Từ Cali, nhà
nghiên cứu Việt Nhân Nguyễn Cảnh Hậu chuyển cho tôi bài viết của Giáo sư
L.C.Kelley về học giả Kim Định, qua bản dịch của Trà Mi, nhan đề: “Sử gia lớn nhất (không ai biết
đến/không được công nhận) của Việt Nam .”* Ông không quên kèm theo nhận xét: “Ông này chỉ mới nhận được cái ngọn mà chưa hiểu tận cái gốc
của Con Người và Tinh thần Dân tộc Việt Nam . Kim Định nhờ tinh
thần triết học Đông phương tức là triết lý An Vi mới khai quật
lên được nền Văn hoá độc đáo Việt Nam . Kim Định không phải là một sử
gia.”
Đồng ý
với nhà Kim Định học lão thành, tôi cho rằng, Kim Định không phải là sử gia.
Bởi lẽ, mở đầu cuốn sử của mình, ông viết: “ Sống sót sau bốn lần băng giá, khoảng 500.000 năm trước, loài người tập
trung ở phía nam dải Thiên Sơn. Những người đi về phía tây trở thành tổ tiên
người da trắng. Người đi về phía đông trở thành tổ tiên các tộc người Việt,
Hán, Hồi, Mông, Mãn. Người Việt theo ngọn sông Dương Từ vào chiếm 18 tỉnh của
Trung Quốc. Người Hán theo phương thức du mục lang thang trên cao nguyên Thanh
Hải lúc đó còn là phúc địa. Về sau vượt sông Hoàng Hà vào chiếm đất của người
Việt…” “Người Hán đuổi người Việt chạy có cờ qua sông Dương Tử rồi quay về chế ra
chữ Việt bộ Tẩu phỉ báng người Việt.”
Nếu là sử gia, thì với tri thức sai lạc như
thế, sự nghiệp Kim Định đã sụp đổ. Có lẽ do biết trước sự thể nên đã hơn một
lần ông tuyên bố: “Những gì liên quan tới
chứng cứ lịch sử, nhiều lắm cũng chưa tới 10% đề xuất của tôi. Nếu có sai đi
nữa thì những gì còn lại là Việt nho
và đạo Việt An vi mới là đóng góp quan
trọng nhất.” Điều đó chứng tỏ, Kim Định ý thức được đóng góp của mình cho
học thuật và hoàn toàn không nhận là sử gia.
Tôi cũng không chia sẻ với Giáo sư Kelley
khi ông cho rằng “không ai biết” tới
Kim Định. Ngược lại, sự thật là, vào đầu thập niên 1970, sinh viên nô nức ghi
tên học các khóa ông giảng và tác phẩm Kim Định là “sách gối đầu giường” của
học sinh sinh viên miền Nam. Thuyết Việt Nho thành tư tưởng thời thượng, in sâu
trong tâm khảm một lớp người. Sau năm 1975, học trò của Kim Định lập Hội An
Việt ở nhiều nước phương Tây, in sách báo, dựng đài phát thanh quảng bá tư
tưởng Thầy. Trong nước Việt Nam ,
tuy sách của Kim Định bị cấm nhưng vẫn có người tìm đọc. Và hôm nay, tư tưởng
Kim Định lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tháng 7 năm 2012, tại Văn miếu Quốc
tử giám, Lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất của Kim Định được tổ chức trọng thể. Và
đầu tháng Bảy năm nay, cũng tại Hà Nội, Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh triết
gia Kim Định được tổ chức.
Điều này thì vị giáo sư Đại học Manoa nói
đúng: Kim Định không được công nhận!
Bốn mươi năm nay, Kim Định không được chính thức công nhận mà chỉ là một thứ
hoa dại sống giữa nhân gian.
Tuy
vậy thưa Giáo sư, cũng không phải như ông nói: “không ai có thể nhìn thấy thiên tài trong những gì ông (KĐ) đã làm.” Từ lâu người Việt Nam đã nhận ra thiên tài ở Kim
Định. Không chỉ là “lời nói gió bay” mà được định hình bằng văn tự. Nhưng tôi
đồng ý với ông là Kim Định “đã đẩy tư tưởng của mình đi quá xa.” Một trong thao
tác làm việc của Kim Định là từ tâm lý miền sâu, từ chiều sâu tâm linh để giải
mã huyền thoại rồi suy luận, tưởng tượng. Nếu từng sản sinh ra kết luận thiên
tài, thì sự tưởng tượng ấy cũng lắm lúc đẻ ra quái vật! Có thể nhặt ra hàng
đống sạn trong sách Kim Định mà Loa Thành
Đồ Thuyết là một thí dụ. Nhưng dù vậy, Kim Định vẫn quá lớn lao, vẫn vô
cùng vĩ đại!
Giáo sư Kelley viết: “Thế vấn đề với các tác phẩm của Kim Định là gì
? Nó cũng
giống như vấn đề với học thuật của Marcel Granet. Kim Định đã không phân biệt
giữa văn bản. Đối với ông, những gì đã được viết trong Sử ký của Tư mã Thiên
hoặc Kinh Thi (cả hai từ thời BC) cũng giống như những gì đã được viết trong
Lĩnh Nam chích quái ở thế kỷ thứ mười lăm, v.v... Thông tin trong tất cả các
văn bản đó đều có thể được sử dụng để chứng minh sự hiện hữu của một “cấu trúc”
của nghĩa ẩn dưới những văn bản này. Đó là vấn đề.”
Người từng
theo dõi những bài viết của Kelley sẽ thấy, ông vẫn loay hoay với ý tưởng lẩn
thẩn rằng Lĩnh Nam chích quái vô giá trị
vì chỉ được viết vào thế kỷ XV, là sản phẩm của đám trí thức Hán hóa người Việt
tân tạo theo sách Trung Hoa! Chính do thiếu chiều sâu lịch sử và văn hóa
phương Đông nên ông không hiểu được rằng, từng có nhà nước Lương Chử - Xích Quỷ
xuất hiện 3000 năm TCN. Đó là một nhà nước vĩ đại không chỉ về văn minh mà còn
về quy mô, chiếm hơn nửa diện tích và dân số Trung Hoa. Sau hơn 1000 năm tồn
tại, bị phân rã do tác động của vương triều Hoàng Đế, người Lương Chử-Xích Quỷ di
tản tới Việt Nam, Tứ Xuyên, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ… mang theo truyền thuyết
gốc của tổ tiên mình về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ với một bọc trăm
trứng. Câu chuyện Kinh Dương Vương vang bóng trong huyền thoại Tứ Xuyên, Thái
Lan, Miến Điện. Một bọc trăm trứng đã vào kinh Phật. Tại Việt Nam , do hoàn
cảnh lịch sử đặc biệt, nó sống lâu dài trong văn chương truyền miệng để rồi
được ghi lại vào thế kỷ XV. Như vậy, tuy được chép muộn hơn nhưng tính chân
thực của câu chuyện không hề thua kém so với Sử ký! Nhiều sử gia trước đây đã
tin như thế. Chỉ vì cố tỏ ra độc đáo khác
người, ông giáo sư đã hoang tưởng!
Về câu: “Tuy
nhiên, con đường trí tuệ dẫn ông đến kết luận này đã đi qua một số tư tưởng học
thuật vĩ đại nhất của thế kỷ XX,”
Đúng là Kim Định đã tiếp thu những tinh hoa trí tuệ
thời đại ông như Granet, Lévi-Strauss … Nhưng một vấn đề được
đặt ra: sách của các vị này dành cho mọi người mà vì lẽ gì chỉ Kim Định phát
huy hiệu năng cao nhất? Điều này, học giả phương Tây khó lòng hiểu nổi! Từ hàng
chục năm nay, những người nghiên cứu Kim Định nhận ra rằng, tri thức Tây học chỉ
là chất xúc tác giúp Kim Định bộc lộ phẩm tính riêng, đó là khả năng lãng du về
ký ức miền sâu, có thể bao gồm cả thiền định để giải mã những truyền thuyết,
huyền thoại cùng huyền sử, khám phá những bí ẩn tận cùng của lịch sử, văn hóa! Đấy
chính là cái làm nên thiên tài của Kim Định.
