TRỞ VỀ CỘI NGUỒN MINH TRIẾT VIỆT


Xưa nay, nói về minh triết, người ta thường đi tìm định nghĩa hoặc dẫn ra những ví dụ về minh triết. Trong khi vấn đề quan yếu nhất, là nguồn cội của minh triết lại chưa được quan tâm. Trong tham luận nhỏ này, tôi thử đưa ra một vài suy nghĩ ban đầu.
I. Đi tìm cội nguồn minh triết Việt
Trong ý nghĩa nào đó thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa và tỏa năng lượng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Vì vậy, muốn tìm cội nguồn của minh triết, trước hết phải tìm ra cội nguồn văn hóa.
Cho tới nay, rất nhiều người vẫn mang ý niệm truyền thống cho rằng, tổ tiên người Việt từng sống bên sông Dương Tử, khoảng năn 330 TCN bị người Hán xua đuổi, chạy xuống đất Việt Nam hiện tại, chiếm đất của người Nguyên Đông Dương, lập nước Văn Lang. Do lịch sử như vậy mà cả về sinh học, cả về văn hóa, Việt chỉ là bản sao mờ nhạt của Hán. Trả lời Đài BBC tiếng Việt vào tháng Ba năm 2005, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng rằng, chúng ta có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang rồi lính tới, chúng ta bị Hán hóa đứt đuôi!” May thay, đó là tri thức cũ, đã bị thế kỷ XXI loại bỏ!
Nhờ những phát kiến mới nhất về di truyền học, ta biết rằng, khoảng 70.000 năm trước, Người khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi men theo bờ biển Ấn Độ, Pakistan tới Việt Nam. Nhờ môi trường thuận lợi, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết, sinh sôi thành 4 chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ lan ra khắp lục địa Đông Nam Á, châu Úc, các đảo ngoài khơi rồi lên khai phá lục địa Trung Hoa để từ đó lên Siberi, vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.
Khoảng 15.000 năm trước, từ trung tâm Hòa Bình, người Việt cổ mang công cụ đá, cây kê, khoai sọ, lúa nước, giống gia súc lên đất Trung Hoa, bắt đầu gầy dựng nền nông nghiệp nơi này. Tới thiên niên kỷ IV TCN, người Việt sống trên duyên hải Đông Á chiếm tới 54% nhân loại và tạo dựng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước tiến bộ nhất hành tinh.
Sống trên lục địa Trung Hoa, trong hoàn cảnh địa lý và khí hậu khác nhau, các tộc người Việt phân ly thành khoảng hơn 20 nhóm khác nhau, được lịch sử gọi là Bách Việt. Khoảng thiên niên kỷ V TCN, tại vùng hoàng thổ Hoàng Hà, có sự tiếp xúc giữa người Bách Việt nông nghiệp và người du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam, mà theo tài liệu khảo cổ, là chủ nhân văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà, chiếm đất của người Việt. Lãnh tụ Bách Việt là Đế Lai hy sinh, Lạc Long Quân, một lãnh tụ Việt, dẫn đoàn quân dân Việt dùng thuyền ra biển xuống phía nam, đổ bộ vào Nghệ Tĩnh. Do cùng chủng tộc và cùng tiếng nói, đoàn thuyền nhân được người bản địa cưu mang. Sau đó Lạc Long Quân chuyển lên vùng Việt Trì lập nước Văn Lang. Sắc dân Mongoloid trong đoàn di tản hòa huyết với người bản địa, tạo ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, dần dần trở thành đa số. Những người Mongoloid phương Nam mới sinh này là tổ tiên trực tiếp của người Việt (Kinh) hiện đại chúng ta. Nhiều di chỉ mộ táng mà tiêu biểu là khu mộ Mán Bạc, Ninh Bình chứng tỏ điều này.
Khi vào phía nam Hoàng Hà chiếm đất Bách Việt, người Mông Cổ từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của người bản địa. Với thời gian, số lượng người Mông Cổ ít ỏi hòa huyết với người Bách Việt, trở thành người Mongoloid phương Nam, được gọi là Hoa Hạ. Dần dần, như vết dầu loang, chủng Hoa Hạ trở nên thành phần chủ thể trên đất Trung Hoa. Là con cháu của người Bách Việt, người Hoa Hạ tiếp thu nghề nông cùng văn hóa Bách Việt để tạo dựng nền văn hóa Hoa Hạ rực rỡ vào khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN.
Như vậy, bức tranh thời tiền sử Đông Á được vẽ bằng những nét chính sau:
• Tổ tiên người Việt có mặt sớm nhất trên địa bàn Đông Á. Lịch sử người Việt có hai thời kỳ. Thời kỳ đầu từ đất Việt đi lên khai phá Trung Hoa. Thời kỳ sau, từ Trung Hoa trở về xây dựng Việt Nam.
• Người Việt cổ thuộc nhóm loại hình Australoid xây dựng trên địa bàn Đông Á nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phát triển sớm và rực rỡ nhất thế giới.
• Người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện đại ra đời do sự hòa huyết giữa người Bách Việt nông nghiệp và Mông Cổ du mục, khoảng 2600 năm TCN.
• Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có mặt trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là của người Việt.*
Một phác đồ như vậy về tiến trình lịch sử của tổ tiên, chúng ta có thể tìm ra nhờ hỗ trợ của khoa học nhân loại. Nhưng việc xác định nền văn hóa đó là gì, gồm những yếu tố nào và tác động của chúng ra sao đến sự phát triển tương lai của dân tộc là điều cực kỳ khó mà chúng ta phải tự tìm ra vì không ai làm thay được!
Trên cơ sở phát hiện cội nguồn theo di truyền học và liên kết những tri thức khảo cổ học, nhân chủng, văn hóa học… ta có thể nhận ra những thành tựu văn hóa mà tổ tiên chúng ta sáng tạo trên địa bàn Đông Á:
• Sáng tạo công cụ đá mài, tiêu biểu là rìu đá.
• Sáng tạo Dịch
• Sáng tạo chữ viết
• Sáng tạo cây trồng, gia súc.
• Sáng tạo đồ đồng
• Sáng tạo Lễ, Nhạc, ca dao, tục ngữ…
Tuy nhiên, qua thời gian 4500 năm từ ngày bị xâm lăng, người Việt bị mất đất đai, lịch sử, văn hóa…. Tuy duy trì được giang sơn riêng của Lạc Việt, tộc cuối cùng trong dòng Bách Việt là điều kỳ diệu nhưng rõ ràng chúng ta bị tha hóa. Từ vị trí tiền bối của người Trung Hoa, chúng ta bỗng bị coi như con cháu của họ. Từ vị trí thày dạy người Trung Hoa non trẻ, chúng ta trở thành học trò học mót của họ từ Thi, Thư đến Lễ, Nhạc. Chúng ta mất chữ nên phải học chữ của tổ tiên qua sách Tàu! Tất cả những nghịch lý như vậy biến chúng ta thành kẻ hèn nép bóng Trung Hoa, là cái bóng mờ nhạt của văn hóa Hoa Hạ. Bao thế hệ con cháu lạc đường!
Rất may mắn cho chúng ta là, nửa thế kỷ trước, trong khi những thông tin về nguồn cội, về lịch sử còn rất mù mờ thì triết gia Kim Định bằng dự cảm thiên tài, bằng chiêm nghiệm, quán tưởng, giải mã những truyền thuyết, huyền thoại Việt đã phát kiến ra bản sắc của văn hóa Việt với những đặc trưng sau:
1. Người Việt quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa” : Vũ trụ vận hành đi lên với 3 phần Dương, và 2 phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối mà nay gọi là phát triển bền vững. Quan niệm này trái ngược với văn minh du mục trọng động đẩy vũ trụ vận hành 4 Dương 1 Âm, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy , một sự phát triển quá nóng đưa Trái đất tới hủy diệt.
2. Từ trong bộn bề văn hóa phương Đông với Khổng nho, Hán nho, Tống nho… Kim Định tìm ra Việt Nho: nền văn hóa nguyên sơ của người Việt, mà ông gọi là Nguyên Nho với nội dung: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Việt nho quan niệm trong tam tài thiên – địa – nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chật mà còn sống trong tâm linh, trong tương quan với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt, không vô vi lánh đời mà sống tích cực tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4. Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.

Đấy chính là hạt nhân minh triết tồn tại trong tầng sâu văn hóa Việt. Và cũng chính những hạt nhân này tỏa năng lượng nuôi sống văn hóa Việt hàng vạn năm nay.
