850 trang sách khổ to: Nguồn gốc người Việt - người Mường* là kết quả mười năm làm việc của ông Tạ Đức. Thật đáng nể phục về khối tư liệu đồ sộ được đưa vào sách. Khác nhiều đồng nghiệp, tác giả chấp nhận An Dương Vương là người Thục. Những trang viết đòi lại vị trí chính thống của nhà Triệu trong sử Việt thật xác đáng và thuyết phục.
Nhưng trong khi phản bác quan niệm phổ biến của giới học giả và dân chúng Việt Nam “coi người Việt và người Mường xưa là một, đều là cư dân bản địa và chỉ tách ra từ thế kỷ 9 – 10,” tác giả khẳng định:
“Người Việt và người Mường từ xưa đến nay luôn là hai tộc người khác nhau và đều là sự tổng hòa các nhóm di dân từ phương Bắc. Người Mường vốn là người Mon, Man hay Mân Việt, là di dân đường biển, đến trước, chủ nhân của các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun. Người Việt vốn là người Lava hay Lạc Việt, đến sau, là chủ nhân chính của văn hóa Đông Sơn.” (Lời cuối sách)
Cùng với nhận định này là việc chứng minh văn hóa Phùng Nguyên cũng như Đông Sơn được đưa từ phía Bắc xuống!
Thử xem điều này có đúng?
1. Về người Mường.
Muốn biết nguồn gốc của chủng người nào ở nước ta hiện nay, việc trước tiên là phải hiểu về con người từng sống trên đất Việt mà cứ liệu quan trọng nhất là di cốt người cổ. Suốt thế kỷ trước, nhiều nhận định đã được đưa ra. Nhưng vào thập niên 1970, nhận ra phần nhiều tài liệu đó không chính xác, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khảo sát lại sưu tập 70 sọ cổ từ Thời Đồ Đá tới Thời Kim Khí, được phát hiện ở Việt Nam. Trong tác phẩm Nhân chủng học Đông Nam Á (1) ông viết: “Thoạt kỳ thủy, hai đại chủng Australoid và Mongoloid có mặt trên đất nước ta. Họ lai giống với nhau và con cháu họ lai giống tiếp, cho ra bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc nhóm loại hình Australoid.” Và “ Suốt Thời Đồ Đá, dân cư Việt Nam gồm duy nhất loại hình Australoid. Nhưng sang Thời đại Kim Khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của đất này. Người Australoid dần biến mất, không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa.”
Sau 30 năm nhìn lại, trong sự đối chiếu với tư liệu di truyền học mới nhất, chúng tôi nhận thấy, đó là nhận định hoàn toàn xác đáng và là thành tựu cao nhất mà phương pháp đo sọ cổ điển có được. Chứng cứ thu được từ di cốt tổ tiên và từ ADN lấy từ dòng máu người Việt Nam hiện đại hoàn toàn khẳng định: người Phùng Nguyên là người Australoid bản địa. Như vậy, ý tưởng cho rằng người Mường là do người Mon, Man, Mân Việt từ Nam Trường Giang xuống, tạo nên vào thời Phùng Nguyên là không có cơ sở! Thực tế đã diễn ra lịch sử trái ngược: chính người Việt từ 40.000 năm trước đi lên Trung Quốc, để lại hậu duệ là người Man, Môn, Mân Việt.
2. Người Việt là ai?
Đoạn trích ở trên có một ý quan trọng: “Nhưng sang Thời đại Kim Khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của đất này.” Điều này có nghĩa là, vào cuối thời Phùng Nguyên, người da vàng Mongoloid xuất hiện, thay thế dân da đen Australoid!
Một câu hỏi: Họ từ đâu tới? Tài liệu khảo cổ học và di truyền học cho thấy, đúng như khảo cứu của Tạ Đức, họ là người Việt từ phương Bắc xuống. Câu hỏi tiếp: do nhập cư hay do đồng hóa mà mã di truyền của họ trở thành chủ thể trên đất Việt?
a. Về khả năng nhập cư.
