TRAO ĐỔI VỚI PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH


Từ thông tin trên mạng, được biết PGS.TS Bùi Xuân Đính là người quyết liệt ngăn cản buổi ra mắt sách Nguồn Gốc Người Việt-Người Mường của tác giả Tạ Đức; sau đó đọc bài viết Bàn Về “Nguồn Gốc Người Việt- Người Mường” của ông đăng trên tạp chí Dân Tộc Học số 1.2014, tôi xin trao đổi với ông đôi điều. 1. Ngăn cản việc ra mắt cuốn sách nào đó là quyền của ông Bùi Xuân Đính. Tuy nhiên, cái quyền này lại vi phạm quyền của nhiều người: ông Tạ Đức, Nhà xuất bản Trí thức và Nhà văn hóa Pháp. Về nguyên tắc, là thiểu số, quyền của ông bị phủ nhận. Nhưng do điều kiện cụ thể của đất nước, dựa vào cơ chế, ông là người thắng cuộc. Buổi ra mắt sách bị hủy bỏ. Chiến thắng của ông là thất bại của dân chủ, nhân bản và văn minh. Là người đọc và nhận ra cái hỏng trong cuốn sách của ông Tạ Đức, tôi đã có thư trao đổi với tác giả, sau đó viết bài đăng trên mạng (Một Kiến Giải Sai Về Nguồn Gốc Dân Tộc, trannhuong.com.) Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cuốn sách được ra mắt như một chuyện bình thường. Tin vào lương tri người đọc, tôi cho rằng, nếu được thực hiện, cùng với sự trình bày của tác giả, chắc chắn có những ý kiến phản biện. Hy vọng qua hội thảo dân chủ, thân tình, chân lý sẽ dần dần phát lộ. Thực tế đã diễn ra như vậy: bên cạnh người ủng hộ cuốn sách như sử gia Lê Văn Lan, Tiến sĩ Nguyễn Việt, PGS.TS Đỗ Lai Thúy… là ý kiến phản biện của TS Trần Trọng Dương, của Ông và nhiều người khác. Như mọi cuốn sách khác, khi ra đời, Nguồn Gốc Người Việt-Người Mường đã là tài sản xã hội. Phán xét nó không chỉ là quyền của hôm nay mà còn là của thời gian. Việc làm của ông dường như là sự nối dài cái dớp đen tối thời Nhân văn-Giai phẩm. 2. Việc ông Bùi Xuân Đính chỉ ra những bất cập trong phương pháp luận của cuốn sách, như thao tác tìm kiếm tài liệu tham khảo, việc dùng những chứng cứ thiếu chuẩn… là đúng. Tuy nhiên, toàn bộ những lý giải của ông vẫn loanh quanh trong tri thức thế kỷ XX mà chưa có sự đột phá cần thiết. Vì thế, độ tin cậy của nó cũng tầm tầm, chưa thuyết phục. Tìm nguồn gốc tộc người là công việc của sinh học, trong đó hai yếu quyết định là di cốt tổ tiên và AND của con cháu. Thế kỷ trước, do chưa đủ chứng cứ sinh học nên học giả phương Tây buộc phải đi đường vòng, mong tìm nguồn gốc con người qua văn hóa, ngôn ngữ. Tuy nhiên, những chứng từ gián tiếp đó nhiều khi không chính xác, dẫn tới sai lầm nguy hiểm. May là ở Việt Nam, từ năm 1983, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa, trong Nhân Chủng Học Đông Nam Á, bằng khảo sát 70 sọ cổ Việt Nam đã giải quyết phần cơ bản của công việc: suốt thời Đồ Đá, dân cư trên đất Việt Nam là người da đen thuộc loại hình Australoid. Nhưng sang thời Kim Khí, người da vàng Mongoloid xuất hiện và thay thế người da đen. Tuy biết rằng người Mongoloid từ Trung Quốc xuống nhưng Nguyễn Đình Khoa thận trọng nêu nghi vấn: không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa? Một câu hỏi vượt quá tầm tri thức thế kỷ XX. Nhưng sang thế kỷ này, nhiều khám phá di truyền học cho thấy, khoảng 5000 năm TCN, người Việt Australoid tại văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ hòa huyết với người Mông Cổ (North Mongoloid) sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam (south Mongoloid). Chính từ hai nền văn hóa này, người Việt vùng Núi Thái-Sông Nguồn di cư về Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid hòa huyết với người Việt bản địa da đen Australoid để sinh ra người Đông Sơn, tổ tiên trực tiếp của chúng ta. Điều này suốt 10 năm qua tôi đã trình bày trong ba cuốn sách và hàng trăm bài viết, ở đây không nhắc lại. Như vậy, trên thực tế, có hai giai đoạn hình thành người Việt Nam: 40.000 năm trước, người Việt cổ (Australoid) từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Khoảng 4700 năm TCN, cùng với cuộc xâm lăng của Hiên Viên (lúc này người Hoa Hạ chưa ra đời), người Việt Mongolid phương Nam từ Trung Quốc trở về, góp phần sinh ra người Việt hiện đại. Bằng con đường sinh học, chỉ cần 1% lượng giấy ông Tạ Đức đã dùng, vấn đề nguồn gốc người Việt-người Mường được trình bày một cách chính xác, khoa học. Nhân đây xin nói một chút về thuyết thiên di-du nhập. Không có cơ sở để cho rằng học giả phương Tây từ bỏ thuyết này. Thực tế, chuyện thiên di là có thật. Homo sapiens từ đất tổ châu Phi đi ra toàn thế giới. Đó là cuộc thiên di vĩ đại. Chính người tiền sử từ châu Phi đã tới Việt Nam rồi từ đây thiên di không chỉ ra châu Á mà còn sang châu Âu, châu Mỹ. Cái sai của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc, Tạ Đức là sự vận dụng máy móc thuyết thiên di-du nhập, ngụy tạo một lịch sử lộn ngược. 3. Do không hiểu quá trình hình thành dân cư Việt Nam, tưởng lầm Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là người Hán nên PGS.TS Bùi Xuân Đính lại mắc thêm sai lầm đáng tiếc khi phủ định những vị thủy tổ của tộc Việt. Thực tế, truyền thuyết Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân là âm ba của câu chuyện từng xảy ra ngót 5000 năm trước, trong cộng đồng Việt rộng lớn, từ Núi Thái-Sông Nguồn tới Ngũ Lĩnh, đất Thục và Việt Nam. Ở địa vực nước Sở cũ, nó hóa thân thành Liễu Nghị truyện. Ở Việt Nam nó được người Việt từ Núi Thái-Sông Nguồn mang về rồi truyền lưu trong dân gian, sau đó được ghi trong Lĩnh Nam chích quái. Tại các tộc thiểu số của người Việt như Mường, Thái… nó thành Đẻ Đất Đẻ Nước, Chim Ây-Cái Ứa… Vua Dịt Dàng chính là tiếng Việt cổ của danh xưng Việt Yang = Việt vương… Căn cước của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là vấn đề quan trọng bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Tôi đã hơn một lần viết về chủ đề này. Mới đây là hai bài: “Tôi khẳng định Kinh Dương Vương là thủy tổ người Việt” và “Học giả Mỹ viết gì về sử Việt?” Đáng tiếc là PGS.TS Bùi Xuân Đính không hề đọc! Tôi không nghĩ là mình đúng hoàn toàn nhưng xin PGS.TS hãy đọc và phản biện. Không gì hân hạnh cho tôi là nhận được lời chỉ giáo của PGS.TS. Sài Gòn 27. 5. 2014