2. Minh triết Việt trong kỷ nguyên mới
Cùng một lần ra khỏi châu Phi 85.000 năm trước, nhưng khí hậu và đất đai khác biệt đã chia loài người thành nửa Đông nửa Tây với hai phương thức sống phân biệt. 80% dân châu Âu là con cháu những bộ lạc du mục, trong khi người Á Đông là con cháu của tổ tiên cấy trồng. Phương thức sống khác nhau đã tạo hai văn hóa khác nhau. Phương Tây du mục trong cuộc sống du cư luôn khai thác chiếm đoạt thiên nhiên và tranh giành với đồng loại. Để sinh tồn, họ buộc phải tạo những thủ lĩnh mạnh dẫn dắt bầy đoàn. Từ đó, dẫn tới óc tôn sùng lãnh tụ cùng sức mạnh cá nhân cần cho cuộc sống cạnh tranh, chiếm đoạt. Từ xa xưa, những bộ lạc du mục bên bờ Địa Trung Hải lớn dần, trở nên những thành bang rồi những quốc gia chiếm hữu nô lệ với những người lính và những cuộc xâm lăng cướp bóc. Tiếp đó, văn minh du mục chuyển hóa thành những hội đoàn công nghiệp, thương nghiệp với những đội thương thuyền dọc ngang trên biển buôn bán và chiếm thuộc địa. Trong khi phương Đông nông nghiệp cần ổn định, hợp tác, hòa hợp với thiên nhiên. Đông và Tây, nông nghiệp và du mục khác nhau như nước với lửa.
Hai ngàn năm qua, nói cho cùng, mọi biến động trên thế giới là sự tranh chấp khốc liệt giữa văn minh du mục và văn minh nông nghiệp. Văn minh du mục không chỉ là vó ngựa Mông Cổ mà còn là những cuộc thánh chiến, những cuộc xâm lược của các cường quốc phương Tây, là hai cuộc chiến tranh thế giới, là chủ nghĩa phát xít, là chủ nghĩa Staline toàn trị, là sự tàn phá môi sinh, là cuộc xâm lăng văn hóa đang diễn ra cùng sự xuất cảng suy thoái kinh tế của phương Tây ra toàn cầu… Trước mối đe dọa hủy diệt cuộc sống Trái Đất, nhiều thức giả phương Tây đã « Hành trình về Phương Đông » để tìm bí mật của Tây Tạng huyền bí, về giáo lý đạo Phật, tìm về Khổng giáo, về Lão Tử… Nhưng cho tới nay, điều cần nhất vẫn chưa tìm được! Một sự bối rối lúng túng như F. Julliens thừa nhận : «Với những huyễn tưởng phương Đông, họ tưởng tìm ra Minh triết, nhưng không phải thế. Người ta nghĩ phương Đông là mặt trái của phương Tây, bây giờ phương Tây gặp nhiều vấn đề lủng củng thì họ tìm đến mặt trái của nó để may ra tìm được cái gì hay hơn, tốt hơn. Họ tìm cái phi lý của phương Đông để đối lại với cái khủng hoảng duy lý của phương Tây hiện nay. Họ cho rằng phương Đông là phi lý, không có tính hiệu quả, nhưng tôi thấy rằng phương Đông là duy lý, theo cách của nó. Phương Tây có những vấn đề của nó, vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận. Họ tưởng rằng tìm tới phương Đông là tìm những lời giải đáp cho vấn đề này, nhưng ở phương Đông không hề đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa tự do và quyết định luận, chưa từng đặt ra và sẽ không đặt ra. Phương Đông không quan tâm vấn đề này. „* *
Đấy là sự thật, nhưng sự thật này phản ánh sự thất bại của phương Tây vì chưa hiểu phương Đông và cũng là thất bại của phương Đông vì chưa hiểu chính mình.
Giữa thế kỷ XIX, khi nhận ra « Mỗi lỗ chân lông chủ nghĩa tư bản đều ứa máu vô sản », K. Marx và Engels đề xuất chủ nghĩa Cộng sản, mong đem lại công bằng xã hội, cứu rỗi triệu triệu chúng sinh bị đày đọa. Nhưng rồi, sau 70 năm thực hành « chủ nghĩa xã hội hiện thực », chứng kiến những tội ác mà nhiều chế độ cộng sản gây cho con người cùng sự suy sụp của những nền kinh tế phi tư hữu, đại đa số nhân loại đã thất vọng về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng hôm nay, trước cuộc khủng hoàng tài chình toàn cầu do chủ nghĩa tư bản gây nên, dường như nhiều người lại quay về mong tìm thuốc chữa ở chủ nghĩa cộng sản? Nhưng đấy không phải sáng suốt mà phản ánh sự lúng túng, bất lực, cho thấy trí tuệ nhân loại đã tới chỗ khốn cùng !
