Là sắc tộc đa số, giữ vị trí
trung tâm của cộng dồng dân cư Việt Nam nên từ cuối thế kỷ XIX, nguồn gốc, văn
hóa, lịch sử người Kinh được các học giả nổi tiếng phương Tây bỏ nhiều công sức
tìm hiểu. Sau khi giành được độc lập, các học giả người Việt trên cơ bản tiếp tục
đường hướng nghiên cứu này. Hơn thế kỷ khảo cứu của nhiều lớp nhà Việt học đem
lại kết quả nhất định, tạo nên cái nhìn như hôm nay. Tuy nhiên, với những khám
phá mới về nguồn gốc dân tộc Việt, nhiều vấn đề về người Kinh cần được xem xét
lại. Bài viết này trình bày một lý giải mới về nguồn gốc người Kinh.
I.
Về giả thuyết Tiền Việt-Mường
Cho đến nay phần lớn các học giả đồng thuận
cho rằng: Người Việt và người Mường xưa vốn
cùng chung một cội nguồn, nhưng đã tách thành hai dân tộc trong một hoàn cảnh lịch
sử nhất định, giả thiết khoảng thế kỷ thứ XI trở về sau.
Ý tưởng này được nhà ngữ học
người Pháp H. Maspéro [1] đề xuất đầu tiên.
Tiếp đó là V. Goloubew [2]. Sau năm 1954, các học giả Việt Nam kế tục quan điểm
của trường phái Viễn Đông Bác cổ với Nguyễn Thế Phương [3], Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương [4] rồi Nguyễn Tài Cẩn [5]. Dựa trên ngôn ngữ học so sánh, giới ngữ học cho rằng: thoạt kỳ thủy,
từ ngôn ngữ Tiền Việt-Mường chia thành nhánh
Chứt-Pọong và nhánh Việt-Mường chung. Sau đó Việt-Mường chung tách ra Việt và
Mường.
Cũng thời gian này, giới
nhân học vào cuộc. Trong Nhân chủng học
Đông Nam Á,[6] từ tư liệu “Hình thái nhân chủng một số nhóm nam giới Việt,
Mường, Chứt” và “Tần xuất nhóm máu ABO ở người Việt và người Mường,” Nguyễn
Đình Khoa nhận định: “Ngôn ngữ Việt - Mường
hiện nay và trước đây là ngôn ngữ chung của những tộc người thuộc cả hai nhóm
loaị hình nhân chủng Anhđônêdiên và Nam Á.” (t.128) Đồng thời tác giả cũng
lưu ý rằng, “Ở Việt Nam (có thể đại bộ phận bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á),
thành phần Nam Á xuất hiện muộn hơn (thời đại đồ Đồng), thành phần Anhđônêdiên
thì hình thành sớm (thời đá mới). Như vậy phải đặt câu hỏi: Ngôn ngữ Việt – Mường cũng có một cội nguồn cổ
xưa như những người Anhđônêdiên nguyên thủy nhất hay ngôn ngữ Việt – Mường hình
thành muộn hơn trên cơ sở tiếp xúc và giao lưu giữa các cộng đồng người có thể
khác nhau về tiếng nói, về nguồn gốc?(t.128)
Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương
viết: “Tiếng Việt và tiếng Mường có nguồn gốc Nam Á, nhưng do sự tiếp xúc lâu
dài với các ngôn ngữ Tày cổ nên nhóm Việt-Mường đã tách khỏi khối Tiền Việt-Mường.”
Về mốc thời gian, hai tác giả cho rằng: “Ngôn ngữ Tiền Việt-Mường đã xuất hiện ở
vùng lưu vực sông Hồng cách đây khoảng 4000 năm. Tại đây, ngôn ngữ này đã tiếp
xúc lâu dài với ngôn ngữ nhóm Tày cổ để hình thành ngôn ngữ Việt-Mường chung.”
Do khám phá việc xuất hiện loại hình Nam Á ở Việt Nam và bán đảo Đông Dương vào
thời đại đồ đồng từ quá trình chuyển hóa của người Indonesian nguyên thủy nên
Nguyễn Đình Khoa cho là có sự liên quan giữa quá trình chuyển biến Indonesian thành Nam Á và giả thuyết về hình
thành ngôn ngữ Việt-Mường.
Nguyễn Đình Khoa lưu ý tới
vai trò của những tộc người ngôn ngữ Môn-Khmer. Họ được nhất trí xếp vào dòng
ngôn ngữ Nam Á, là một trong những thành phần bản địa lâu đời nhất ở bán đảo
Đông Dương, là con cháu của người Indonesian nguyên thủy. Do vậy, tiếng nói và
tổ tiên họ phải là một dạng Nam Á cổ, trong đó theo Hà Văn Tấn và Phạm Đức
Dương, có yếu tố Tiền Việt-Mường. Tiếp xúc với ngôn ngữ Tày cổ thì tách ra ngôn
ngữ Việt-Mường chung. Giai đoạn này có thể tương ứng với quá trình chuyển biến
nhân chủng từ Indonesian thành Nam Á.
Có thể nhận ra rằng, sự đồng
thuận này không dễ dàng mà là việc nhượng bộ của những quan niệm rất khác nhau
thậm chí trái ngược:
Trong tài liệu đã dẫn,
Maspéro coi tiếng Việt là một nhóm trong dòng Hán-Tạng vì về cú pháp và thanh
điệu tiếng Việt gần với tiếng Thái. Nhưng trước đó người ta đã phát hiện trong
tiếng Thái có yếu tố ngôn ngữ Môn-Khmer và cả ngôn ngữ Mã Lai. Năm 1924,
Przyluxki viết: “…tuy trong tiếng Thái có nhiều từ Hán nhưng nó lại có nhiều yếu
tố chung với các ngôn ngữ Môn-Khmer…Có thể trong tương lai, cứ liệu thực tế buộc
chúng ta phải đặt tiếng Thái vào ngữ hệ Nam Á.” [7]
Như vậy là, tiếng Việt được
sắp xếp trong một biên độ rất rộng, từ Hán Tạng tới Môn-Khmer rồi Nam Á. Điều
này chứng tỏ, có gì đó chung cho các ngôn ngữ của cộng đồng dân cư Việt Nam nên
việc chia tách chúng một cách rành rẽ là điều khiên cưỡng. Từ những trích dẫn
trên, có thể đưa tới nhận xét rằng, dù ra đời hơn trăm năm trước và không ngừng
được củng cố thì ý tưởng người Mường chuyển
hóa thành người Việt cũng chưa thực sự thuyết phục. Những thắc mắc nảy
sinh:
1. Nhận định: “Ngôn ngữ Tiền Việt-Mường đã xuất hiện ở vùng
lưu vực sông Hồng cách đây khoảng 4000 năm. Tại đây, ngôn ngữ này đã tiếp xúc
lâu dài với ngôn ngữ nhóm Tày cổ để hình thành ngôn ngữ Việt-Mường chung,”
phải chăng là hữu lý? Bởi lẽ, 4000 năm cách nay, đồng bằng sông Hồng còn chưa
được tạo lập, nên sự tiếp xúc của ngôn ngữ Tiền Việt-Mường với nhóm Tày cổ chỉ
diễn ra tại miền núi, trung du Bắc Bộ và vùng đất cao của châu thổ sông Hồng.
Do vậy, người nói ngôn ngữ Việt phải xuất hiện tại khu vực này trước chứ không phải
ở đồng bằng sông Hồng! Trong khi trên thực tế, người Việt là chủ thể của đồng bằng?
2. Thực tế lịch sử cho thấy,
những nhóm gọi là Tày cổ hiện nay
cũng chỉ từ Trung Quốc di cư về vào thời Nguyên. 4000 năm trước, thứ ngôn ngữ Tày cổ đó chưa xuất hiện. Vì vậy không thể
có chuyện nó “tiếp xúc với Tiền Việt Mường để sinh ra người Việt.”
3. Nếu: “ngôn ngữ Việt - Mường hiện nay và trước đây là ngôn ngữ chung của những
tộc người thuộc cả hai nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiên và Nam Á,” có
nghĩa là, từ 2000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam chỉ một chủng duy nhất
Mongoloid phương Nam và ngôn ngữ Nam Á thì vì lẽ gì chỉ có người Mường chuyển
thành người Việt?
4. Được tách ra từ Tiền Việt-Mường
vì sao mà số lượng người Việt cực lớn, còn số lượng người Mường quá nhỏ, chỉ
hơn 600000 người?
5. Câu hỏi quan trọng: “Ngôn ngữ Việt – Mường cũng có một cội nguồn
cổ xưa như những người Anhđônêdiên nguyên thủy nhất hay ngôn ngữ Việt – Mường
hình thành muộn hơn trên cơ sở tiếp xúc và giao lưu giữa các cộng đồng người có
thể khác nhau về tiếng nói, về nguồn gốc”, vẫn chưa có lời đáp!
Đánh giá một cách công bằng,
có thể cho rằng, là nhà ngữ học uyên bác, khi phát hiện sự tương đồng khá cao về
tiếng nói giữa người Mường và người Việt đồng thời cũng nhận ra những yếu tố của
ngôn ngữ Tày trong tiếng Việt, H. Maspéro đã đề xuất ý tưởng trên. Sau này, cảm
nhận sự “hợp lý” của nó, các tác giả khác đã tiếp thu và phát triển, góp phần
đưa tới một cách nhìn nhận về con người và tiếng nói Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên ngôn ngữ cũng như
tư liệu metric (số đo) sọ, không phải là chứng cứ đáng tin cậy giúp phân định
chủng người. Như nhà nhân học lớn nước Mỹ Jared Diamond khẳng định: “Những gì
thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận, đều không đáng tin cậy.”
Sang thế kỷ này, để giải quyết bài toán nguồn gốc người Việt, cần một công
trình độ sộ vẽ bản đồ gen người Việt.
Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng từ công trình như vậy, tôi xin đưa ra một
giả thuyết khác về nguồn gốc người Kinh.
II.
Nguồn gốc người Kinh theo cách nhìn mới.
Trước hết cần xác định lại một
số thuật ngữ. Các tài liệu hành chính hiện nay viết rằng, Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Đây là cách dùng từ
không chuẩn do không phân biệt hai khái niệm tộc người hay sắc tộc
(race) và dân tộc (nation). Dân tộc là
cộng đồng người cùng một chủng tộc trong một quốc gia. Trong một quốc gia có một
hay nhiều dân tộc với ý nghĩa chủng người. Tộc
người là những sắc dân trong một
chủng người. Sau năm 1954, ảnh hưởng của tài liệu dân cư học Trung Quốc cho rằng
ở “Trung Quốc có 56 dân tộc anh em”,
các nhà làm chính sách của Việt Nam cũng ghi trong hiến pháp: Việt Nam có 54
dân tộc anh em. Tuy nhiên sau đó, phát hiện sai lầm, người Trung Quốc đã sửa:
Trung Quốc có 56 tộc người thuộc năm dân tộc là Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Trong
khi đó, do chưa có sự phân định rõ ràng, Việt Nam vẫn giữ 54 dân tộc trong các văn bản hành chính.
Các tài liệu nhân chủng học
cho thấy, từ 2000 năm TCN, dân cư Việt Nam gồm duy nhất chủng người Mongoloid phương Nam. Đến nay nước Việt
Nam bao gồm một dân tộc duy nhất là dân tộc Việt. Kinh, Mường, Mán, Tày, Thổ, H’Mông,
Dao, Khmer, Chăm, Bana, Êdê, Giarai… là những tộc người hay sắc tộc
trong dân tộc Việt. Vì vậy, thuật ngữ NGƯỜI VIỆT dùng chỉ chung mọi tộc người bản
địa Việt Nam. Người Kinh là một tộc người hay sắc tộc trong 54 sắc tộc Việt. Việc
gọi người Kinh là người Việt là sai lầm, là sự tiếm xưng, đưa tới nhận thức lệch
lạc: chỉ người Kinh mới là người Việt, còn các sắc tộc khác không phải là người
Việt. Trước đây, do cách nhìn kỳ thị của chính quyền quân chủ, các sắc dân Việt
này bị gọi miệt thị là man, mọi!
Vì vậy, từ đây, tôi dùng thuật
ngữ người Kinh thay cho người Việt trong thảo luận.