Giáo sư
L.C.Kelley viết:
“Kim Định có
một số tuyên bố táo bạo trong các thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 đưa sự
hiểu biết của chúng ta về lịch sử Việt Nam (quá xa) về phía trước, nhưng kể từ
thời điểm đó đã không có người nào có những kiến thức về lý
thuyết như Kim Định, vì vậy đã không một thách thức, hoặc chỉnh sửa tư tưởng
của Kim Định nào hết. Kết quả là tư tưởng Kim Định hoặc đã bị gạt bỏ hoặc bị
nhạo báng, hoặc ý tư tưởng của ông đã bị hiểu lầm.
Đây là
một điều xấu hổ, vì Kim Định, tôi cho là sử gia Việt Nam duy nhất trong thời
hiện đại, người đã thực sự đi đến một giải thích mới về lịch sử thời sơ khai
của nước Việt (Nam).”
Tôi không chia
sẻ với ông ý tưởng “Kim Định có một số tuyên bố táo bạo
trong các thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 đưa sự hiểu biết của chúng ta về
lịch sử Việt Nam (quá xa) về phía trước.” Cái lịch sử mà Kim Định đề cập không phải lịch sử Việt Nam mà
là lịch sử của tộc Việt, cụ thể là Bách Việt. Tộc người từng mang tên Tam Miêu,
vào chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhất. Còn về lịch sử Việt Nam , Kim Định cũng không vượt qua giới hạn của
thời ông sống: “Người Việt Nam là
dòng duy nhất trong Bách Việt do có được lãnh thổ riêng nên giữ đựơc độc lập,
không bị Hán hóa.” Tuy nhiên, một lịch sử như vậy của cả Việt Nam
lẫn Bách Việt cũng xưa rồi. Thực tế lịch sử còn “xa” hơn cả sự tưởng tưởng của
thiên tài Kim Định!
Tuy vậy, phần
sau của đoạn trích đáng được chia sẻ. Sự thực là, kết hợp tinh hoa tri thức
thời đại với phẩm tính riêng, Kim Định đã dựng cho mình một đỉnh cao trí tuệ mà
các học giả cùng thời chỉ mon men nơi chân núi. Người yêu ông không đủ chứng lý
bảo vệ ông. Người ghét ông càng không có cơ sở vững chắc để phủ nhận. Kim Định
không có người đối thoại. Vì vậy, tình trạng “đáng xấu hổ” như ông Kelley nói, đã
xảy ra. Chỉ sang thế kỷ này, khi trí tuệ nhân loại sáng tạo đỉnh cao mới thì
chúng ta mới có điều kiện thực sự để cọ xát với Kim Định. Hóa ra, toàn bộ giá
trị “sử gia” của Kim Định chỉ còn một câu duy nhất: “người Việt chiếm lĩnh
Trung Hoa trước.” Nhưng đúng là “trên cả tuyệt vời” khi thực tế được khám phá đã
hơn cả điều Kim Đinh tưởng tượng: không phải từ Tây Tạng xuống mà người Việt từ
Việt Nam mang rìu đá, giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó… đi lên chinh
phục đất Trung Hoa. Mặc nhiên, luận thuyết vẫn bị nhạo báng, coi là “lâu đài
cất bằng hơi nước” của Kim Định được xác
lập cơ sở khoa học!
Một mùa hè
nhập môn Kim Định học, bản thu hoạch của Giáo sư L.C. Kelley hơi bị “khiêm tốn”.
Điều này dễ hiểu vì lâu đài trí tuệ Kim Định dựng lên không chỉ có quy mô quá
lớn về câu chữ mà điều quan trọng là quá uyên áo, như một mê cung, nhiều tầng
nhiều lớp… khiến cho người duy lý phương Tây khó nắm bắt. Giáo sư Kelley có lẽ
là học giả phương Tây đầu tiên mạo hiểm tiếp cận. Cũng dễ hiểu khi khám phá của
ông mới dừng lại ở bề ngoài. Điều đáng ghi nhận là ông đã tới với Kim Định bằng
tấm lòng thành. Ta cảm ơn ông ở chỗ đó!
Sài Gòn, tháng 6 năm 2015
*http://dcvonline.net/2015/06/25/su-gia-lon-nhat-khong-ai-biet-denkhong-duoc-cong-nhan-cua-viet-nam/