Nhập cư là việc người từ nơi nào đó tới cưỡng chiếm địa bàn sinh sống của dân cư bản địa, tiêu diệt hay trục xuất họ đi nơi khác. Với quy mô lớn tới mức thay thế cả khối dân cư Việt đông đảo thời Phùng Nguyên thì chỉ có thể là cuộc xâm lăng tầm cỡ nhà nước. Sử sách hay truyền thuyết không hề nói tới việc này. Khảo sát di truyền học, chúng tôi cũng không thấy có sự kiện như vậy. Trong một nghiên cứu về nguồn gốc dân cư Đông Nam Á, S. W. Ballinger khám phá: “Người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất trong các dân cư châu Á.” (2) Một khi người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á thì khả năng một tập đoàn lớn người từ Trung Quốc tới chiếm đất Việt Nam, diệt chủng hay trục xuất người Phùng Nguyên rồi giữ vị trí độc tôn là không thể xảy ra! Nếu có chuyện này, thì người Việt Nam đương nhiên phải có chỉ số đa dạng di truyền thấp hơn cha ông, có nghĩa là thấp hơn người Trung Quốc. Tư liệu di truyền học đã bác bỏ, chứng tỏ khả năng nhập cư lớn dẫn đến thay thế là không có!
b. Về khả năng chuyển hóa.
Trong bốn chủng người Việt cổ xuất hiện ban đầu trên đất Việt Nam: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid thì chủng Indonesian, sau này được gọi là Lạc Việt, chiếm đa số. Theo định luật di truyền học, thì tuy vẫn thuộc loại hình Australoid nhưng người Indonesian có tỷ lệ máu Mongoloid cao hơn cả. Vì vậy, khi người Mongoloid phương Nam tới hòa huyết với họ, thì như giọt nước làm tràn ly, chỉ cần bổ sung lượng nhỏ gen Mongoloid, lớp con lai đã trở thành Mongoloid phương Nam. Rồi lớp con cháu họ hòa huyết tiếp với dân bản địa, gây phản ứng dây chuyền, tăng nhanh nhân số người Mongoloid phương Nam. Chứng cứ tiêu biểu cho sự kiện này là di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình 2000 năm TCN, có 30 di hài người Mongoloid và Australoid được chân chung. Đó là chỉ dấu cho thấy hai chủng này đã từng chung sống hòa bình. Khảo cổ học xác nhận, ở Việt Nam, việc chuyển hóa từ Australoid sang Mongoloid cho tới 2000 năm TCN thì hoàn tất. Điều này nằm trong quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, một sự kiện nhân chủng học lớn điễn ra trên toàn bộ Đông Nam Á từ khoảng năm 2500 tới 2000 TCN. Phát hiện của Ballinger cũng chứng tỏ số người từ phía Bắc xuống không nhiều nên độ đa dạng di truyền thấp của họ không làm giảm đáng kể độ đa dạng di truyền của khối dân cư Việt đông đảo!
Vào Thời Đồ Đá, trên đất Việt Nam không chỉ có người Indonesian mà chủng đông thứ hai là Melanesian. Khi tiếp xúc với người Mongoloid phương Nam, người Melanesian cũng nhận được một lượng gen Mongoloid nhất định. Tuy nhiên, do tỷ lệ máu Mongoloid của họ thấp (so với Indonesian) nên sau quá trình hòa huyết, họ trở thành nhóm loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam, một nhánh của tộc Việt, như nhân chủng học xác nhận. Đó là người Chăm, người Êđê, Bana cùng nhiều tộc thiểu số cư trú trên dải Trường Sơn.
Số phận hai chủng Vedoid và Negritoid, những người da đen mang đậm dấu vết tổ tiên châu Phi ra sao? Họ là cộng đồng thiểu số, tồn tại lâu dài trên đất Việt. Nhưng tới một lúc nào đó, họ di cư ra các đảo Đông Nam Á hoặc lai giống với người Mongoloid phương Nam để hòa tan trong cộng đồng dân tộc Việt. Vết tích của họ là những bức tượng người phụ nữ châu Phi mà nhiều học giả không giải thích được xuất xứ.