Người Kinh là một tộc người (race)
trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do vậy, muốn tìm nguồn gốc người Kinh cần phải
biết quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Tri thức của thế kỷ mới cho thấy,
70000 năm trước, hai đại chủng người Khôn ngoan Australoid và Mongoloid từ châu
Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết sinh ra hai chủng
người Việt cổ là Indonesian và Melanesian. Trong đó người Indonesian (Lạc Việt)
giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Ngôn ngữ Lạc Việt là tiếng nói chủ
thể của cộng đồng. Khoảng 40000 năm trước, người Việt đi lên khai phá đất Trung
Hoa và xây dựng nơi đây nền nông nghiệp phát triển. Khoảng 7000 năm trước, tại
trung lưu Hoàng Hà, người Việt tiếp xúc với người Mongoloid phương Bắc, sinh ra
chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam. Khoảng 5000 năm trước, người
Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà mà
trung tâm là đồng bằng Trong Nguồn. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục
do Hiên Viên lãnh đạo tấn công vào Trác Lộc, xâm chiếm đất của người Việt phía
Nam Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Do cuộc xâm lăng này, người Việt từ lưu
vực Hoàng Hà di cư xuống phía Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền
dân cư Đông Nam Á sang Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận
dân cư Đông Nam Á trong đó có bán đảo Đông Dương được chuyển hóa thành người
Mongoloid phương Nam. Chủng Lạc Việt Indonesian chuyển thành dạng Mongoloid
phương Nam điển hình. Chủng Melanesian chuyển thành loại hình Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Tiếng
Lạc Việt là ngôn ngữ chung. Như vậy, câu hỏi 5 ở trên được giải đáp: người Nam Á ra đời sau nhưng ngôn ngữ Nam Á
(Lạc Việt) xuất hiện đồng thời với hai chủng người Indonesian và Melanesian
trên đất Việt Nam.[8]
Thời kỳ này đồng bằng sông Hồng
và đồng bằng miền Trung chưa hình thành nên người Việt cư trú trên vùng trung
du và rừng núi miền Bắc và miền Trung. Khoảng vài ba trăm năm trước Công
nguyên, đồng bằng sông Hồng được bồi tụ cơ bản đồng thời nhờ nước biển rút, một
châu thổ phù sa phì nhiêu xuất hiện [9]. Người Việt từ khắp nơi dồn về vùng đất
mới: từ Thanh Nghệ ra, từ Hòa Bình, từ trung du và miền núi Bắc Bộ xuống và từ
Trung Quốc trở về… Việt Nam bước vào văn hóa Đông Sơn muộn, lưỡi cày đồng ra đời,
khiến năng suất nông nghiệp tăng, lương thực dồi dào. Nhờ vậy nhân số đồng bằng
sông Hồng tăng nhanh. Do từ lâu người Việt đã cùng một chủng tộc nên tại đồng bằng,
dân cư không có chuyển biến lớn về di truyền mà chỉ người Indonesian nhận thêm
nguồn gen Mongolic để chuyển hóa thành dạng Mongoloid phương Nam điển hình.
Cũng do sự tập trung này mà
tại đồng bằng, ngôn ngữ Lạc Việt được củng cố. Tuy nhiên về sau do tiếp xúc rộng
với nhiều nguồn dân cư nên ngôn ngữ có những yếu tố mới. Trong những người di
cư về từ Trung Quốc, có nhóm Tày-Thái, người Hakka, người Hán... Họ là con cháu
người Lạc Việt ra đi từ hàng vạn năm trước, sống và tạo lập văn hóa nông nghiệp
trên lưu vực Hoàng Hà. Do biến động của lịch sử, họ trở thành dân cư của các
vương triều Trung Hoa cũng như các tiểu quốc Việt còn độc lập với triều đình
Hoa Hạ tại lưu vực Hoàng Hà.
Từ thời Thương, Chu, chữ tượng
hình được sử dụng khiến cho ngôn ngữ vùng Trung Nguyên trở nên đơn âm và hữu
thanh hóa. Quá trình như sau. Chữ tượng hình từ 6000 năm trước được người Lạc
Việt ở Nam Dương Tử chế ra để ghi âm những tiếng dùng trong bói toán, bùa chú,
cúng tế. Tiếng Việt vốn đa âm nhưng chữ hình vẽ thì đơn lập, không thể ghép với
nhau. Vì vậy, những tiếng muốn được ký âm buộc phải chuyển thành đơn âm như blời
à trời
à
thiên; tlủ à sủ à trâu; krong à sông, rồng, long… Trong dân
gian người Việt, từ lâu quá trình đơn âm hóa ngôn ngữ đã xảy ra. Khi nhà Ân chiếm
đất An Dương của người Việt ở Hà Nam, phát hiện chữ Giáp cốt, đã tập trung phát
triển loại chữ này. Sang thời Chu, chữ được phổ biến hơn và được sử dụng rộng
rãi vào thời Chiến Quốc. Nhà Tần đã quy chuẩn hóa chữ vuông. Nhờ vậy, tiếng nói
dân cư Trung Nguyên đơn âm hóa mạnh. Khi tiếng nói đơn âm thì cũng tự nhiên xuất
hiện thanh điệu: chỉ cần đổi dấu thanh sẽ được tiếng mới với nghĩa mới. Thí dụ
Thanh à
Thành à
Thánh à Thạnh…
Khi di cư về Việt Nam, người
Thái, người Hẹ (Hakka), người Hán… mang theo tiếng nói đơn âm và hữu thanh về,
góp phần làm biến đổi tiếng nói của cộng đồng, khiến cho tiếng Việt trở nên đơn
âm và có thanh điệu. Khi sáp nhập Âu Lạc với Nam Việt, nhà Triệu đem chữ Nho
vào dạy và sử dụng ở nước ta. Nhất là từ sau cuộc xâm lăng của người Hán, chữ
Nho thành quốc ngữ, được dùng trong hành chính và giáo dục, quá trình chuyển
hóa tiếng Việt sang đơn âm và hữu thanh được tăng cường.
