VỀ TƯỢNG THẦN CÔNG LÝ VIỆT NAM




Đến Việt Nam, người Pháp mang theo lính lê dương là nhà tù, tòa án với tượng bà đầm bịt mắt, tay cầm gươm, tay cầm cân, được gọi là thần công lý. Dân Hà Nội gọi là bà đầm mù. Không thể ngờ rằng bà đầm này lại được sinh ra một phần từ máu huyết Việt.
40.000 năm trước, sau khi làm chủ Hoa lục, một dòng người Lạc Việt chủng Indonesian từ phía Tây Hoa lục đi qua Trung Á vào vùng đất là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày nay. Tại đây họ gặp người Europid từ Trung Đông lên qua eo Bosphorus. Hai dòng người gặp gỡ hòa huyết, sinh ra người Europian với nước da ngăm, là tổ tiên của người châu Âu. Người Europian sống bằng săn hái và lan tỏa khắp châu Âu. Khoảng 8000 năm trước, người nông dân Tây Á đưa lúa mì và nho vào, tạo dựng văn minh nông nghiệp ở châu Âu trong thể chế mẫu quyền. Đa thần giáo phát triển với những vị nữ thần. Khoảng 4500 năm trước, những đoàn quân du mục hùng hậu từ vùng đồng cỏ phía Nam Nga với xe ngựa, kỵ sỹ mang búa đồng tràn vào châu Âu cướp và giết. Tại Hy Lạp, những ngôi làng của kinh tế nông nghiệp bị triệt hạ, nhân số giảm xuống. Sau nhiều thế kỷ, kinh tế nông nghiệp phục hồi trở lại. Nhưng lúc này, xã hội Hy Lạp thấm đẫm tinh thần du mục với sự thống trị của phụ quyền. Vẫn là tôn giáo đa thần nhưng hầu hết các nữ thần được thay bằng nam thần đực rựa. Chỉ còn rất ít nữ thần sống sót, trong đó có Themis - Nữ Thần Công Lý.



Nữ thần công lý không phải sản phẩm của chủ nghĩa tư bàn mà là kết tinh của minh triết nhân loại. Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền uy của toà án. Một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị. Một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý "mù loà", đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài. Cũng không bỗng dưng Thần Công lý lại là một phụ nữ. Bởi lẽ Người Mẹ là biều trưng của lòng nhân. Không có lòng nhân thì công lý chỉ còn là địa ngục. Chính là minh triết Việt đưa sang trời Tây đã góp phần làm nên sự minh triết trong biểu tượng nữ Thần công lý. Trong số nhiều tượng thần Công lý trên đời, tôi nhận thấy pho tượng ở Suginami-ku, Nhật Bản là ý nghĩa hơn cả. Người đàn bà Đông Á đầy sức sống, tay phải giơ cao cán cân công lý. Tay trái cầm gươm nhưng buông chùng xuống trong thế thư giãn như muốn nói rằng, quyền lực luôn có nhưng không phải là tất cả! Người Nhật cũng thật sáng tạo: không bịt mắt nữ thần. Họ dám bỏ qua cái thực thô sơ của thần thoại để cứu lấy CÁI ĐẸP bởi lẽ CÁI ĐẸP sẽ cứu thế giới!
Rất hiểu quý vị ngành Tòa án muốn có một biểu trưng của công lý Việt Nam. Tuy nhiên, xây dựng biểu tượng của công lý là điều không dễ. Trước hết, không thể chọn một người cụ thể. Không thể chọn đàn ông vì sẽ làm mất đi tính khoan dung nhân hậu của công lý. Không thể chọn ông vua vì vua là nhà cai trị, là người của trận mạc, tay không thể không dính máu. Càng không thể là Lý Nhân Tông. Trong việc trị quốc, ông có công làm luật, mở mang bờ cõi nhưng do là nhân vật lịch sử, ông đã từng gây tội ác. Lấy hình ảnh ông làm biểu trưng cho công lý, phải chăng quý vị muốn khơi sâu thêm nỗi đau lịch sử? Quý vị vô tư không hề nghĩ rằng, mỗi khi bước tới Tòa của quý vị, trong tâm khảm đồng bào Chăm lại nhói lên niềm oán hận?! Được biết, chủ xị của những bức tượng này là ông Nguyễn Hòa Bình, Trung ương ủy viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Cố vấn của ngài Chánh án là Giáo sư Sử học thời danh Nguyễn Quang Ngọc. Quý vị có tất cả: quyền cao chức trọng, học hàm học vị cùng mình nhưng vì chỉ thiếu một chút xíu: VĂN HÓA nên “thần Công lý Việt Nam” do quý vị sáng tạo thành thứ của học đòi, phản VĂN HÓA!
Việt Nam đang sống trong thế giới phẳng, nếu cần một biểu tượng của công lý, chúng ta nên dùng thần công lý chung của nhân loại nhưng không phải người đàn bà tóc quăn mũi lõ mà là người phụ nữ Việt Nam. Nhưng là khuôn mặt nào đây? Theo thiển ý, nên tạc khuôn mặt nữ thần có chút gì đó gợi nhớ đến nữ thẩm phán Phùng Lê Trân, người xử trắng án cho Tạ Đình Đề, vị thẩm phán duy nhất của 75 năm ngành Tòa án Việt Nam đã thành huyền thoại.
                 
                                                        Sài Gòn, 2.5.2020