Như vậy, có số lượng hạn chế người Việt từ phương Bắc xuống, hòa huyết với người Phùng Nguyên bản địa, sinh ra người Đông Sơn, tổ tiên dân cư Việt Nam hiện nay: người Việt, người Mường, các tộc ít người phía Bắc, người Chăm, các tộc người Tây Nguyên.
Ở đây cần nói rõ, “người Việt từ Trung Quốc” cũng chính là hậu duệ của những người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục từ 40.000 năm trước. (3)
3. Sự phân hóa Việt – Mường.
Từ cuối thời Đông Sơn, hầu hết dân cư Việt Nam là người Việt thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Người Chăm và các tộc thiểu số Tây Nguyên sống ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong khi đó, số đông sống từ Thanh Nghệ ra Bắc Việt Nam và miền Nam Dương Tử. Từ đầu Công Nguyên, dân cư đồng bằng sông Hồng tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phía Bắc nên đạt được những tiến bộ nhất định. Do chữ Nho du nhập nên ngôn ngữ đơn âm hóa mạnh. Ở thời điểm nào đó (nhiều học giả cho là khoảng thế kỷ IX-X) người miền xuôi và kẻ mạn ngược tách thành hai nhóm, được gọi là người Việt, người Mường. Đó chỉ là sự phân chia theo ngôn ngữ và tập tính sinh hoạt, còn mã di truyền là một! Việc dùng danh xưng “người Việt” cho dân cư đồng bằng sông Hồng là không thỏa đáng. Chính xác phải gọi là người Kinh, còn Việt là danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt xuất hiện từ khi văn hóa đá mới Hòa Bình sáng tạo chiếc rìu (việt).
4. Kết luận & bài học
Từ phân tích trên, có thể nhận định:
- Người Phùng Nguyên mang mã di truyền Australoid, là dân cư bản địa, hậu duệ của người Hòa Bình, Bắc Sơn, không phải từ phương Bắc di cư xuống, cũng không phải là người Mường.
- Người Đông Sơn hình thành do số lượng nhỏ người Việt chủng Mongoloid phương Nam từ phương Bắc di cư xuống, hòa huyết với người Phùng Nguyên. Đó là tổ tiên chung của người Việt hiện đại.
- Văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa bản địa. Văn hóa Đông Sơn được phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên, cũng là văn hóa bản địa, mang đậm bản sắc của văn hóa Việt.
- Quan niệm “coi người Việt và người Mường xưa là một, đều là cư dân bản địa” của giới học giả Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
Bài học được rút ra:
Suốt thế kỷ XX, học thuật Việt Nam ngột ngạt vì quan niệm “Hoa tâm” cho rằng, Trung Quốc là trung tâm của châu Á. Từ đây con người cùng văn minh Hoa Hạ tỏa ra khai hóa các dân tộc man di. Tuy nhiên, trong màn đêm tăm tối đó vẫn ló ra vài tia sáng. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, học giả người Pháp H. Frey, trong cuốn L'Annamite, mère des langues; communauté d'origine des races celtiques, sémitiques, soudanaises et de l'Indo-Chine (Tiếng Việt, mẹ của các ngữ; cộng đồng có nguồn gốc của các chủng tộc Celtic, Do Thái, Sudan và Đông Dương - Paris, 1892, 248p) cho rằng tiếng Việt Nam là mẹ của các tiếng nói phương Đông. Vào tháng Giêng năm 1932, Hội nghị khoa học về Tiền sử Viễn Đông họp ở Hà Nội, đưa ra nhận định: "Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm." (Encyclopédia d’Archeologie). Năm 1952, học giả Hoa Kỳ C. Sauer trong cuốn Cội nguồn nông nghiệp và sự phát tán (Agricultural Origins and Dispersals) khẳng định: "Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ." “Tôi đã chứng minh Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật…"
Nhưng đáng tiếc là những tiếng nói sáng suốt này không được các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ lắng nghe. Họ vẫn lái học thuật Việt Nam theo đường cũ.
Vào thập niên 1970, từ những khai quật khảo cổ ở Thái Lan, Giáo sư Đại học Hawaii W. Solheim II trong bài báo gây chấn động Ánh sáng mới soi vào vùng bị quên lãng (New light on Forgotten Past. National Geographic, Vol. 139, No. 3, 3. 1971) đã viết:
"Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Ðông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN..."
"Rằng văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới văn hóa Bắc Sơn."
"Rằng miền Bắc và miền Trung lục địa Ðông Nam Á có những nền văn hóa tiến bộ mà trong đó đã có sự phát triển của dụng cụ đá mài nhẵn đầu tiên của châu Á, nếu không nói là đầu tiên của thế giới và gốm đã được phát minh..." "Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh mà thôi, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Ðộ và châu Phi..."
Hơn 20 năm sau là công trình Địa đàng ở phương Đông của S. Oppenheimer, Giáo sư Đại học Oxford nước Anh (4). Bằng nhiều cứ liệu xác thực cùng óc tượng tượng siêu việt, ông trình bày một cách thuyết phục rằng, thềm Biển Đông từng là lục địa, là vườn ươm dân cư cùng văn hóa phương Đông. Trước khi bị biển nhấn chìm, nó đã kịp tạo ra dân cư cùng nền văn hóa nông nghiệp tiên tiến của nhân loại.
Đặc biệt là vào năm 1998, nhóm công tác do Giáo sư gốc Hoa J.Y. Chu của Đại học Texas lãnh đạo, sau nhiều năm thực hiện Dự án Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Population in China) (5) với số tiền 1.000.000 USD do Quỹ phát triển khoa học tự nhiên Trung Quốc tài trợ, đã công bố:
“Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, khoảng 160 tới 200.000 năm trước.
- 70.000 năm trước, người tiền sử theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Tại đây, họ hòa huyết, tăng nhân số để 50.000 năm trước di cư ra các đảo Đông Nam Á, tới Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu phía Bắc tốt hơn, người từ Việt Nam đi lên khai phá vùng đất nay là Trung Quốc và 30.000 năm cách nay vượt eo Bering, chinh phục châu Mỹ…”
Nhiều tờ báo của người Việt tại Hoa Kỷ hồ hởi loan tin này. Từ năm 2001 học giả người Việt ở Úc tiếp thu và phổ biến trên tạp chí Tư Tưởng. Tiếp đó, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước được thực hiện, khẳng định tiến trình lịch sử chân thực của phương Đông với chiều hướng: Con người xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam rồi đem văn hóa đá mới, văn hóa nông nghiệp lan tỏa ra châu Á và thế giới.
Thiết tưởng, trong hoàn cảnh một đất nước trải hơn ngàn năm nô lệ, rồi những cuộc chiến tranh liên miên, sách sử vốn đã hiếm lại bị cướp phá, thiêu hủy và xuyên tạc thì những thông tin quý giá trên phải được người trí thức nhiệt tâm đón nhận, biến thành ngọn đuốc dẫn đường đưa dân tộc đi tới. Thật khó hiểu là vì sao các nhà khoa bảng trong nước dường như không biết đến chuyển biến động trời này, để vẫn tự cầm tù trong những quan niệm vừa thực dân vừa ngu dân của quá khứ?!
Ông Tạ Đức nói rằng, ý tưởng thiên di-truyền bá là ông nhận được từ Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc. Ta có thể thấy, vào thập niên 1940-1970 do hạn chế về tư liệu, đề xuất của các vị trên là những giả thuyết có tính tìm tòi. Nhưng nay, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, khoa học nhân loại đã đi những bước dài. Không chỉ cổ nhân chủng học mà cả di truyền học đều xác nhận, dân cư trên đất Việt Nam hình thành sớm và liên tục từ Sơn Vi, Hòa Bình tới Bắc Sơn, Phùng Nguyên… Do vậy, thuyết của Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc không còn đất đứng. Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc.
Phải chăng đó là bài học lớn mà chúng ta cần chiêm nghiệm?
Ngày 10.3. 2014
Tạ Đức, NXB Trí thức, 2013.
1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN, 1983.
2. S.W. Ballinger&et al. Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992, N.130 ps.139-45).
3. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học, 2011
4. Stephen Oppenheimer. Địa đàng ở phương đông. Lục địa Đông Nam Á bị chìm. NXB Lao Động, 2004.
5. J.Y. Chu & et al. Genetic Relationship of Population in China
www.pnas.org/content/95/20/11763