Cùng với việc đô thị hóa, giao
lưu thương nghiệp, văn hóa của đồng bằng mở rộng với khu vực nên dần dần hình
thành một dạng dân cư mới sống ở đồng bằng, được gọi là người Kinh với nghĩa
dân cư vùng kinh đô. Theo thời gian, người
Kinh phân biệt với dân cư các vùng khác bởi tiếng nói, văn hóa, cách sinh hoạt,
phong tục tập quán mà thành một sắc tộc riêng.
Như vậy, người Kinh là sản
phẩm của quá trình khai phá đồng bằng sông Hồng. Khi biển rút, đồng bằng mở ra,
những phần tử ưu tú, năng động nhất trong các bộ lạc người Việt từ các vùng
khác nhau kéo xuống khai thác đất mới. Mỗi nhóm người đóng góp phần tốt đẹp nhất
của mình tạo nên một cộng đồng dân cư mới. Đồng thời mỗi sắc dân cũng hòa lẫn
trong cộng đồng. Thí dụ tiêu biểu của việc này là sự kiện 40.000 tù binh người
Chăm được đưa tới đồng bằng Bắc Bộ vào thời Lý. Nay con cháu họ là ai? Một thí
dụ khác: Quảng Nam là địa bàn phân bố từ xa xưa của người Chăm. Nhưng vì nằm
trên đường mở nước nên hơn 500 năm (TK XI- XVI) điễn ra cuộc tiếp xúc liên tục với người
Kinh. Kết quả là phần lớn dân cư nơi đây được Kinh hóa, trở thành người Quảng
Nam hôm nay...
Vì thế, về mặt di truyền,
không có chuyện chỉ riêng người Mường phân hóa thành người Kinh mà do tiếng Mường
giữ được nhiều nhất yếu tố ngôn ngữ Lạc Việt nên khi so sánh ngôn ngữ, các nhà
ngôn ngữ học ngộ nhận cho rằng chỉ có người Mường phân hóa thành người Kinh. Cũng
vậy, hiện tượng đơn âm và hữu thanh của tiếng Kinh được ảnh hưởng từ nhiều nguồn:
người Tày-Thái, người Hẹ, người Hán… từng có mặt tại đồng bằng nhưng rồi những
dòng người này bị đồng hóa, hòa tan trong dân cư đồng bằng, không để lại dấu vết.
Trong khi đó một số nhóm Tày-Thái Tây Bắc, di cư về muộn hơn nhưng do sống khá biệt lập,
đã bảo lưu được phong tục tập quán và tiếng nói hình thành trên đất Trung Hoa nên
khi phát hiện ra, các học giả cho rằng, người
Mường tiếp thu ngôn ngữ của nhóm Tày cổ để biến thành người Kinh. Trong khi
thực tế không phải vậy.
Quá trình tương tự cũng diễn
ra tại đồng bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Vùng đồi núi Thanh-Nghệ là nơi cư trú sớm nhất
của người Việt cổ từ thềm lục địa đi lên, nên là nơi phát tích của dân cư Việt
Nam. Khi đồng bằng miền Trung hình thành từ phù sa sông Cả, sông Mã, sông Chu,
các dòng người cũng tập trung về đây, hòa huyết và hòa nhập văn hóa sinh ra cộng
đồng người Kinh miền Trung. Do sinh ra từ miền đất cổ nên phương ngữ miền Trung
là phương ngữ cổ xưa nhất của Việt Nam. Phương ngữ miền Trung được chia cho
phương ngữ đồng bằng sông Hồng và phương ngữ miền Nam.
III. Kết luận
“Người
Tiền Việt-Mường tiếp xúc với nhóm Tày cổ sinh ra người Kinh…” là
câu chuyện hư cấu kéo dài hơn thế kỷ. Tiền
Việt-Mường chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Ngay cả chuyện ngôn ngữ Tày
cổ góp phần làm nên tiếng Việt cũng không có thực.
