưng xin dừng ở đây để tìm nguyên nhân của chúng.

III. Nguyên nhân của sai lầm

   Tìm nguồn gốc người Việt là chuyện vô cùng khó khăn nên suốt thế kỷ trước, học giả trong nước và thế giới, trong đó có các bác học của Viện Viễn Đông Bác Cổ, dù bỏ nhiều tâm lực cũng đành bó tay. Không thành tựu vì thiếu một tri thức đột phá.
   Sang thế kỷ này, di truyền học mở ra phương cách mới để tiếp cận vấn đề. Nhưng thực tế cho thấy, như những phương pháp đã có, di truyền học cũng chỉ là ngón tay chỉ trăng mà không phải trăng! Nó không ít nhược điểm, thậm chí sai lầm. Muốn giải được bài toán, chỉ có thể là người nắm vững tài liệu di truyền nhưng cũng phải uyên bác, lịch lãm, có vốn tri thức đa - liên ngành cần thiết để có thể vận dụng chìa khóa sinh học phân tử mở cánh cửa bí ẩn của tự nhiên.
   Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường không có bản lĩnh đó. Thực tế cho thấy, ông có công sưu tầm một số nghiên cứu di truyền xung quanh đề tài. Nhưng trong nhiều trường hợp, không đủ sức hiểu tài liệu. Hạn chế lớn hơn là ông không có những kiến thức chuyên, liên ngành về khảo cổ, cổ nhân chủng, văn hóa học… để kết nối, giải mã tư liệu.
   Do thiếu hụt kiến thức cơ bản về sinh học nên ông nói rất sai rằng, chủng Mongoloid phương Bắc được sinh ra từ Mongoloid phương Nam. Đứng về di truyền, Mongoloid phương Bắc là nguyên chủng, còn Mongoloid phương Nam là con lai. Đa dạng di truyền của Mongoloid phương Bắc lớn hơn. Vì vậy, nó tuyệt đối không thể do Mongoloid phương Nam sinh ra! Thực tế cho thấy, người Mongoloid nguyên chủng (bộ xương Lưu Giang), sau này được gọi là Mogoloid phương Bắc, xuất hiện 68.000 năm trước. Trong khi đó, người Mongoloid phương Nam mới ra đời 7000 năm cách nay tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ. Cái sai này khiến tác giả bị rối khi nhìn nhận về nhân chủng Đông Á.
   Rất sai lầm trong phương pháp luận, khi khảo cứu nguồn gốc người Việt, tác giả không bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem khảo cổ học, cổ nhân học đã làm được những gì rồi trên cơ sở thành quả của người đi trước, sửa điều sai, phát huy cái đúng. Do thiếu kiến thức về khảo cổ, cổ nhân học và văn hóa học nên khi tiếp xúc tư liệu di truyền, tác giả trở nên thụ động, lửng lơ, “chân không tới đất, cật chẳng tới trời,” không thể phân biệt đúng sai, đã đem cái sai của người vào lập thuyết của mình. Điển hình là trường hợp tư liệu của Spencer Wells. Quả thật, lúc đầu cũng như ông Cường, tôi đã theo ý kiến của Wells. Nhưng sau đó, thấy mâu thuẫn nên phải đối chiếu với công trình của Y.J. Chu và S. Oppenheimer cùng nhiều bằng chứng khảo cổ học, để loại Wells khỏi tài liệu tham khảo. Điều này tôi đã nói rất rõ trong cuốn Tìm Cội Nguồn Qua Di Truyền Học. (4)
  Jared Diamond của Đại học California mà ông Cường dẫn trong bài, có câu nói đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những mẩu xương và những hòn đá nữa. Tất cả những gì thuộc về con người mà không được di truyền học kiểm định, đều không đáng tin cậy.” Câu nói đó chỉ đáng tin ở nửa sau. Không chơi với xương với đá là thiệt. Ý đồ giải quyết mọi chuyện về con người chỉ cần thông qua di truyền học không khác gì leo cây tìm cá!
  Với bài viết trên, Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường không chỉ tỏ ra là người đa thư loạn thuyết hoang tưởng mà còn biến mình thành thày bói xem voi trong ngụ ngôn!
                                                         Sài Gòn, cuối Thu Giáp Ngọ
                                                                          HVT
                                               

 * http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/mot-gia-thuyet-ve-nguon-goc-nguoi-viet-dua-tren-bang-chung-nhan-chung-hoc-phan-tu
Tài liệu tham khảo:
1. The Lake Mungo remains are three prominent sets of bodies: Lake Mungo 1 (also called Mungo Lady, LM1, and ANU-618), Lake Mungo 3 (also called Mungo Man, Lake Mungo III, and LM3), and Lake Mungo 2 (LM2). Lake Mungo is in New South Wales, Australia, specifically theWorld Heritage listed Willandra Lakes Region.[1][2]
LM1 was discovered in 1969 and is one of the world's oldest knowncremations.[1][3] LM3, discovered in 1974, was an early humaninhabitant of the continent of Australia, who is believed to have lived between 40,000 and 68,000 years ago, during the Pleistocene epoch. The remains are the oldest anatomically modern human remains found in Australia to date. His exact age is a matter of ongoing dispute.

 2.Liujiang-Mensch (柳江人 Liǔjiāngrén, englisch Liujiang Man) bezeichnet man hominine Fossilien, die 1958 in einer Höhle bei der Ortschaft Tongtianyan inLiujiang im Autonomen Gebiet Guangxi der Zhuang entdeckt und ins späte Mittelpleistozän / frühe Jungpleistozän datiert wurden.[1] Bei diesen Fossilien handelt es sich um einen vollständigen Schädel sowie um einige Knochen aus der Region unterhalb des Kopfes.
Die chinesischen Bearbeiter des Fossils ordneten es dem frühen modernen Menschen (Homo sapiens) zu und verwiesen darauf, dass es Merkmale eines frühen Vertreters der Mongoliden (yuánshǐ Měnggǔ rénzhǒng) aufweise.[2]
Der Schädel gilt als möglicher Kandidat für das älteste Fossil des modernen Menschen, das in Ostasien gefunden wurde, da eine Uran-Thorium-Datierung ein Alter von 67.000 ± 6000 Jahren ergab.[3] 
3. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. DH&THCN, H. 1983
4. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học. 2011.