VĂN HÓA HÒA BÌNH MỐC SON TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

 

 Ngày 13 tháng 6 năm 2023, nhóm năm nhà khoa học quốc tế gồm Kira Westaway, Meghan McAllister-Hayward, Mike W Morley, Renaud Joannes-Boyau, Vito C. Hernandez (1) công bố khám phá mới nhất của họ về Hang Khỉ gây chấn động. Hang Khỉ (Tam Pà Ling cave) Bắc Lào đươc phát hiện từ năm 2009. Từ đó đội khoa học không ngừng bám trụ và tìm được năm hóa thạch của người hiện đại, có niên đại từ 35.000 đến 67.000 - 73.000 năm. Lần này tìm được mảnh xương sọ của một cá nhân sống từ 68.000 - 86.000 năm trước cho phép xác định sự hiện diện liên tục của con người trong khu vực Đông Nam Á trong 50.000 năm, đẩy lùi thời điểm con người đến Đông Nam Á. Con số 86.000 năm gây bất ngờ vì nó ra ngoài giới hạn ta vẫn biết về sự có mặt của người di cư châu Phi, khiến các nhà khoa học bối rối.

Nhận định về khám phá mới của nhóm Kira westaway, các học giả như Shackelford và Petraglia (2) cho rằng “Nhóm H. sapiens được đại diện bởi các hóa thạch tìm thấy ở Tam Pà Ling có thể đã tuyệt chủng.” “Nghiên cứu mới nhất đã bổ sung thêm ý kiến cho rằng đã có những cuộc di cư sớm hơn và rộng rãi hơn của con người hiện đại. Nó đang đặt một dấu chấm rất quan trọng trên bản đồ về di cư."

Bối rối là phải vì các nhà khảo cổ, như một thứ bệnh nghề nghiệp thường chú mục vào di chỉ đang nghiên cứu mà ít liên hệ tới những di chỉ xung quanh khiến với họ, Tam Pà Ling bị nhìn như một di chỉ mồ côi, không liên hệ với các địa chỉ khác trong vùng. Nếu nhìn Tam Pà Ling trong mối liên quan với các di chỉ khác, ta sẽ có nhận định khác.

Đúng là có những cuộc di cư sớm hơn của người hiện đại. Đó là cuộc rời châu Phi đầu tiên 130.000 năm trước. Con người từ Tây Bắc châu Phi tới Levant nhưng bị giá lạnh tiêu diệt tại đây 90.000 năm trước. Lần II: Rời châu phi 125.000 năm trước, 10.000 người từ Cửa Hồng Hải tới Bán đảo A Rập rồi đi về phương Đông. Không thể biết lộ trình cuộc di cư này. Chỉ biết, ở chặng cuối, họ bị hủy diệt tại Zhirendong Quảng Tây (116–106 kyr); Lunadong Quảng Tây (127–70 kyr); Fuyan Cave Hồ Nam (120–80 kyr); Huanglongdong Hồ Nam (100–80 kyr). Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng mảnh xương 86,000 năm ở Tam Pà Ling nước Lào cũng thuộc dòng người ra khỏi châu Phi đợt thứ hai này! Cả hai cuộc di cư này đã không thành công.

Cách Tam Pà Ling không xa, về hướng Đông Bắc, tại di chỉ Liujiang Quảng Tây, nơi phát hiện hộp sọ hoàn chỉnh của người đàn ông Mongoloid 68.000 năm tuổi, rất gần với hộp sọ 63.000 năm ở Tam Pà Ling. Con người ở hai địa điểm này thuộc đợt di cư thứ ba, cuộc ra khỏi châu Phi duy nhất thành công. 83.000 năm trước, 20.000 người từ cửa Hồng Hải sang Bán đảo Ả rập. Sau hơn 5000 năm lang thang ở đây để tăng nhân số và nhận một lượng gen Neanderthal, 76.000 năm trước, họ rời Bán đảo Ả rập đi về phương Đông. Trên đường đi, một dòng rẽ vào đất Ấn, làm nên dân cư đầu tiên ở Nam Á. 74.000 năm trước, núi lửa Toba phun trào hủy hoại môi sinh và tiêu diệt 20.000 người Nam Á. Trong khi đó, đoàn di cư chính đã tới cực Bắc của vòng cung Ấn Độ Dương nên may mắn thoát nạn. 70.000 năm trước, đoàn di cư với 10.000 người tới Đảo Borneo. Từ phía Tây Borneo, khoảng 6000 người tới Việt Nam. Khoảng 3000 người còn lại đi về phương Nam. Khoảng 500 người tới nước Úc. Như vậy, cả ba cuộc ra ngoài châu Phi, chỉ có cuộc thứ ba thành công, làm nên nhân loại ngoài châu Phi. Nhờ khảo cổ học phát hiện những di cốt quý giá ở Tam Pà Ling và Liujang, ta biết người di cư đã tới Đông Nam Á. Cũng lúc này, khảo sát DNA của dân cư đang sống trên thế giới, di truyền học phát hiện điều kỳ diệu: người di cư châu Phi đã tới Việt Nam và làm nên nhân loại! Kiểm lại cuộc di cư, ta thấy, trong số 10.000 người tới được Đảo Borneo có 4000 người đi xuống Nam Thái Bình Dương nhưng đã không thành công. Sau này từ hóa thạch hiếm hoi, được biết có một số ít người đã tới được Úc. Cốt sọ Australoid 68.000 năm tại Hồ Mungo châu Úc minh chứng cho điều này. Có thể đoán rằng có số ít người sống sót để sau này hòa nhập với dòng người di cư từ Việt Nam tới Úc 50.000 năm trước.

Như vậy là, 83.000 năm trước, 20.000 người rời Đất Tổ châu Phi làm cuộc phiêu lưu vô định trong suốt 13.000 năm để 6000 người tới được Việt Nam! Có thể coi đó là nhóm duy nhất thành công trong cuộc ra khỏi châu Phi lần thứ ba này. Từ 6000 hạt giống ban đầu ấy, 50.000 năm trước sinh ra 100.000 người từ Việt Nam đi ra chiếm lĩnh vùng đảo Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương, châu Úc và Ấn Độ. 40.000 năm trước có 40.000 người từ Việt Nam đi lên Hoa lục, làm nên tổ tiên người Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và thủy tổ người bản địa châu Mỹ và 10.000 người đi về phía Tây, làm sinh ra tổ tiên người châu Âu!

Khám phá điều thần kỳ đó không phải công trạng của khảo cổ mà của di truyền học. Thực tế cho hay, trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam, hài cốt người vùi trong lòng đất chỉ tồn tại trong khoảng 30.000 năm! Vì vậy, lẽ thường tình, hài cốt những người đặt chân tới Việt Nam 70.000 năm trước đã biến thành cát bụi. Với khảo cổ học, đó là khoảng sâu vô tăm tích. Mọi thước đo của nhà khảo cổ đều vô nghĩa! Khi cái thước đo của nhà khảo cổ học bất lực thì nhà di truyền học xuất hiện, giúp chúng ta khai mở những bí mật mà tự nhiên cất giấu trong màu huyết chúng ta. Chính nhờ di truyền học, ta biết, 70.000 năm trước Tổ tiên chúng ta được sinh ra từ núm ruột những người di cư châu Phi!

Một câu hỏi tự nhiên xuất hiện: Không có di cốt 70.000 năm trước, Hòa Bình có được công nhận là di chỉ văn hóa đầu tiên của con người ngoài châu Phi? Câu trả lời không còn trong thẩm quyền của nhà khảo cổ mà của nhà di truyền giải trình tự DNA máu huyết chúng ta!

Dù không tìm được xương cốt 70.000 năm trước thì Hòa Bình vẫn là di chỉ vĩ đại, thiêng liêng ghi dấu địa điểm định cư đầu tiên của con người ngoài châu Phi, làm nên nhân loại hôm nay. Chính vì vậy, Văn hóa Hòa Bình là mốc son rực rỡ trong lịch sử loài người!

 

                                                                                                                 Sài Gòn, 1.3.2024

 

Tài liệu tham khảo

1. Kira Westaway, Meghan McAllister-Hayward, Mike W Morley, Renaud Joannes-Boyau, Vito C. Hernandez. Bones the ‘Cave of the Monkeys’ and 86,000 years of history: new evidence pushes back the timing of human arrival in Southeast Asia

https://theconversation.com/bones-the-cave-of-the-monkeys-and-86-000-years-of-history-new-evidence-pushes-back-the-timing-of-human-arrival-in-southeast-asia-206232

 

2.Anna Salleh. Fossil bones found in Laotian cave are oldest evidence for modern humans in mainland South-East Asia, say scientists. ABC Science

https://www.abc.net.au/news/science/2023-06-14/oldest-evidence-for-modern-humans-in-mainland-south-east-asia/102471990