Từ quá trình hình thành dân
cư Đông Á với những bằng chứng khảo cổ học, văn hóa học, ngôn ngữ học, cổ nhân
chủng học, di truyền học và toàn bộ lịch sử Đông Á, ta có thể chắc rằng, người
Kinh là tổng hòa những dòng di cư người Việt tới chiếm lĩnh đồng bằng sông Hồng
bắt đầu từ khoảng 500 - 300 năm TCN. Sau nhiều vạn năm sống trên dải đất hẹp của
trung du và rừng núi, đồng bằng sông Hồng khi nước rút, trở thành đất hứa thu
hút những con người năng động quả cảm nhất trong các bộ tộc Lạc Việt kéo về
khai phá. Trong những người di cư này, người Việt từ Trung Quốc trở về có vai
trò đặc biệt. Cùng với tiếng nói đơn âm và thanh điệu, họ mang về đất tổ những
con người tài năng với kinh nghiệm quý giá của cuộc sống năng động phía Bắc. Ta
còn nhớ, năm 43 sau khi diệt cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã thi hành
cuộc diệt chủng tàn khốc. Ông bắt 300 gia đình quý tộc hàng đầu của Âu Lạc (khoảng
3000 tới 4000 người) đi đày ở huyện Linh Lăng Nam Dương Tử. Mất tầng lớp ưu tú
nhất, Âu Lạc như rắn mất đầu, hầu như không còn năng lực để vươn dậy. Phải 200
năm sau mới có cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh. Cũng phải 200 năm nữa mới
có cuộc vùng dậy của Lý Bí, là hậu duệ đời thứ bảy của một người Giang Nam di tản
thời Tây Hán. Đinh Bộ Lĩnh là con Đinh Công Trứ, Quyền Thứ sử Hoan châu kiêm Ngự
Phiên Đô Đốc, một vị quan từ Giang Nam tới. Rồi tổ tiên những dòng vua rực rỡ
nhất trong sử Việt như Lý, Trần cũng thuộc những lớp người di tản này…
Là lứa con út của đại tộc Việt,
người Kinh không chỉ thụ hưởng phần đất hương hỏa trù phú nhất của tổ tiên mà
còn nhận được phẩm chất di truyền cùng văn hóa ưu việt từ giống nòi. Cũng như
nước từ các sông suối tạo thành biển, các tộc người Việt gặp nhau ở đồng bằng
sông Hồng và đồng bằng miền Trung hình thành người Kinh. Nhờ vậy, người Kinh trở
thành tộc người tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Giả thuyết trên có thể phù hợp
nhất với sự thực lịch sử. Tuy nhiên, như lời của Jared Diamond: “chỉ khi được
di truyền học kiểm chứng mới đáng tin.” Mong rằng ngày sự thực được chứng minh
không còn xa.
Tài liệu tham khảo:
1. H.
Maspéro. Etude sue la phonétique
historique de la langue annamite. BEFEO, T.XII Hanoi 1912 (dẫn theo Nguyễn
Đình Khoa)
2. V.
Goloubew. Le peuple de Dong Son et les
Muongs. Catrier de I’Ecole frse, No 10 -1937 (dẫn theo Nguyễn Đình Khoa)
3. Nguyễn
Thế Phương. Tiếng Mường và mối liên quan
về nguồn gốc giữa người Mường và người Kinh Tập san Văn Sử Địa, số 42 năm
1958.
4. Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương. Về ngôn ngữ tiền Việt-Mường. Dân tộc học,
số 1-1978.
5. Nguyễn Tài Cẩn - Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt. Kỷ yếu Hội thảo Việt
Nam học lần I Hà Nội 1988.
6. Nguyễn
Đình Khoa – Nhân chủng học Đông Nam Á.
(NXB DH&THCN, H. 1983)
7. Przyluxki
R – Les Langues sino-tibetanes. Les
Langues du monde,1924 (dẫn theo Nguyễn Đình Khoa)
8. Hà
Văn Thùy - Tiến trình lịch sử văn hóa Việt.
SG xuất bản. Amazon.com
9. Viện
Hàn lâm khoa học Việt Nam. Khảo cổ học đồng
bằng sông Hồng.
http://caf.vass.gov.vn/noidung/nghiencuukhoahoc/Lists/NghienCuuKhoaHoc/view_detail.aspx?iDCapCoQuan=47&ItemID=1714