TRANH LUẬN VỚI TRIẾT GIA FRANÇOIS JULLIEN


Bài “Bàn về minh triết”* ghi lại buổi nói chuyện của Giáo sư F. Jullien tại Trung tâm Minh triết Việt Nam ngày 8. 9. 2008 gồm 3 phần. Tôi xin có đôi lời thưa lại với Giáo sư về phần thứ 3: “Minh triết và thời đại.”

1. Quan niệm về minh triết

Dẫn từ “sagesse” (minh triết) của Pháp ngữ và nhiều tác giả khác, GS. F. Jullien cho ta thấy, văn hóa phương Tây có quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó", "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống". Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, minh triết (明 悊) thì Minh (明) là sáng mà Triết (悊) cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Triết (晢) còn nghĩa khác là trí tuệ. Minh triết là trí tuệ sang 1áng. Theo cách giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng!
Như vậy, minh triết có nghĩa là trí tuệ sáng láng. Trong sự hiểu của tôi, Minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt kết lắng trong chiều sâu của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.“
GS F. Jullien cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy „
Tôi cho rằng, nếu hiểu đúng theo như quan niệm phương Đông thì minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu ít nhất khoảng 15000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Paul C. Mangelsdorf đã nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi sự hoang dã, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân. Con người bắt đầu biết “Trông trời trông đất trông mây…”, biết “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, nghe thấy tiếng sấm phất cờ mà lên”, biết “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám” và biết “Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, biết “Xanh nhà hơn già đồng”. Đồng thời cũng biết: “Khôn độc không bằng ngốc đàn” và “Một người lo bằng kho người làm”. Không chỉ vậy, Minh triết còn là “Người là hoa của đất”, là “Yêu em từ thuở lên ba, mẹ bồng ra ngõ hái hoa em cầm” … Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi người vô danh trong dân gian, để nạp vào bộ nhớ dân gian và tạo thành văn hóa dân tộc. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bên vững, thành phẩm chất di truyền (fenotipe) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Điều này được thấy rõ trong thí dụ sau. Khi phát hiện những sắc dân thiểu số Indean ở Caduevo miền Bắc Canada có tập quán rất giống với dân vùng Nam Trung Hoa như tôn trọng phụ nữ, sống hài hòa với thiên nhiên, người ta giải thích rằng đó là do hoàn cảnh sống giống nhau, đưa tới những cách sống tương đồng. Nhưng sau này, khi phát hiện rằng, tổ tiên những dân thiểu số châu Mỹ đó đã từ Đông Dương tới thì mọi người hiểu: những nét văn hóa đó được mang theo từ Đông Nam Á. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung vào trầm tích văn hóa.

2. Minh triết và triết học

Trong những quan niệm đa chiều của phương Tây về quan hệ giữa minh triết và triết học, tôi ủng hộ ý tưởng cho rằng “minh triết ở trên triết học.“ Minh triết là mảnh đất màu mỡ của tâm hồn, trí tuệ và trên đó nảy sinh cây triết học. Nhưng khi đã thành “cây“ rồi, triết học tư biện coi khinh mảnh đất minh triết, nên mất dần sức sống, trở nên cằn cỗi và khủng hoảng. Điều này thấy rõ trong triết học Hy Lạp nói riêng và triết học phương Tây nói chung.
Về lịch sử, ta thấy, 80% dân châu Âu hiện đại là con cháu những người sống bằng hái lượm, rồi sau chuyển sang du mục, những người không có văn hóa và cố nhiên không có cả minh triết. Chỉ có 20% là dân nông nghiệp từ Trung Đông sang. Văn hóa và minh triết châu Âu có được chính là nhờ ở dân nông nghiệp này. Nhưng do số dân ít nên lớp trầm tích minh triết quá mỏng. Sự bùng phát rực rỡ của văn minh Hy Lạp không phải do nội tại mà là yếu tố ngoại lai. Thành bang Athene đã nhận văn minh của Ai Cập phương Đông từ trước thời Plato. Sau cuộc chinh phục của Alexander, Aristotele thày của vị hoàng đế này đã thu nhận toàn bộ thư viện của Ai Cập, và nhờ là “kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại“, ông đã thành „người khổng lồ“. Cuộc cướp bóc đã đưa lại sự phồn vinh về văn hóa, trong đó có cả minh triết cho Hy Lạp.
Chính nhờ vậy, triết học Hy Lạp ra đời. Dựa trên lượng minh triết vay mượn của phương Đông, triết học Hy Lạp bừng nở nhưng rồi sớm mất sức sống. Khi „chất màu mỡ minh triết“ cạn kiệt, triết học phương Tây trở thành thuần túy tư biện. Có thể hình dung số phận của triết học phương Tây hiện đại như thế này: một ai đó đưa ra lý thuyết mù mờ và được một số người ủng hộ. Họ kết thành trường phái, thống lĩnh diễn đàn. Thời gian sau, người ta tỉnh ngộ và thấy thuyết đó vô bổ. Lúc này lại có một thuyết mù mờ khác phủ định cái thuyết mù mờ trước. Họ lại có những ủng hộ viên và thành trường phái mới... Tuy có nhiều lịch sử nhưng triết học dần dần đi tới sự khốn cùng. Minh triết phương Đông không bao giờ tự cho là thần thánh. Nó cũng không kết thành những trường phái mà an nhiên sống vô tư, bất diệt giữa cuộc đời, tỏa ánh sáng và sức nóng dẫn dắt xã hội.