Muốn giải quyết vấn nạn này, thiết tưởng phải có tầm nhìn bao quát và căn để hơn.
Thực tế cho thấy, chủ nghĩa cộng sản với chủ trương xóa bỏ tư hữu, chuyên chính vô sản, « tước đoạt lại của kẻ tước đoạt »… Nghĩa là vẫn áp đặt chuyên chính của giai cấp này lên giai cấp khác, cho phép sự tuớc đoạt bằng vũ lực của người này với người khác. Hơn nữa, khi tư hữu bị xóa bỏ, con người bị tha hóa… Vì vậy, nó chỉ là cực đối nghịch của chủ nghĩa tư bản và cùng nằm trong quỹ đạo của văn minh du mục. Thực tế lịch sử cho thấy, văn minh du mục đang hủy diệt thế giới !
Vậy liệu có không con đường thoát khỏi ngõ cụt này ?
Đó là con đường trở lại với minh triết phương Đông.
Khi nhìn thấu lịch sử 160.000 năm của Người Hiện đại, ta thấy rằng, 70.000 năm trước, nhóm người tới Việt Nam và Đông Nam Á đã may mắn gặp được địa đàng, tức gặp được điều kiện sống thuận lợi nhất. Trong điều kiện khí hậu mát mẻ, thức ăn dồi dào, người Đông Nam Á sinh sản nhanh, sống tập trung mà mau chóng sáng tạo những công cụ chinh phục tự nhiên. Khoảng 20.000 năm trước, trong khi toàn châu Âu còn phủ băng tuyết, người phương Tây sống vất vả trong những hang băng để săn bắt hái lượm thì người Đông Nam Á bắt đầu thuần hóa cây kê làm thức ăn, chế tác đá mài và suy ngẫm về vũ trụ với Âm Dương, Ngũ hành và phát minh những ý tưởng đầu tiên về Dịch lý. Rồi khoảng 15.000 năm trước, băng hà bắt đầu tan, nước biển dâng, vùng đất Việt Nam và Đông Nam Á trở nên nóng và ẩm : cây lúa nước ra đời. Một hiền giả nói chí lý rằng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Sự định cư, sự đòi hỏi kỷ luật cấy trồng nghiêm nhặt về thời vụ, tưới tiêu, về hạt giống, chăm bón… trong sự khôn ngoan thích ứng với thiên nhiên, buộc con người không chỉ tôn trong tự nhiên mà còn phải tôn trọng năng lực cộng đồng: “Khôn độc không bằng ngốc đàn”, “Một cây làm chẳng nên non”. Tuy vậy cũng đánh giá cao vai trò cá nhân: “Một người lo bằng kho người làm”, “Nó lú nhú có chú nó khôn”… Đấy chính là những hạt minh triết nảy sinh từ văn hóa nông nghiệp Việt tộc, tạo nên cái khôn ngoan phương Đông. Và điều khôn ngoan nhất mà người Việt tích lũy được đó là dịch lý, là sự tương sinh, tương khắc của Ngũ hành, là sự làm ra sách Dịch phản ánh bản thể và sự vận hành cúa vũ trụ cùng nhân sinh. Đó là sự đúc kết Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh, là đạo Việt An vi, là “tham thiên lưỡng địa” là cơ chế bình sản!
Nói ra những điều này hôm nay dường như là sự lạc điệu bởi chủ nghĩa tư bản đang tăng tốc đi theo con đường tự hủy điệt của mình. Hãy nghe ông Barack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ trong lễ nhậm chức:
“Chúng ta vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất, mạnh nhất trên trái đất.” Đấy là sức mạnh của chúa sơn lâm. Nhưng trong kinh Đại Niết bàn, Đức Phật dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” - ăn thịt chúa sơn lâm lại chính là loài sán, loài giun trong bụng nó! Làm sụp đổ nước Mỹ chính là những bệnh hoạn nảy sinh trong lòng nước Mỹ!
Căn bệnh đó là gì?
Tưởng như có lúc ông Obama tỉnh táo nhận ra: “Càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy cách chúng ta sử dụng năng lượng càng khiến kẻ thù của chúng ta mạnh thêm trong lúc trái đất càng bị đe dọa thêm.” Nhưng không phải vậy, người đứng đầu nước Mỹ khẳng định: “Chúng ta sẽ không xin lỗi vì cách sống của chúng ta và không do dự khi bảo vệ lối sống này.” Thật đáng sợ là căn bệnh ngạo mạn nhiễm vào lục phủ ngũ tạng Mỹ. Theo một thành ngữ Phương Tây, đấy là sự ngạo mạn của con chuột chui sừng bò!
Căn bệnh nan y tàn phá nước Mỹ không gì khác hơn chính là lối sống Mỹ. Tám mươi năm trước, văn hào Nga Marxim Gorky gọi New York là “Thành Phố Con Quỷ Vàng”. Một cỗ máy khổng lồ với vòng xoáy đến chóng mặt, biến tất cả những gì rơi vào đó thành vàng. Nay thì không vậy nữa. Cả nước Mỹ là một Thành Phố Con Quỷ Rác: vòng xoáy ma quái biến tất cả những gì rơi vào nó thành rác! Một người Mỹ tiêu hao năng lượng gấp 50 lần công dân bình thường của thế giới. Nước Mỹ thải ra 1/4 khí nhà kính! Sự tiêu xài quá trớn biến nước Mỹ thành lò lửa ma quỷ đốt vật chất của hành tinh. Như con quỷ đầy quyền năng, chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ kéo cả thế giới vào vòng xoáy của mình. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazinlia, Mehico và nhiều nước khác trở thành những “công xưởng thế giới” chỉ nhằm phục vụ sự tiêu xài Mỹ. Nhưng như mọi người đều biết, tài nguyên hành tinh là có hạn, ngay cả bầu khí quyển bao la kia cũng vô cùng chật hẹp, làm sao có thể thỏa mãn lòng tham không đáy bị chủ nghĩa tư bản nâng lên thành thần tượng của lối sống Mỹ? Và nghịch lý thay, trong khi người Mỹ hoang phí nhất thế giới thì nước Mỹ lại là con nợ lớn nhất hoàn cầu! Ông Obama cố tình quên hay không biết rằng, sự thịnh vượng của thế giới cũng như nước Mỹ thập kỷ qua là giả tạo? Từ sản lượng có thực khoảng 50 ngàn tỷ đô, trò lừa đảo Mỹ đã gian dối tố lên thành con số 500 ngàn để kích động nhân loại vào cuộc đua tiêu phí, đẩy nhân loại vào đại họa thủ dâm kinh tế! Khi tiêu đến đồng đô la thực cuối cùng, sự sụp đổ phải đến!
Do không bắt được căn bệnh Mỹ, thày lang Obama kê toa thuốc cũ mẻm: “Chúng ta sẽ hành động – không chỉ để tạo ra những việc làm mới, mà còn để đặt một nền móng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây dựng cầu, đường, các lưới điện và đường dây kỹ thuật số để cung cấp cho thương mại và kết nối chúng ta lại với nhau. Chúng ta sẽ khôi phục khoa học ở vị trí đúng đắn của nó, sẽ sử dụng các điều kỳ diệu của công nghệ để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và hạ giá thành của nó. Chúng ta sẽ khai thác năng lượng từ mặt trời, từ gió và đất để cung cấp nhiên liệu cho xe hơi và vận hành các nhà máy của chúng ta. Và chúng ta sẽ chuyển các trường học, trường học phổ thông và đại học để đáp ứng các nhu cầu của một thời đại mới.”
Cách chữa trị như thế được người Việt gọi là đau nơi giác nẻo! Nước Mỹ đâu có khốn khổ vì thiếu cầu cống, đường sá, vì giáo dục tồi, khoa học kém?!
Nước Mỹ có thể làm những điều này nhưng không bao giờ lấy lại được niềm tin cũng như sự thịnh vượng xưa! Bảy trăm hay bảy ngàn tỷ kích cầu cũng vô nghĩa như muối bỏ bể, chỉ làm nặng thêm gánh nợ Mỹ. Nước Mỹ có thể phát động vòng xoáy tiêu phí mới! Nhưng thử hỏi, điều gì đang chờ ở cuối cái vòng xoáy oan nghiệt ấy? Phải chăng lại một cuộc khủng hoảng mới?!
Ngay cả khi kịch bản trên được thực hiện thì điều gì sẽ xảy ra, ta có thể thấy trước. Đường sá, cầu cống được xây dựng, nhiều người có việc làm, thu nhập cao và lại thỏa sức tiêu xài. Và những dòng hàng hóa giá rẻ từ khắp nơi trên thế giới chảy vào nước Mỹ. Tại những “công xưởng của thế giới” một số người có việc làm, cuộc sống khá hơn. Nhưng sẽ có hàng triệu người mất ruộng đất, hàng triệu mẫu rừng bị phá hoại, tài nguyên khoáng sản bị khai thác kiệt quệ, môi sinh bị ô nhiễm. Kết quả là hàng triệu người bị bần cùng. Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin, những người khốn khổ sẽ nhận ra sự bất công giữa thiên đường Mỹ và sự khốn cùng của họ. Lúc đó không chỉ có một Bin Ladel đánh bom nước Mỹ!
Nước Mỹ chưa có đường ra. Đó là những gì thấy được từ diễn văn nhậm chức của vị tổng thống mới!
Suy cho cùng, sự sụp đổ kinh tế là hậu quả của sụp đổ văn hóa. Ông Obama cũng như bộ sậu của ông chưa nhận ra điều cốt lõi này!
Và nói chung, nhân loại cũng chưa thức tỉnh !
Nhưng chính lúc này đây, con người phải nhận ra đặc điểm của thời đại mình đang sống để cứu hành tinh, cứu con người trước khi quá muộn. Đặc tính của kỷ nguyên này, từ đau khổ, từ máu, nước mắt và sự thất bại của mình, con người nhận ra : đã tới lúc từ bỏ văn minh du mục, dù là tư bản hay cộng sản để trở về với văn hóa nông nghiệp cội nguồn. Phải chuyển từ kích cầu trở về kiệm ước để đưa thế giới trở lại quan hệ « tham thiên lưỡng địa ». Thiên nhiên với rừng núi, sông biển, hầm mỏ được bảo vệ và khai thác sao cho hiệu quả bền vững. Từ tài sản tập trung cao độ cho số ít trở thành bình sản, trong ý nghĩa tốt đẹp của nó : không còn ai quá giàu đến mức trở thành tai họa với đồng loại và cũng không còn ai trắng tay vô sản…
III. Kết luận
Từ xa xưa người Việt vẫn cảm nhận rằng mình là cháu con của dân tộc minh triết. Những hạt minh triết luôn lấp lánh tỏa sáng trong cuộc sống. Thức giả Việt từng băn khoăn tìm một định nghĩa minh triết và liệt kê nhiều nhiều biểu hiện của minh triết. Nhưng chưa ai biết nguồn cội minh triết là gì. Cho đến nửa thế kỷ trước, bằng quán tưởng, bằng giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, triết gia thiên tài Kim Định đã đốn ngộ phát hiện cội nguồn minh triết Việt. Phát kiến lớn về văn hóa Việt của ông được đông đảo sinh viên Sài Gòn một thời hoan hỷ hưởng ứng. Nhưng rồi sau đó học thuyết của ông bị nhiều học giả Sài Gòn phản bác. Tiếp theo là giải phóng miền Nam, sách của ông bị coi là phản động, bị cấm đoán. Hơn 40 năm, những phát hiện mới mẻ, “động trời” khiến có thể khơi dậy hiểu biết cùng lòng tự hào dân tộc bị bỏ quên hoặc phủ nhận một cách oan uổng, trong khi khoa học xã hội nhân văn của chúng ta lạc đường.
Nay, khi khoa học nhân loại cung cấp những chứng cứ xác thực giúp tìm lại cội nguồn sinh học cũng như cội nguồn văn hóa của dân tộc thì cũng là lúc chúng ta xác lập được cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định. Là người mấy năm nay tiếp cận với học thuyết Kim Định, đã đọc qua gần như toàn bộ trước tác của ông, hơn 40 quyển, và viết một số bài phê bình cũng như bảo vệ ông, tôi nhận thấy, tuy có những sai lầm và hạn chế nhưng cống hiến của triết gia thiên tài này cho văn hóa đất nước là rât lớn. Việc nghiên cứu di sản của ông sẽ tạo giai đoạn mới cho sự phát triển của học thuật và văn hóa Việt. Điều quan thiết là nó giúp định hướng cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại trong kỷ nguyên mới.

                                                                                                                                   Sài Gòn 14.9.09

Tham khảo                                                                                                                
* Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
**F. Jullien- Bài nói tại Trung tâm Minh triết Việt Nam, tháng 9.2008. http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm