VIỆT NAM CÓ TRIẾT HỌC
KHÔNG?
Trước khi tiếp xúc với phương Tây,
phương Đông không có thuật ngữ triết học mà chỉ có chữ Triết 哲. Cấu tạo tượng hình gồm扌(bộ Thủ-tay) 斤 (bộ Phủ -
búa) và bộ khẩu 口(miệng). Có
thể hiểu theo nguyên nghĩa: tay cầm búa (dao) chẻ vật gì ra để xem xét rồi miệng
nói lời nhận xét về vật đó. Triết vốn là Chiết (bẻ, cắt) trong tiếng Việt cổ. Sách Thuyết văn giải tự viết :
Triết 哲 = 知也-tri dã ! triết là Biết vậy! Cũng còn những chữ Triết khác:
晢 bộ Khẩu được thay bằng bộ
Nhật, với nghĩa là đem sự hiểu biết, khám phá ra trước thanh thiên bạch nhật.
Chữ 悊 bộ Tâm với nghĩa khôn ngoan, trí tuệ, triết học.
Chữ 喆 gồm cặp đôi hai chữ Sỹ-Khẩu là miệng (tiếng nói) của nhiều kẻ sỹ
có nghĩa sáng suốt, khôn ngoan, trí tuệ.
Cổ nhân tổng
kết: 明知則哲-Minh tri tất Triết : đạt
tới sự hiểu biết sáng rõ đó là triết!
Như vậy, theo nguyên nghĩa của cổ nhân, ta có thể hiểu phương
Đông cho rằng Triết học là việc mổ xẻ, soi xét, phân tích sự vật để đạt tới hiểu biết
sáng rõ minh nhiên tận cùng về nó.
Câu hỏi được đặt ra: Việt
Nam có triết học không? Wikipedia tiếng Việt nói về Triết học Hy Lạp, Triết học
phương Tây, Triết học Ấn Độ, Triết học Trung Quốc nhưng không nói tới Triết học
Việt Nam! Cố nhiên, tác giả những dòng trên của Wikipedia nhận định theo quan
niệm phổ biến hiện nay, của học giới phương Tây. Theo đó thì không hề có cái gọi
là triết Việt. Điều này không lạ, vì ở thế kỷ XX, theo học giả Viễn Đông Bác cổ:
“Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, con cháu của Việt vương Câu Tiễn chạy xuống
Bắc Việt Nam, trở thành người Việt hôm nay.” “Tiếng Việt vay mượn 70% từ tiếng
Hán, chữ Hán là quốc ngữ của người Việt. Văn hóa Việt là sự vay mượn văn hóa
Hán chưa trọn vẹn.” Còn hiện nay, theo sử gia thời danh người Mỹ Keith Taylor,
thì “Cái được gọi là dân tộc Việt Nam chỉ là đám người nói tiếng Việt tụ tập
nhau tại châu thổ sông Hồng một vài thế kỷ trước Công nguyên.” “Lịch sử Việt
Nam chỉ là sản phẩm của lớp trí thức Hán hóa thời Trung đại viết ra dựa theo lịch
sử Trung Quốc. Trung Quốc có gì thì Việt Nam có nấy. Lịch sử Trung Quốc dài bao
nhiêu thì lịch sử Việt Nam dài bấy nhiêu.” (A history of the Vietnamese-2003).
Một dân tộc bán khai, không có lịch sử nên không thể có triết học!
Nhưng nay khoa học đã khám phá ra sự thực hoàn toàn khác: 70.000
năm trước, người khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt
Nam. Tại đây, những dòng người di cư hòa huyết sinh ra người Việt cổ mã di truyền
Australoid. 40.000 năm trước, người Việt đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. 7.000 năm trước,
tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ gặp gỡ hòa huyết với người Mông Cổ (cũng từ Việt
Nam đi lên 40.000 năm trước), sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid
phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu
vực Hoàng Hà. Trên đất Đông Á, người Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực
rỡ. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc xâm chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập
nhà nước Hoàng Đế. Tỵ nạn chiến tranh, người Việt từ vùng Núi Thái-Trong Nguồn
di cư xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp tới Việt Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển
hóa di truyền dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam, là người Việt hiện
nay. Người Việt ở lại Núi Thái-Trong Nguồn trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, sau
được gọi là người Hán. Tổ tiên người Hán là lớp con cháu do người Việt cổ sinh
ra 7000 năm trước.
Như vậy người Việt Nam được hình thành qua hai thời kỳ: thời kỳ
đầu mang mã di truyền Australoid đi lên khai phá Hoa lục. Tại Núi Thái-Sông Nguồn,
người Việt cổ sinh ra người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Từ giữa thiên
niên kỷ III TCN, một bộ phận người Việt hiện đại trở về Việt Nam, chuyển hóa di
truyền người Việt sang chủng Mongoloid phương Nam. Sau này, còn nhiều đợt di cư
của người Việt từ phương Bắc trở về quê cũ, góp phần làm nên con người, lịch sử
và văn hóa Việt Nam. Do lịch sử như vậy nên tiếng Việt là chủ thể làm nên tiếng
nói Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là
chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa. Thực tế đó nói rằng, người Việt Nam có đóng
góp quan trọng làm nên văn hóa Trung Hoa.
Nhưng tới
đây, một vấn đề được đặt ra: trong văn hóa Trung Hoa kỳ vĩ, phần sáng tạo của
người Việt thực sự là gì? Đó là câu hỏi hóc búa, giống câu đố tách nước sông khỏi
nước biển của triết gia Aesop xưa.
Nhưng may mắn là nửa thế kỷ trước, triết gia Kim Định đã tìm ra
đáp án. Dựa vào mấy dòng sử vắn tắt “Trước khi người Hán vào thì người Việt đã
chiếm lĩnh 18 tỉnh của Trung Quốc và xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ,” Kim Định cho rằng, là dân cư nông nghiệp nên người
Việt đã sáng tạo Nguyên Nho hay Việt Nho là văn hóa Nho học nguyên thủy với nội
dung nhân bản. Sau này chiếm đất của người Việt, người Hán học văn hóa Việt, một
mặt nâng thành kinh điển, mặt khác lại làm suy đồi Việt Nho thành Hán Nho, Tống
nho xu phụ triều đình, áp chế phụ nữ, dân thiểu số, xâm lăng các nước láng giềng.
Rõ ràng, đây là cuộc đại mổ xẻ, đại phân tích (chiết) để bóc
tách cái văn hóa Việt Nho nguyên sơ của người Việt khỏi khối hỗn độn được gọi
là văn hóa Hán. Đấy chính là ĐẠI TRIẾT. Nếu không có cuộc chia tách vĩ đại này,
ta sẽ mãi mãi mơ hồ không biết cái gì của mình, cái gì của người, dẫn đến tệ trạng
“ruột bỏ ra, da ôm lấy,” giữ mãi mặc cảm đau đớn: chữ của Tổ tiên thì cho là “từ
Hán Việt” để rồi luôn trong tâm trạng kẻ học nhờ đọc mướn. Không thể không dùng
nhưng mỗi khi dùng lại nhen lên mối căm uất với “cái công cụ mà kẻ ngoại xâm áp
đặt để đô hộ dân tộc mình!” Tiếng vốn của tổ tiên thì bị cho là vay mượn ngoại
bang. Hàng nghìn năm cúi đầu bái phục kinh Dịch “của Tàu” mà không biết rằng đó
là gia sản của cha ông mình. Rõ ràng, theo nghĩa phương Đông thì đây là cuộc ĐẠI
TRIẾT, ĐẠI CÁCH MẠNG, ĐẠI GIẢI PHÓNG VỀ VĂN HÓA TƯ TƯỞNG. Trong mọi cuộc giải
phóng thì giải phóng về văn hóa tư tưởng là cuộc giải phóng vĩ đại nhất!
Không chỉ tách Việt Nho khỏi Hán Nho mà Kim Định, từ cảm nhận
thiên tài cũng chỉ ra nội dung của Việt Nho với bốn nhân tố:
1. Quan niệm về vũ trụ
tham thiên lưỡng địa.
“Nhất âm, nhất
dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo!
Đạo ấy là bản thể và cũng là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra
đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao
nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt
tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên,
tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người
phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi
con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số
vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1
hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển.
Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ.
Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của
Cha, của Trời là 3 còn dành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất.
Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói
“tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là
3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cứng nhắc mà là tương quan biện
chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động
của phát triển.
2. Quan niệm nhân sinh:
Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Từ văn hóa
nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng,
vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung
tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa
với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ,
Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế
giới siêu nhiên khác.
3. Đạo Việt an vi.
Để sống được
trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo
An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh dành, chiếm đoạt.
Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh
đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi
mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo
vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích
chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
4. Bình sản
Ba hạt nhân
trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự
công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ
nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm
đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại
cách phân chia tài sản thời cổ, đó là cơ chế tỉnh điền: Cộng đồng
chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia
làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay
chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là tỉnh điền. Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được
nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước
năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, là ruộng của làng, không thuộc quyền
nhà nước, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
Trong cuốn Nhiệt đới buồn, nhà nhân văn lớn Levi’s Strauss có
khám phá quan trọng: “Tới cuối thời Đá mới, nhân loại đã sáng tạo văn hóa tinh
thần cao nhất. Các thời đại sau đó không thêm được gì mà tất cả chỉ là sự lặp lại.”
Người ta đọc ông trong tâm trạng hồ nghi vì không hiểu cái “đỉnh cao tinh thần”
đó là gì. Nhưng từ khám phá của Kim Định, ta nhận ra, Việt Nho chính là đỉnh
cao tinh thần mà Việt tộc đạt được từ hơn 4000 năm trước nhưng bị khuất lấp
trong bụi thời gian và bị văn minh vật chất phương Tây hủy hoại.
Có hai nguyên nhân để cho rằng Việt Nam không có triết học. Một
là quan niệm độc tôn độc đoán của triết học phương Tây không chấp nhận nền triết
học khác nó. Thứ hai là do chưa hiểu sử Việt. Nay, khi khám phá lịch sử và văn
hóa vĩ đại của tộc Việt, ta thấy người Việt có nền triết học vô cùng lớn và phong
phú. Đó là nền triết học nhân sinh, giúp con người tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ. Nay trong thời nhân loại khủng hoảng về trí tuệ. Triết học
duy lý đã chết còn khoa học không được Minh triết dẫn dắt, ngày càng phi nhân
tính, trở thành tai họa đe dọa hủy diệt loài người.
Chính trong lúc này, Minh triết Việt với bốn thành phần do kim Định
khám phá trở thành cứu cánh đối với sự tồn vong của nhân loại. Sẽ có ích nếu
các viện các khoa Triết mạnh dạn loại bỏ món “kê cân” triết học duy lý vô bổ để
nghiên cứu và học tập Triết Việt. Họ sẽ thoát thân phận mãi mãi là đám học trò
ngu ngơ mà chắc chắn những viện những khoa của họ sẽ trở thành thánh
đường của Minh triết. Trước khi dừng tay, người viết có đề nghị nhỏ: Đừng
gọi là Triệt học Việt Nam bởi lẽ nền triết này không chỉ của người Việt Nam mà
là tài sản chung của tộc Việt. Vì vậy xin gọi là TRIẾT VIỆT.
Sài Gòn, 16.10. 020