3. Minh triết và chính trị

Giáo sư F. Jullien nói: „Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định“ và „ Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.“
Có đúng vậy không? Theo tôi không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền bá „đạo“, không chịu bàn đến „lợi“ của các vương hầu mà cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Khuất Nguyên can vua không được mà tự trầm. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất là trường hợp 4 anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc: Sau khi 3 người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng „Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng „Thất trảm sớ“ không được chấp nhận thì cáo quan hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì „bất đắc chí“... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nề của phong kiến thế tập châu Âu Trung cổ, đã từng mơ ươc về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép „đổi nó đi!“ Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức!
Giáo sư F. Jullien còn nói: „Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn.“ Tôi cho rằng cái đó là không đúng. Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa, „Thái hòa“ là mặt quan trọng của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: „Cùng tắc biến, biến tắc thông“. Phương Đông không can thiệp „ngang xương“ vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách nhi nhiên, tự nhiên.

4. F. Jullien và đạo Phật

Giáo sư F. Jullien nói: „Trong sách tôi ít nói đến Phật giáo bởi vì tôi nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ đại, mà thời cổ đại Hy Lạp tương ứng với cổ đại Trung Hoa và lúc ấy chưa có Phật giáo. Lý do nữa là Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, Ấn Độ cũng có liên hệ với phương Tây ở gồc Ấn - Âu... Phật giáo, từ gốc của nó đã có liên hệ gì đó với phương Tây ở gốc Ấn - Âu...“
Rõ ràng Giáo sư đáng kính đã lầm lẫn. Phật giáo xuất hiện đồng thời với Nho giáo và triết học Hy Lạp cổ đại, khoảng thế kỷ V TCN. Sai lầm nghiêm trọng hơn khi ông cho Phật giáo „từ gốc có liên hệ với phương Tây.“ Điều này thuộc về kiến thức văn hóa lịch sử phổ thông. Theo tri thức mới nhất thì, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid từ Đông Dương di tản tới Ấn Độ. Muộn hơn một chút, những nhóm Việt khác cũng từ Tây Nam Trung Quốc vào đất Ấn. Người Australoid lan khắp Ấn Độ, được lịch sử gọi là người Dravidian, là chủ nhân nền văn hóa lúa nước sông Indus rực rỡ.
Khoảng 1500 TCN, người Arian thuộc đại chủng Europid từ Iran xâm nhập Ấn Độ, thống trị dân Dravidian. Từ văn hóa Dravidian, người Arian xây dựng nên văn hóa Ấn Độ, trong đó có đạo Phật.
Người châu Âu là do một nhánh khác của Europid từ Trung Đông di cư vào châu Âu. Như vậy, tuy cùng mã di truyền và tương đồng ngôn ngữ nhưng giữa người Ấn và người Âu khác nhau về văn hóa. Văn hóa Ấn, dù là người Indoeuropian cũng hoàn toàn là văn hóa phương Đông. Khi ít nghiên cứu Phật giáo với hàm lượng minh triết cao, tri thức về minh triết không thể không thiếu hụt.

5. Kế luận

Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan niệm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: „Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...“ theo tôi là xui dại. Minh triết là... Minh triết, có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dười dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Ông Mác nói rất chí lý: „Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài“. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Minh triết là hòn đá thử vàng chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng của chính thể. Và đó là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó chỉ là cái bóng mờ của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng.
Tôi nghĩ rằng, buổi nói chuyện của Giáo sư F. Jullien rất có ích vì giúp chúng ta nhận biết hàm lượng minh triết thấp trong văn hóa phương Tây dẫn tới quan niệm tiêu cực về minh triết. Nó cũng cho thấy minh triết không phải là sở trường của học giả phương Tây. Từ đó, chúng ta thêm tự tin nghiên cứu minh triết của mình.


                                                                                                                          Sài Gòn, 9.09.

* http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm